Nhật ký một cuộc “Về nguồn”

Thứ hai, 07/08/2023 07:44
Ai đó từng nói, về nguồn là về với những giá trị kết tinh mang tính lịch sử. Chúng tôi có diễm phúc cảm nhận rõ điều ấy khi được Công an TP Đà Nẵng tổ chức chuyến “Về nguồn” tại Khu Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục Miền Nam (H.Tân Biên,Tây Ninh) nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27-7 ( 1947 – 2023) và 78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân 19-8 (1945 –2023).
Trước Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tại Khu lưu niệm Cố Bộ trưởng Phạm Hùng.

31-7: Chúng tôi đến điểm xuất phát 80-Lê Lợi sớm hơn lịch trình. Cũng nhờ tính lo xa ấy, chúng tôi chứng kiến một hành trình “Về nguồn” khác của Đoàn Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, đích đến là Di tích Nha Công an Trung ương ở Tây Bắc.

Xuất phát muộn hơn 1 giờ, Đoàn chúng tôi có 17 người, tất cả là con liệt sĩ, do Đại tá Trần Đình Liên- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an TP, là con liệt sĩ làm Trưởng Đoàn, đích đến là Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Khi tham gia hành trình về với cội nguồn, chúng tôi xác định đây là một cuộc trở về với bao nhiêu câu chuyện đan xen, hòa quyện, kết nối những không gian, thời gian xa xưa với hôm nay và tương lai. Như Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP đã gửi gắm trong buổi gặp mặt ngày 21-7 trước đó. Ông hy vọng, tin tưởng rằng đây là một hành trình bổ ích, không chỉ là về nguồn lớn, nguồn chung mà còn cần thiết là về nguồn riêng của mỗi thành viên.

Xe nhập vào đoạn cao tốc đầu tiên. Những người con liệt sĩ của quê hương Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình không xa lạ gì những tên gọi Bồ Bồ, Gò Nổi, Chu Lai- Núi Thành, mà mỗi khi cất lên là niềm tự hào dâng tràn. Đây Bồ Bồ, đây Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng, đây là nơi an nghỉ của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, đây quê hương Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đây là Phù Cát quê hương anh hùng Ngô Mây, là Vũng Rô của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển…

1-8: Sau một đêm nghỉ ở nhà khách Công an tỉnh Khánh Hòa, đoàn tiếp tục hành trình. Lại là những cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết- Dầu Giây…Len giữa những ngọn đồi, băng qua những con sông, dòng suối là những địa danh lịch sử Bác Ái, Cà Đú… CK sép (7). Đây là Phan Rang, gợi nhớ cuộc tháo chạy của ngụy quân từ Tây Nguyên mùa xuân năm 1975, gợi nhớ về tuyến phòng thủ mà Nguyễn Văn Thiệu kêu gào phải “tử thủ” trên mảnh đất cha sinh mẹ đẻ nhưng cũng là nơi địch “chưa đánh đã tan”. Là Xuân Lộc, Biên Hòa cửa ngõ mà quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, là Hóc Môn, Củ Chi thành đồng, là di tích Chiến thắng Tua Hai, là“tam giác sắt” Bời Lời- Trảng Bàng, điểm xuất phát tấn công Sài Gòn Tết Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…

18 giờ 30, Tây Ninh đây rồi! Thành phố cùng tên đang trong giai đoạn phát triển, chỉnh trang xinh đẹp nhưng không thể xua đi ấn tượng về nơi mà Khơ me Đỏ đã gây ra một cuộc thảm sát thuộc loại man rợ bậc nhất lịch sử loài người. Cùng với Ba Chúc (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Thổ Chu (Kiên Giang), dải đất mà từ tháng 5-1975 đến giữa năm 1978, quân Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi hơn 20.000 người; hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá…; khoảng nửa triệu dân phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng.Riêng tại xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh), ngày 25-9-1977, tập đoàn Pol Pot đã đốt cháy 400 nóc nhà, giết hơn 1.000 dân thường.

Tân Lập chính là nơi đoàn chúng tôi đến vào ngày mai…

Trước nhà làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt.

2-8: Từ TP Tây Ninh đến trung tâm huyện Tân Biên là 36 km. Nhưng để đến Tân Lập, nơi Khu Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục Miền Nam tọa lạc là chặng đường trên dưới 60km. Đoàn “Về nguồn” có thêm Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh và đại diện các đơn vị khác. Dù đã biết trước Khu Di tích là một quần thể di tích, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân đến. Khu Di tích bao quát cả một vùng rộng lớn 70ha, phía Nam giáp Căn cứ Dương Minh Châu, Đông giáp chiến khu A, Bắc giáp biên giới Campuchia, Tây giáp Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Đài phát thanh giải phóng…

Theo các đường mòn ẩn khuất dưới tán rừng, Đoàn đến dâng hương Đài Tưởng niệm, Bảo tàng, nhà thường trực Trung ương Cục, nhà làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt; bước trên những con đường từng in dấu chân của người con quê hương Quảng Nam Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu Năm, Phó Bí thư Trung ương Cục mỗi khi về từ miền Trung dự các cuộc họp quan trọng. Nối các địa điểm trên là hệ thống giao thông hào chằng chịt, chốt bảo vệ, những hố bom từng được những vị lãnh đạo một thời nuôi cá cải thiện. Bên những mái lá trung quân, dưới bóng cây cổ thụ và những tiện nghi đơn sơ nhất, những câu chuyện lịch sử dội về, hiện lên như những thước phim quay chậm... là những trang sử không thể hào hùng hơn về bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, của cách mạng Miền Nam.

Bên Đài tưởng niệm, bia ghi công của Công an TP Đà Nẵng.

Thật tiếc khi không đủ thời gian để thăm Di tích Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nơi Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng làm việc; thăm và tìm hiểu về hoạt động của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam;thăm Đài Phát thanh Giải phóng, nơi ngày 1-12-1962, lúc 18 giờ 30 đã phát vào không trung bằng 5 thứ tiếng bản tin đầu tiên, với lời giới thiệu kiêu hãnh: "Đây, Đài phát thanh giải phóng, tiếng nói bất khuất, tiếng nói kiên cường, tiếng nói chính nghĩa…". Nhưng bù lại, Đoàn có đủ thời gian đầy ý nghĩa tại Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Nơi đây, Ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy, tiền thân Ban An ninh Trung ương Cục được thành lập, và cũng là địa điểm cuối cùng Ban An ninh Trung ương Cục đóng quân trước khi đất nước thống nhất.

Khu Di tích ghi nhớ và tôn vinh cống hiến của lực lượng An ninh miền Nam và An ninh Trung ương Cục, được Bộ Công an đầu tư phục hồi và xây dựng tôn tạo, trở thành quần thể Khu di tích trên tổng diện tích 56,71 ha.Hiện nay, Khu di tích có các hạng mục gồm:nhà làm việc các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục; hội trường; văn phòng; ban nghiên cứu tổng hợp; nhà bảo vệ; hầm chữ A; hệ thống giao thông hào; bếp Hoàng Cầm; Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc; đài tưởng niệm và bia ghi danh liệt sĩ CAND; Bảo tàng CAND tại Khu di tích; Tượng đài và Phòng trưng bày lưu niệm đồng chí Phạm Hùng; các đài tưởng niệm, bia ghi công của Công an các đơn vị, tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau)…

Trước Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trước Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc; trước Phù điêu ghi danh hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND Việt Nam đã hy sinh; trước Tượng đài Cố Bộ trưởng Phạm Hùng… những cán bộ chiến sĩ Công an là con liệt sĩ nguyện hứa suốt đời noi theo gương cống hiến, hy sinh của những thế hệ đi trước, suốt đời trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam, đã đang và sẽ sẵn sàng xả thân vì độc lập dân tộc,vì bình yên hạnh phúc của nhân dân. Những dòng ngắn gọn nhưng súc tích của Đại tá Trần Đình Liên- Trưởng Đoàn, ghi trong sổ lưu niệm tại Bảo tàng CAND tại Khu di tích: “Chúng con, Đoàn con liệt sĩ tiêu biểu của Công an TP Đà Nẵng về dâng hương Khu Di tích Trung ương Cục Miền Nam và dâng hoa, dâng hương Bác Hồ nhân kỷ niệm 76 Năm Ngày Thương binh liệt sĩ, hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống CAND, xin hứa với Bác và các Anh hùng liệt sĩ sẽ tiếp tục phấn đấu, cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyệt đối trung thành với Đảng, Ngành và Nhân dân” như một lời thề danh dự.

3 và 4-8: Trên đường về, lại là những địa danh đã qua sao lại thấy ý nghĩa nhân lên bội phần. Chen lẫn những câu chuyện nghĩa tình của Công an Tây Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, là những phút trải lòng. Với chúng tôi, đây không chỉ là một chuyến đi mà là một chuyến tham gia khám phá những giá trị sống, là những cảm nhận, tự hào khi tiếp cận lịch sử của quá khứ và hiện tại, những bài học cho người đang sống.

Và, khi đặt chân về lại 80-Lê Lợi, chẳng ai nghĩ đó là một sự kết thúc, ngược lại là khởi đầu cho một hành trình kế tiếp.

Lịch sử được viết nên là để tiếp nối cơ mà…

Thế Sinh