Nhật quay cuồng với tối hậu thư của IS

Thứ sáu, 23/01/2015 09:42

(Cadn.com.vn) - Thiếu ảnh hưởng và ngoại giao mạnh mẽ ở Trung Đông, Nhật phải vật lộn trong tuyệt vọng nhằm đảm bảo nhóm IS thả 2 con tin mà chúng đòi 200 triệu USD tiền chuộc.

Đúng 14 giờ 50 hôm nay (23-1), tối hậu thư nhóm Hồi giáo cực đoan IS đưa ra để chính quyền Nhật Bản trả tiền chuộc cho 2 con tin Kenji Jogo và Haruna Yukawa, sẽ hết hiệu lực.

Tuy nhiên, cho đến cuối ngày 22-1, Nhật Bản vẫn mịt mù trên con đường đàm phán với IS. Tokyo cho biết vẫn chưa thể liên lạc với IS để đàm phán cứu 2 công dân mặc dù họ đã cố gắng hết sức có thể.

Thủ tướng Abe (giữa) đến tham dự cuộc họp khẩn giải quyết vụ 2 công dân Nhật bị IS bắt giữ,
đòi tiền chuộc.  Ảnh: AFP

HY VỌNG MONG MANH

Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thừa nhận, Tokyo cho đến nay không nghe thấy gì và không biết tình hình 2 con tin, Kenji Goto – nhà báo tự do và Haruna Yukawa – một doanh nhân như thế nào.

Tuy nhiên, nước này cam kết sẽ cố gắng liên lạc với những kẻ bắt cóc IS thông qua bên thứ ba, chẳng hạn như các chính phủ trong khu vực hoặc lãnh đạo các bộ tộc địa phương. Trong khi đó, nhiều nguồn tin ở Nhật Bản cho biết, vợ ông Goto từng nhận được email hồi tháng 12-2014 từ một người bí ẩn yêu cầu trả 8-16 triệu USD tiền chuộc chồng.  Chính quyền Tokyo đang nỗ lực xác minh liệu email này có phải của nhóm IS hay không.

Nếu vậy, điều đó cho thấy, nhóm chiến binh này sẵn sàng chấp nhận khoản tiền chuộc ít hơn 200 triệu USD đã yêu cầu công khai. Và câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Nhật Bản có sẵn sàng trả tiền chuộc hay không. IS có lịch sử tàn nhẫn khi từng giết chết 5 con tin phương Tây kể từ tháng 8 vì không được trả tiền chuộc. Thủ tướng Abe gọi tối hậu thư của IS là “không thể chấp nhận” và kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên khoan nhượng khủng bố. Mặc dù vậy, ông và các quan chức chính phủ cũng không loại trừ khả năng chi trả một khoản tiền chuộc.

Nhưng còn có một vấn đề khác, đó là thời gian đang không ủng hộ Tokyo.

PHÉP THỬ CHO ÔNG ABE

Cuộc khủng hoảng này là thử nghiệm quan trọng đối với chính phủ Thủ tướng Shinzo về việc mở rộng vai trò của Nhật trong các vấn đề quốc tế và nâng cao vị thế quân sự. Việc Tokyo thiếu các kết nối ngoại giao mạnh mẽ ở Trung Đông, và các nhà ngoại giao Nhật Bản sớm rời Syria khi cuộc nội chiến ở đây leo thang, càng khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với nhóm bắt giữ các con tin.

Cho đến nay, chỉ có duy nhất ông Ko Nakata, chuyên gia về luật Hồi giáo và cựu giáo sư tại Đại học Doshisha ở Kyoto, đưa ra kế sách giải quyết vấn đề này. Xuất hiện tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài, ông Nakata - cũng là cựu chuyên gia Hồi giáo tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Saudi Arabia - gửi một tin nhắn bằng tiếng Nhật và tiếng Arab kêu gọi IS “hãy cho Tokyo thời gian”. “72 giờ là quá ngắn. Xin chờ một chút nữa và cố gắng đừng hành động quá khích”, ông gửi thông điệp đến IS và khẳng định: “Nếu có cơ hội đàm phán. Tôi sẵn sàng đi và thương lượng”.

Kosuke Tsuneoka, nhà báo người Nhật từng bị bắt giữ làm con tin tại Afghanistan năm 2010, cũng ngỏ lời giúp chính phủ tiếp cận với IS cùng ông Nakata, để cố gắng cứu con tin. Không rõ là 2 người này có được phép đi đến Syria hay không do họ từng bị thẩm vấn vì bị tình nghi giúp đỡ một sinh viên đại học Nhật đến Syria chiến đấu cho IS. Khi được hỏi liệu Nhật Bản có xem xét lời đề nghị của ông Tsuneoka và Nakata hay không, Tổng Thư ký Nội các Suga cho biết, Tokyo “sẽ xem xét tất cả những cách có thể để cứu hai con tin”.

Hiện, nhiều quốc gia, trong đó có Jordan cam kết sẽ giúp đỡ Nhật. Tokyo có thể sẽ nhờ Ammaa giúp đỡ vì Jordan cũng có chung mục đích: giải thoát cho viên phi công người Jordan mà IS bắt giữ hồi tháng 12-2014 khi máy bay bị rơi tại Syria.

Khả Anh