Nhặt rác đêm
(Cadn.com.vn) - Đêm xuống, khi nhiều người dân thành phố về nhà nghỉ ngơi hay đổ ra đường, đến các điểm vui chơi sau một ngày làm việc, họ mới bắt đầu bước vào công việc mưu sinh của mình...
Khuya, mặc cho những cơn gió đông lạnh lùa qua đường phố, ông Hồ Thanh Hải (trú Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) vẫn cần mẫn bới tìm các thùng rác. Đó là công việc hằng ngày của ông, bất kể khi nắng, khi mưa, mùa đông hay mùa hạ. Ông Hải nói, nhặt rác đêm đã được vài năm, trước đây làm ở lò bún nhưng công việc vất vả mà thu nhập không ổn định, nên chuyển sang nghề nhặt ve chai ban đêm. “Giờ này mọi người mới mang rác đi đổ nên nhặt được nhiều hơn, chứ ban ngày chẳng được bao nhiêu. Thường tui đi từ 4 giờ sáng, rảo khắp các tuyến đường lớn nhỏ, chợ, tới khuya mới về nhà ăn cơm. Nếu siêng nhặt thì một đêm cũng được hơn 100 nghìn đồng. Nói thật, nếu có nghề nào khác thì tôi đâu có đi như thế này, bởi vất vả lắm, ngày nào cũng tiếp xúc với rác”, ông Hải nói. Thuộc diện nghèo của địa phương, lại phải lo cho mẹ già đau ốm, ông Hải bảo cũng vì quá khó khăn, nên dù đã vào tuổi ngũ tuần nhưng vẫn chưa có gia đình.
Ông Hải chăm chỉ lục lọi tìm kiếm ve chai. |
Dạo quanh các tuyến phố Đà Nẵng, chúng tôi phát hiện rất nhiều người khác đi nhặc rác và họ xem đó như nghề chính để nuôi gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Phước (quê ở Bình Điền, TT–Huế) kể, chị làm nghề này để nuôi giấc mơ được học của con. Trước đây, thu nhập trong gia đình đều trông cậy vào chồng, nhưng chẳng may chồng chị mất vì tai nạn giao thông, từ đó cuộc sống gia đình chị Phước rơi vào khốn khó. “Khi còn ở quê, hằng ngày em vô rừng nhặt củi đem đi bán nhưng chẳng đủ nuôi con ăn học, quyết không cho con thất học nên em gởi lại cho người thân rồi vào Đà Nẵng nhặt rác, không nhiều nhưng thu nhập từ nghề này cũng đủ để nuôi con. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhặt rác đêm khó hơn trước, bởi có nhiều người làm”, chị Phước kể.
Hằng ngày chị Phước rất dè sẻn, bữa ăn nhiều khi chỉ có ổ bánh mỳ lót dạ. Làm chung với chị Phước nhưng hoàn cảnh của cô Hồ Thị Bảy càng bi đát hơn, đáng thương hơn. Cô Bảy bị thiểu năng trí tuệ, đơn thân nuôi con nhưng con cô cũng bị bệnh tâm thần được địa phương đưa vào cơ sở chữa bệnh. Không có người chăm sóc nên cô được đưa vào viện dưỡng lão. “Ở trong viện dưỡng lão cô buồn vì nhớ con, muốn xin về thăm nhưng không được vì yêu cầu phải có người thân bảo lãnh, nhưng người thân thì cô không có”-cô Bảy tâm sự. Thời gian sau, cô làm đơn xin được ra ngoài với ước mơ đi làm dành tiền thuê một nhà trọ nhỏ đón con về để hai mẹ con sống bên nhau. Khổ nỗi, cô năm nay đã 59 tuổi, không có ai nhận làm việc nên phải đi nhặt ve chai mỗi đêm như thế này...
Đứng giữa các bao tải đựng ve chai là những phận đời cơ cực. |
Khi chị Phước nhặt được khá nhiều rác, chúng tôi theo chị đến một điểm thu mua bao tải trên đường Yên Thế (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ). Nơi đây được chủ thu mua vỏ bao thuê trả tiền hằng năm để làm điểm tập kết phân loại vỏ bao rồi đem đi bán và cũng dùng làm nơi ăn ngủ của người đi nhặt rác. Với diện tích chừng 15m2 được dựng lên tạm bợ bằng những tấm tôn rỉ sét, một chiếc giường nhỏ dùng để ngủ của chị Phước và nhiều người khác. “Khi trời mưa nhiều chỗ bị dột lắm, trời nắng thì nóng chịu không được, kèm theo là mùi hôi thối bốc lên từ những thứ phế liệu nhưng lâu ngày rồi cũng quen. Vả lại không ở đây thì biết ở đâu, có chỗ tựa lưng là tốt rồi, đến tối chợp mắt tí rồi ngày sau tiếp tục làm việc thôi”-chị Phước cho biết.
Tiếp tục đến điểm thu mua phế liệu trên đường Bàu Trảng 1 gần cầu vượt Ngã Ba Huế, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh tương tự. Với diện tích rộng chừng 30m2, ngoài việc tập kết thu mua, phân loại phế liệu, đây cũng là nơi cư trú của nhiều người ở các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, TT-Huế... đến Đà Nẵng nhặt ve chai. Nhiều người mỗi tháng chỉ về nhà 2 lần và hằng ngày tự chăm lo ăn uống cho bản thân, đến tối đi làm và về ngủ ngay tại điểm thu mua phế liệu này. Lát sau, chừng 7, 8 người nhặt ve chai đi xe đạp chở cồng kềnh nhiều bao tải lớn tập trung về cân lấy tiền, dọn dẹp mọi thứ rồi lặng lẽ dắt xe vào, lên căn gác sâu bên trong để đi ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc. 2 giờ sáng chúng tôi ra về với nhiều trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống mưu sinh của những phận đời nhặt rác đêm.
Đức Hồ