Nhật - Trung lại “đụng độ” ở Hoa Đông

Thứ bảy, 16/02/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Tàu chiến Trung Quốc ngày 15-2 lại vào vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, khiến Tokyo phản ứng gay gắt.

Vụ thâm nhập lãnh hải Nhật Bản xảy ra vào lúc 9 giờ 30 (giờ địa phương). Theo thông báo ngày 15-2 của lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản, 3 tàu hải giám Trung Quốc hiện diện trong lãnh hải nước này gần khu vực quần đảo tranh chấp.

Ngay sau đó, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cũng không ngần ngại xác nhận, các tàu tuần tra biển, gồm Hải giám 50, Hải giám 66 và Hải giám 137, tiếp tục các hoạt động tuần tra thông thường tại vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp. Lời thừa nhận được đánh giá như “lời tuyên chiến” này khiến chính quyền Tokyo rất bất bình. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida gọi điện cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để phản đối hành động của Bắc Kinh. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kishida nói: “Nhật Bản không thể chấp nhận hành động này. Điều này vô cùng đáng tiếc”.

Tàu Trung Quốc và tàu Nhật Bản luôn đuổi bám nhau ở vùng biển tranh chấp. Ảnh: Reuters 

Việc tàu chiến Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản là chuyện như cơm bữa. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Shinzo Abe mang tư tưởng cứng rắn luôn có phản ứng mạnh mẽ trước những “vụ xâm phạm chủ quyền” này. Tokyo từng triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối đồng thời lên án Bắc Kinh dùng radar dẫn tên lửa nhắm vào một tàu chiến của Nhật. Nội các Abe đòi Trung Quốc phải xin lỗi về vụ này, nhưng Bắc Kinh một mực bác bỏ cáo buộc.

Để đối phó với một Trung Quốc quá tham vọng, gần đây chính quyền Tokyo thông báo thành lập một lực lượng đặc biệt mang tên “Đơn vị Senkaku” với 600 quân và 12 chiếc tàu tuần duyên để giám sát và bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng quyết định tăng cường biên chế tàu tuần tra cho Sở chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển khu vực 11 có trụ sở tại Naha, Okinawa. Theo báo Global Times, “Đơn vị Senkaku” là đơn vị chuyên trách đối phó với tàu Hải giám Trung Quốc.

Tokyo cũng chuẩn bị kế hoạch đối phó với tàu cá lớn của Trung Quốc, tập trung khoảng 40 tàu tuần tra trong số 360 tàu của cục này để bảo vệ Senkaku. Ngoài ra, Cảnh sát biển Nhật Bản lên phương án chiến thuật “1 chọi 1” với tàu Trung Quốc, tuy nhiên không mô tả chi tiết về chiến thuật này. Không những vậy, lần đầu tiên từ 11 năm qua, Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng và lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, một Thủ tướng của nước này  bày tỏ mong muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình. Trong ngày 15-2, Thủ tướng Abe, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản nhấn mạnh, ông coi đây là “một nhiệm vụ trọng tâm” trong nhiệm kỳ của mình.

Ông Abe cũng cho biết, một trong những lý do thành lập LDP vào năm 1955 là nhằm sửa đổi hiến pháp có hiệu lực vào năm 1947 - vốn được soạn thảo dưới ảnh hưởng của Mỹ sau khi Thế chiến II kết thúc. Một trong những mục tiêu chính trong kế hoạch sửa đổi hiến pháp của LDP là xem xét lại Điều 9 để Nhật Bản có thể chuyển Lực lượng Phòng vệ thành Lực lượng Quốc phòng, hay một quân đội theo ý nghĩa đầy đủ, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.

Nói thế để thấy rõ quyết tâm cải thiện và nâng tầm lực lượng phòng vệ của Thủ tướng Nhật Bản như thế nào trong bối cảnh mối quan hệ với Bắc Kinh khó có thể lắng dịu. Người ta đã nhiều lần nói đến một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Tokyo và Bắc Kinh, nhưng nhiều người cũng cho rằng, điều này khó có thể xảy ra vì cả hai luôn ý thức được hậu quả khôn lường như thế nào.

Khả Anh