Nhiều bất ổn ở Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ

Thứ hai, 11/09/2023 08:42
Cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Lệ xây xong thì không có đường vào, không thể vận hành khai thác trong khi hàng ngàn cơ sở sản xuất trong khu dân cư “khát” mặt bằng cứ mòn mỏi chờ vào CCN. Chưa kể, quá trình xây CCN cốt nền cao, đẩy khu dân cư xung quanh xuống thấp, trời mưa nước mang theo đất cát tràn xuống nhà cửa, vườn tược khiến người dân rất bức xúc.
Ông Phương dọn dẹp bùn đất tràn xuống sau nhà.
Cốt nền CCN Cẩm Lệ quá cao so với khu dân cư hiện hữu.
Cốt nền CCN Cẩm Lệ quá cao so với khu dân cư hiện hữu.

Xây nhà không làm ngõ

Từ tháng 5-2019 Đà Nẵng đã triển khai xây dựng CCN Cẩm Lệ rộng 29ha, tổng vốn ngân sách 250 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành sau 2 năm. Tuy vậy, quá trình thi công chậm trễ, tới giữa năm 2022 hạ tầng CCN mới hoàn thiện. Điều đáng nói, từ đó đến nay, CCN này vẫn chưa thể khai thác, trong khi thống kê thành phố hiện có trên 899 cơ sở muốn di dời vào CCN với nhu cầu sử dụng diện tích hơn 198 ha (612 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu dân cư).

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ cho biết, thi công hạ tầng CCN đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn công đoạn khớp nối hạ tầng. Cụ thể, đường giao thông nối vào CCN hiện nay mới trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Do trước đây việc khớp nối hạ tầng cứ nghĩ triển khai KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 đồng bộ với CCN như vậy sẽ giải quyết luôn vấn đề khớp nối hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay KCN chưa triển khai, nên việc khớp nối hạ tầng đến nay mới được thành phố cho triển khai, chấp nhận chủ trương đầu tư khớp nối hạ tầng, trong đó có đường giao thông từ KCN Hòa Cầm qua và hệ thống thoát nước (hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư).

Cũng theo ông Vinh, hiện nay nhu cầu muốn thuê hạ tầng trong CCN để sản xuất rất lớn, trong khi với 29ha nhưng thực tế chỉ có khoảng 15ha bố trí cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, tương đương với 298 lô (mỗi lô 500m2). Do nhu cầu lớn, nguồn cung có hạn, vì thế thành phố đã giao Sở Công thương xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn các DN vào CCN Cẩm Lệ. Trong đó, tiêu chí trước tiên phải là các cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm trong khu dân cư, rất bức thiết phải di dời; tiếp đến phải là DN nhỏ và vừa.

Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ nói rằng, giai đoạn 1 của CCN Cẩm Lệ khoảng 11 ha xây xong hạ tầng từ đầu năm 2021 song cũng chưa thể khai thác, dù nhiều DN rất “khát” mặt bằng sản xuất. Lý do cũng do chưa thể khớp nối hạ tầng, vướng về cơ chế vận hành… Từ thời điểm đó, thành phố tiếp tục cho đẩy nhanh triển khai xây dựng giai đoạn 2 CCN. “Mặc dù hạ tầng CCN đã xong, nhưng DN ngoài tiêu chí, muốn vào sản xuất, kinh doanh cũng phải có đường vào, mà đường vào phải đang chờ khớp nối hạ tầng. Dự kiến trong cuối năm nay hoặc đầu năm tới CCN Cẩm Lệ sẽ đưa vào khai thác, không thể kéo dài được nữa vì cũng không còn công đoạn gì phức tạp để kéo dài nữa”- ông Vinh nói.

Bà Nữ cho biết trời mưa nước mang theo bùn đất từ CCN Cẩm Lệ tràn xuống vườn nhà mình.

Dân lo, chính quyền bảo an toàn

CCN Cẩm Lệ được thiết kế với cốt nền cao hơn khu dân cư xung quanh, vì thế quá trình thi công, trời nắng thì bụi bao phủ cả khu dân cư, trời mưa thì nước mưa mang theo bùn đất tràn xuống nhà, vườn của cư dân. Bà Ngô Thị Nữ, tổ 6 phường Hòa Thọ Tây bức xúc vì trời mưa bùn đất trôi xuống vườn sau nhà. Nhìn cốt nền CCN quá cao so với nhà mình ở từ xưa đến nay, bà Nữ rất lo lắng, nhất là vào mùa mưa một lượng nước khổng lồ từ trên tràn xuống. Cùng tâm trạng lo lắng, bức xúc, ông Ngô Quốc Phương tổ 6, Hòa Thọ Tây chia sẻ, từ bao lâu nay cuộc sống của ông cũng như nhiều người dân ở đây rất yên bình. Vậy mà từ khi có CCN xây dựng, trời nắng gió mang bụi mù mịt, trời mưa thì nước mang bùn đất tràn xuống. Nhiều đêm mưa phải mở cửa tìm cách thoát nước chứ không nhà sẽ ngập bùn. Ông Phương mong muốn địa phương có giải pháp để người dân được sống an toàn, không phải nơm nớp nỗi lo từ CCN nhất là trong mùa mưa bão tới.

Ông Hồ Hải Nam - Giám đốc BQL Dự án CCN Cẩm Lệ cho biết, trong quá trình thi công, mái ta-luy chưa được gia cố, mỗi khi mưa mang bùn đất tràn xuống, vì thế đã tập trung xử lý. Hiện mái ta-luy hoàn thiện, cỏ đang phát triển, khi hoàn thiện mưa sẽ không mang theo đất tràn xuống nữa. Cũng theo ông Nam, thành phố đang cho chủ trương xây dựng hệ thống thu nước khẩu độ lớn, sẽ thu nước mưa tại CCN đổ ra sông Cầu Đỏ. “Chúng tôi đã xây dựng vệt ta-luy âm bền rộng 50m kết hợp với vệt cây xanh cách ly khu dân cư. Mái dốc ta luy 20%, dưới chân làm hệ thống mương thu gom nước để dẫn ra hệ thống thoát nước, đồng thời trồng cỏ, khi cỏ cố kết đảm bảo sẽ không còn đất trôi xuống mương”- ông Nam nói.

Ông Phương dọn dẹp bùn đất tràn xuống sau nhà.

Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh cho biết, ban đầu mương thoát nước được thiết kế treo lơ lửng trên cao, nhưng khi đi khảo sát thấy rất nguy hiểm với khu dân cư xung quanh nên đã cho hạ thấp xuống. Giao điểm giữa dự án và nhà dân đã xử lý hài hòa, không còn quá nguy cơ. Mặc dù vậy, ông Vinh cũng thừa nhận chắc chắn sẽ còn những tiềm ẩn. Hiện nay, các đơn vị thi công đang giải quyết triệt để, nhất là việc chênh lệch cốt nền để khi mưa lớn, lượng nước tăng đột ngột không ảnh hưởng tới nhà dân.

“Hiện nay bao quanh giữa dự án và nhà dân đã có hệ thống mương thoát nước nên khi mương quá tải mới tràn vào nhà dân. Nhưng theo đơn vị thi công và giám sát, các giải pháp đưa ra đã xử lý hết tất cả tình huống. Giờ có các tuyến mương ngang dọc, kể cả trên cao, tạt dẫn nước về 2 phía không cho tràn xuống về phía nhà dân.”- ông Vinh trấn an.

Hải Quỳnh