Nhiều bệnh viện tuyến huyện trở thành “con nợ”

Thứ sáu, 01/12/2017 08:27

Hằng ngày, các bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh TT-Huế vẫn khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chậm được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán tiền, nên không ít bệnh viện trở thành “con nợ” bất đắc dĩ.

Việc chậm thanh toán tiền KCB khiến nhiều BV tuyến huyện gặp khó khăn. Trong ảnh, bệnh nhân đến khám bệnh tại một BV huyện.

Bội chi bảo hiểm cao

TT-Huế là một trong những địa phương bội chi BHYT cao. Trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh bội chi hơn 387 tỷ đồng, vượt quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT lên đến hơn 165%. Việc bội chi BHYT dẫn đến một số khó khăn. Khó khăn nhất là tuyến huyện, bội chi quỹ, BHXH chậm thanh toán vô tình đã “đẩy” cơ sở KCB vào cảnh nợ tiền các đơn vị cung cấp thuốc, trang thiết bị vật tư. Phương thức khoán quỹ định suất theo số đầu thẻ khiến các bệnh viện (BV) tuyến huyện gặp khó khi quỹ BHYT phải chi cho đa tuyến. Thế nên, nhiều bệnh nhân (BN) chuyển viện thì hàng quý, BV tuyến trên sẽ khấu trừ quỹ BHYT tại BV cơ sở nên khả năng bội chi cao... Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, một nguyên nhân khiến TT-Huế dẫn đến bội chi cao là do BN tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục rất nhiều nên họ sẽ không cùng chi trả khi chi phí nằm viện vượt quá 6 tháng lương cơ sở.

Ông Lê Quang Tuấn - Giám đốc BHXH H. Phú Vang thừa nhận, bội chi BHYT trên địa bàn huyện vẫn khá cao. Theo ông Tuấn, hằng năm, đơn vị được giao dự toán phải thực hiện cân đối chi trong số tiền thu được. Thực tế năm 2016, BHXH huyện thu 104 tỷ đồng nhưng chi đến 168 tỷ đồng, âm 64 tỷ đồng. Đối với năm 2017, BHXH huyện thu khoảng 110 tỷ đồng nhưng hết quý III-2017 đã chi hơn 130 tỷ đồng (còn quý IV dự kiến chi khoảng thêm 50 tỷ đồng). Như vậy, âm khoảng 70 tỷ đồng. Nói về nguyên nhân bội chi BHYT, theo ông Lê Quang Tuấn, có nhiều nguyên nhân như: mức đóng thấp nhưng quyền lợi lớn hay trước đây tai nạn giao thông không được hưởng và bây giờ vẫn được hưởng... Theo BHXH tỉnh TT-Huế, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã từ chối thanh toán hơn 22 tỷ đồng khi các đơn vị tính sai giá, sai dịch vụ, kỹ thuật...

Nỗi niềm các bệnh viện trở thành “con nợ”

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Phú Vang là một trong những BV tuyến huyện, thị xã, thành phố của tỉnh TT-Huế có số lượng BN có BHYT đến khám, điều trị lớn nhất. Mỗi ngày, BV khám khoảng 900-1.100 lượt bệnh nhân ngoại trú và khoảng 180- 200 BN điều trị nội trú. Theo BS Trương Như Sơn - Giám đốc BVĐK Phú Vang, từ đầu năm đến nay, BV đã thực hiện khám chữa bệnh cho BN có thẻ BHYT khoảng 53 tỷ đồng nhưng chỉ mới được BHXH H. Phú Vang chi trả khoảng hơn 30 tỷ, còn lại nợ 20 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh. Cũng theo Giám đốc BVĐK Phú Vang, không chỉ năm 2017 BV này bị BHXH nợ gần 20 tỷ đồng mà năm 2016 số tiền 4,2 tỷ đồng của BV vẫn chưa được phía BHXH chi trả. BHXH chậm chi trả tổng số tiền khoảng 23 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay khiến cho BVĐK Phú Vang rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.

“Do bị BHXH nợ tiền kéo dài nên BV buộc phải nợ lại các hãng dược, các đơn vị thiết bị vật tư... Tính đến cuối tháng 11, chúng tôi nợ các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư khoảng 13 tỷ đồng. Là người đứng đầu đơn vị, phải chịu trách nhiệm trong việc trả tiền lương đúng hạn cho anh em cũng như phải trả nợ cho các đơn vị cung cấp thuốc men, vật tư y tế, nhưng bây giờ bị nợ như thế thì lấy đâu ra tiền mà trả. Bỗng nhiên mình trở thành “con nợ” bất đắc dĩ”. Nhiều “chủ nợ” gọi điện, nhắn tin đòi liên tục khiến mình cảm thấy khó chịu”, BS Sơn bày tỏ.

BS Sơn cho biết, do BV nợ tiền các hãng dược, thiết bị vật tư kéo dài nên gần đây, một số đơn vị chỉ cung cấp nhỏ giọt và có đơn vị đòi ngừng cung cấp nữa. “Rất may do đơn vị mình có dự trữ đủ lượng thuốc, trang vật tư nên dù lượng BN rất đông vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người bệnh và bảo đảm không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của BN”, BS Sơn cho hay.

Về số tiền hơn 23 tỷ đồng mà BHXH nợ BVĐK Phú Vang kéo dài từ năm 2016 đến nay, giám đốc BHXH H. Phú Vang nói: “Đúng là có con số khoảng 23 tỷ đồng, song nói nợ thì không hẳn là nợ, nhưng do vượt trần vượt quỹ nên BVĐK Phú Vang và BHXH huyện phải giải trình”. Trao đổi về vấn đề này, BS Trương Như Sơn nói, đối với các BN chuyển tuyến đi nơi khác thì hồ sơ, bệnh án theo dõi khám chữa bệnh không do BV tuyến huyện quản lý nên việc giải trình là rất khó.

Cũng rơi vào tình cảnh như BVĐK Phú Vang, BVĐK Phong Điền vẫn bị BHXH H. Phong Điền nợ số tiền KCB khoảng 8,5 tỷ đồng; BVĐK Thành phố Huế bị nợ tiền KCB BHYT hơn 10 tỷ đồng; BVĐK Phú Lộc bị nợ khoảng 10 tỷ đồng... Một số lãnh đạo BV cho biết, ngày 20-6-2017, BHXH Việt Nam có ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; trong đó, có nội dung yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh, thành tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định về tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán chi KCB BHYT với các cơ sở KCB tại Điều 32 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và điều 15 Quyết định số 1399/QĐ-BHXH. Cụ thể: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB, cơ quan BHXH tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB... Trường hợp sau 15 ngày đầu của quý, cơ sở KCB chưa gửi báo cáo quyết toán quý trước, cơ quan BHXH tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước quý liền kề của cơ sở KCB... Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở một số nơi vẫn chưa thực hiện theo Chỉ thị nói trên.

H. LAN