Nhiều cử tri nữ không đồng tình việc mang thai hộ
(Cadn.com.vn) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII, sáng 3-10, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy- Ủy viên chuyên trách Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH có buổi tiếp xúc theo chuyên đề với cử tri (CT) nữ H. Hòa Vang (Đà Nẵng) để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của CT địa phương; đồng thời lấy ý kiến về một số vấn đề mới trong các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ).
Theo CT Phạm Hồ Quỳnh Trang (xã Hòa Châu), về tuổi kết hôn, nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên theo quy định của Luật HN&GĐ hiện hành là phù hợp, bởi ở lứa tuổi này, ngoài tâm sinh lý phát triển, cả hai đều nhận thức được trách nhiệm trong việc “chèo lái” gia đình. Tuy nhiên, do phong tục tập quán, việc nam nữ kết hôn ở một bộ phận dân cư vùng cao vẫn còn trái với quy định của pháp luật. Về vấn đề này, CT Nguyễn Thị Do (LĐLĐ huyện) kiến nghị QH cần nghiên cứu tổ chức các hội nghị để dần xóa bỏ các tập tục không phù hợp.
Cũng có ý kiến cho rằng, dự án Luật quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là được. Đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Quy định này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Luật HN&GĐ trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền công dân không phân biệt nam, nữ đủ 18 tuổi là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đồng thời bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp xúc cử tri nữ H. Hòa Vang. |
Việc “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, các CT Nguyễn Thị Hoa (Phòng Tài chính huyện), Hồ Thị Minh Chi (Văn phòng UBND huyện) ủng hộ cuộc hôn nhân đồng giới với lý do, vì đó là nhu cầu cuộc sống riêng của mỗi người, không nên đè nén tâm sinh lý của họ trước áp lực xã hội, nhưng vẫn có CT có ý kiến trái chiều. CT Nguyễn Thị Lợi (xã Hòa Tiến) kiến nghị, không nên thừa nhận hôn nhân đồng giới, bởi đây là cuộc hôn nhân không duy trì được nòi giống, không phân biệt được ai là vợ, ai là chồng, cũng như việc không đảm bảo quyền lợi cho những đứa trẻ được nhận làm con nuôi khi người cùng giới không sống chung với nhau nữa hoặc có người chết...
Liên quan đến việc mang thai hộ có nhiều ý kiến CT không đồng tình vì hiện nay việc mang thai hộ xuất phát từ lợi nhuận kinh tế nhiều hơn là mục đích nhân đạo; người phụ nữ sau một thời gian “mang nặng đẻ đau” không dễ gì dứt bỏ tình cảm với đứa con. Việc mang thai hộ để lại rất nhiều hệ lụy, ngoài vấn đề là “rào cản” về văn hóa, còn kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội khác như thủ tục, tranh chấp con cái. Còn quan điểm CT Nguyễn Thị Vân (xã Hòa Phong) lại khác, trong xã hội hiện nay, bất cứ người phụ nữ nào khi lập gia đình đều mong làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, không ít trường hợp do bệnh tật hiểm nghèo nên không sinh sản được. Vì vậy, những trường hợp này cần phải được giúp đỡ nhưng với điều kiện phải có văn bản thỏa thuận chặt chẽ từ hai phía.
Cùng ngày, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 8 chương và 106 điều. Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất về kết cấu dự án luật và tập trung góp ý, làm rõ một số vấn đề như: phối hợp thực hiện pháp luật hải quan; quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; phân loại hàng hóa và xác định xuất xứ hàng hóa; các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan, thời hạn nộp hồ sơ hải quan, thời hạn công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa... |
Ngoài ra, nhiều CT khác còn nêu những khó khăn về việc chia tài sản khi ly hôn, người chịu thiệt thòi phần lớn là phụ nữ bởi họ bị phụ thuộc tài chính vào người chồng, mặc dù Luật quy định “lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”. Thực tế giải quyết các vụ ly hôn cho thấy, phụ nữ bị bất bình đẳng rất nhiều so với nam giới mỗi khi liên quan đến việc tính toán giá trị lao động. Bên cạnh đó, nhiều con em phụ nữ nghèo, đơn thân khi đi học phải vay tiền, nhưng lúc ra trường lại không xin được việc làm dẫn đến thực trạng không có tiền trả nợ; thời điểm nông nhàn, phụ nữ nông thôn không có nghề phụ để nâng cao thu nhập; hạ thấp độ tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ; tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo; giá mua thẻ BHYT quá cao...
Giải trình, tiếp thu những kiến nghị của CT, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định, việc sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, về phía Nhà nước cũng còn nhiều bất cập trong việc tuyển sinh đầu vào, cần tính toán công tác đào tạo phù hợp với đầu ra để tránh thiệt thòi cho con em vùng nông thôn; chính quyền địa phương phải có chính sách đào tạo nghề phù hợp cho lao động nông nhàn, đáp ứng kỳ vọng xây dựng nông thôn mới... Riêng các ý kiến đóng góp về việc sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ sẽ phản ánh trong kỳ họp sắp đến nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu khách quan của đời sống HN&GĐ trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực này.
Bài, ảnh: An Dương