Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII:

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận sai sót vì bấm nút cho điều 60 Luật BHXH

Thứ bảy, 23/05/2015 08:01

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường để đóng góp, xây dựng các dự án luật. Đã có khá nhiều ý kiến tranh luận về các dự thảo luật, đặc biệt là điều 60 của Luật BHXH. Trong đó, nhiều đại biểu (ĐB) đã thừa nhận sự sai sót của mình khi bấm nút thông qua luật mà không “soi” điều 60. 

Cụ thể, trong buổi sáng các ĐB đã thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; thảo luận về điều 60 của Luật BHXH năm 2014; dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND. Đáng quan tâm nhất là phần về điều 60 của Luật BHXH.

 ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng ông thấy xấu hổ với chính mình và có phần trách nhiệm trong việc bấm nút thông qua điều 60 Luật BHXH.

ĐBQH tự “kiểm điểm”

Một số ĐB đã cho rằng, mình chưa làm hết trách nhiệm của một ĐBQH trong việc xem xét thông qua điều 60. Sự việc, người lao động phản ứng trong thời gian qua về điều luật đã giúp những người làm luật phải tự “kiểm điểm” lại mình. ĐB Trần Hoàng Ngân, cho rằng ông thấy tự xấu hổ với chính mình và có phần trách nhiệm trong việc bấm nút thông qua điều luật này. “Một điều luật đã được thông qua, chưa có hiệu lực nhưng đã gặp ngay phản đối của người lao động”, ĐB Ngân nói. Các ĐB khác của TPHCM cũng cho rằng, việc công nhân phản đối điều 60 làm mình thấy xấu hổ.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TPHCM) cũng cho rằng, rất hoan nghênh việc Chính phủ, Bộ LĐ,TB&XH đã tiếp thu báo cáo QH để sửa điều 60. Cũng chính nhờ sự tiếp thu này mà QH đã ủng hộ. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích những khó khăn của đời sống người lao động có thu nhập thấp. Với số tiền ít ỏi nếu để đến khi nhận lương hưu thì họ cũng không thể sống nổi.

Ngoài ra, công việc của nhiều người thường là không ổn định suốt đời, vì đặc thù nghề có thể phải thay đổi nhiều chỗ làm... Vì những lý do đó nên người lao động muốn nhận một lần tiền để có thể đầu tư cho kinh doanh, buôn bán, lo cho tương lai. “Người lao động, công nhân đã có thể phản ứng trước một điều luật không đúng nguyện vọng của họ là tín hiệu vui. Họ đã biết bảo vệ cho quyền lợi của mình”, ĐB Tâm nói.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, cần phải xem lại cách làm luật hiện nay sau sự việc điều 60 bị người lao động phản ứng. Trong đó, khi làm luật, ban soạn thảo cần phải tiếp thu, ghi nhận và lắng nghe ý kiến của những đối tượng bị luật tác động. Người làm luật phải sâu sát và “có thực sự muốn nghe những ý kiến không”.

* Ngày 22-5, đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, kỳ họp này ĐB Hoàng Hữu Phước đã viết đơn xin vắng họp không thể tham dự vì lý do sức khỏe. Theo đó, ĐB Phước bị nhồi máu cơ tim hiện đang được điều trị. Được biết, ĐB Phước là người từng có những phát ngôn rất gây “sốc” trước QH. Đây là một trong những ĐB hay phát biểu, nêu chính kiến tranh luận mạnh và thẳng thắn tại các kỳ họp. Thậm chí ông từng viết blog chỉ trích, dùng ngôn từ rất nặng nề đối với một số ĐBQH.

Nhiều ý kiến trái chiều về Luật ban hành VBQPPL

Tại phiên làm việc buổi chiều, các ĐB nghe trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Chủ nhiệm UBPL của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Sau phần giải trình, các ĐB đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành VBQPPL.

ĐB Trần Văn Tân (Tiền Giang), cho rằng cần có quy định cụ thể về tính hiệu lực của luật này. Không thể cho phép tận dụng tùy tiện về tính hiệu lực trở về trước. Cần giải thích rõ, thế nào là hiệu lực trở về trước và nó được áp dụng theo trường hợp cụ thể nào trong VBQPPL.

ĐB Phạm Minh Tấn (Đắc Lắc) cũng cho hay, Luật ban hành VPQPPL có tầm quan trọng hệ thống VBPL Việt Nam. Việc trình luật này là chuẩn vì trong luật không đề cập đến các văn bản khác. “Tuy nhiên tôi đề nghị cần có một điều trong luật để giải thích các khái niệm cho cụ thể tránh hiểu nhầm ở các khái niệm. Nhất trí quy định cấp huyện, xã được quyền ban hành VBQPPL. Nhà nước quản lý bằng văn bản thì cấp huyện, xã phải được ban hành các nghị quyết, quyết định để thực hiện chức năng điều hành ở địa phương”, ĐB Tấn nói. Cũng theo ĐB Tấn, cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc ban hành VBQPPL và chức năng tham gia lấy ý kiến về luật này. Bởi lấy ý kiến thì nhiều nhưng thu lại rất hạn chế. Ngoài ra, khi ban hành VBQPPL thì cần phải bảo đảm tính hợp hiến hợp pháp, tuân thủ đúng dân chủ.

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) góp ý, việc ban hành VBQPPL phải công khai minh bạch. “Bởi hiện tại đang có nhiều văn bản ban hành tùy tiện gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đẻ ra các giấy phép con rồi tự quy định. Nhiều thủ tục hành chính là do Chính phủ quy định nhưng các bộ lại lách để ban hành. Vì vậy, cần hạn chế chủ thể cấm ban hành các VBQPPL từ các bộ trở xuống”, ĐB Thanh chia sẻ. Cũng theo vị nữ ĐB này, hiện các công việc liên quan đến các VBQPPL đang quá tải vì thiếu sự rõ ràng, công đoạn trùng lặp trong quy tình lập pháp, ảnh hưởng đến chất lượng VBPL. “Chỉ nên quy định quy trình đầy đủ các VB cho Chính phủ ban hành, UBND cấp tỉnh cũng nên như vậy. Quy trình được đưa ra như trong dự thảo là không khả thi, không phù hợp thực tiễn địa phương, không nhanh nhạy, kéo dài thời gian không cần thiết”, ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho hay.

Phải hạn chế việc áp đặt của cơ quan công quyền

Cũng đề cập đến Luật ban hành VPQPPL, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thì cho rằng, khoản 6, Điều 6, chưa đề cập đến trách nhiệm cá nhân vì chậm đăng công báo; đề nghị bổ sung trách nhiệm cá nhân vì chậm đăng công báo. “Chậm ban hành VB hướng dẫn thi hành luật cũng cần phải có chế tài xử lý. Cần ban hành cơ chế kiểm soát ban hành VBQPPL. Phải có cơ chế kiểm soát từ ngoài hệ thống. Vì hiện tại đang có hiện tượng Bộ Tư pháp phát hiện các VB của bộ, ngành ban hành trái pháp luật nhưng khi Bộ Tư pháp yêu cầu đình chỉ VB thì các bộ không chấp nhận, vì ngang hàng”, ĐB Minh nói.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tham gia góp ý bốn vấn đề. Trong đó đáng quan tâm là ĐB Thúy đề nghị QH cần ban hành quy định chặt chẽ về ban hành luật khung, để kiểm soát và tránh lạm quyền tư lợi. Cần xác định rõ trong luật với điều kiện gì thì cho phép VBQPPL có độ trễ theo quy định. Ngoài ra, không nên giao thủ tục hành chính từ cấp bộ trở xuống.

ĐB Thúy, ví von : “Có một triết gia nước ngoài nói như thế này: Nếu cho bạn viết về luật nội dung còn tôi viết luật thủ tục thì tôi có thể đánh bạn bất cứ khi nào. Vì vậy xây dựng luật ban hành VBQPPL là phải coi trọng làm có lợi cho người dân và hạn chế việc áp đặt của cơ quan công quyền. Để có cơ sở xử lý các vấn đề này, thì phải cho ngành tư pháp phải có quyền được phép yêu cầu hủy bỏ, xử lý các VB trái luật. Bên cạnh đó phải quy định thời hạn trả lời các VB bị phát hiện là trái luật để có thể xử lý các đơn vị vi phạm”, ĐB Thúy nhấn mạnh.

Lê Hoàng Sa