Nhiều diện tích đất rừng ở Hòa Vang sử dụng sai mục đích

Thứ hai, 16/07/2018 16:00

Thực hiện việc giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động lâm nghiệp  để sản xuất kinh doanh cây rừng, các loại lâm sản, đặc sản, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái theo Nghị định 163 của Chính phủ là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và giúp người dân ở các địa phương có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế. Thế nhưng, thời gian qua, tại H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã xảy ra tình trạng nhiều trường hợp được cấp đất rừng nhưng không trồng cây và trở thành mỏ đất dùng san lấp các công trình…

Mang danh nghĩa cải tạo đất nhưng chỉ còn toàn những đá nên không thể trồng cây.

Cụ thể, ngày 30-7-2003,  UBND H. Hòa Vang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho cá nhân ông Lê Khắc Anh và Tôn Thất Lễ với diện tích gần 28ha (bao gồm  250.619m2 đất trồng cây lâm nghiệp và 23.482m2 đất nuôi trồng thủy sản) tại thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang. Khi có GCN QSDĐ, cá nhân ông Lê Khắc Anh và Tôn Thất Lễ thực hiện việc sản xuất trồng keo và nuôi cá trên diện tích đã cấp. Đến năm 2009, ông Tôn Thất Lễ  ký kết hợp đồng với Cty TNHH Du lịch và Đầu tư xây lắp Sơn Hải và Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh tiến hành cải tạo đất trồng cây lâu năm với diện tích gần 10ha.

Theo hợp đồng được ký, Cty Sơn Hải và Tiến Thành chịu trách nhiệm toàn bộ về việc lo các thủ tục, đóng thuế tài nguyên… liên quan đến việc khai thác, vận chuyển. Xét về hợp đồng là cải tạo đất rừng nhưng thực chất là khai thác đất đồi để bán cho các công trình san lấp mặt bằng, xây dựng khu dân cư mới đang nở rộ tại TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Tấn Phát - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) cho biết: Tình trạng các chủ rừng nấp dưới danh nghĩa cải tạo đất để bán đất san lấp xảy ra khá nhiều tại địa phương. Xét về góc độ pháp lý, các công trình này được các cơ quan chức năng cho phép khai thác tận thu nhưng việc vận chuyển đất của các doanh nghiệp này đã gây ra nhiều hệ lụy khác. Cụ thể, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây dư luận xấu trong nhân dân. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã vận động các doanh nghiệp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, tưới nước, bảo dưỡng đường vào khu cải tạo, che chắn đất cát rơi vãi… nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm.

Ngày 10-7, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng thuộc thôn Thạch Nham Đông, Hòa Nhơn. Mang tiếng là đất rừng nhưng không có đến 1 cây cỏ vì tầng đất mặt đã bị khai thác, san lấp cho các công trình, chỉ còn lại toàn là… đá. Theo tìm hiểu, trong nhiều năm qua có hàng trăm héc-ta đất trồng cây lâm nghiệp tại Hòa Vang được cơ quan chức năng cho phép “cải tạo” và trở thành những mỏ đất phục vụ cho việc san lấp mặt bằng. Cũng từ việc tận thu một cách triệt để nguồn đất mặt nên một số diện tích không thể sử dụng vào mục đích trồng trọt như mục đích ban đầu.

Thiết nghĩ, Sở TN-MT, Sở NN & PTNT TP Đà Nẵng cần thường xuyên cập nhật thông tin, kiểm tra, rà soát, quy hoạch lại tình trạng cấp đất rừng, giao đất rừng, quản lý và sử dụng đất rừng cho các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nhằm sử dụng vào mục đích lâm nghiệp như  trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ để phục hồi tự nhiên. Các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, cần thiết xử lý, thu hồi quyết định giao đất và các loại giấy phép khai thác, sử dụng đất rừng.

M.T