Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản chậm cải tạo, phục hồi môi trường

Thứ sáu, 29/12/2017 21:00

Cuối năm 2017, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng, đoàn công tác liên ngành gồm: Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND Q. Liên Chiểu, UBND H. Hòa Vang và các địa phương có mỏ khai thác khoáng sản tiến hành kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra tại 19 mỏ, đoàn công tác liên ngành phát hiện nhiều doanh nghiệp chậm trễ trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường...

Một mỏ khai thác đá ở khu vực P. Hòa Khánh Nam đã đóng cửa nhưng vẫn chưa cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định.

Trong đó, Công ty TNHH du lịch và đầu tư Sơn Hải được UBND TP cấp phép khai thác đất đồi trên diện tích 5,1 ha tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn), đã kết thúc từ tháng 8-2014 nhưng đến thời điểm kiểm tra, công ty đang cắt tầng, hạ độ cao khai thác, san gạt mặt bằng theo cốt (cos) đã được Sở Xây dựng thẩm định. Tuy nhiên, theo đánh giá tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường còn rất chậm, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty khẩn trương san gạt mặt bằng, trồng cây xanh  theo đúng yêu cầu của UBND thành phố. Hoặc như Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh cũng được cấp giấy phép khai thác đất trên diện tích 3ha tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn) đã kết thúc từ tháng 3-2015.

Đến thời điểm cuối năm 2017, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn chỉnh việc trồng cây xanh, đoàn kiểm tra đã yêu cầu phải chăm sóc cây xanh đã trồng trong thời gian 12 tháng, kể từ cuối năm 2017. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng được phép khai thác đất đồi tại Hố Như, Hòa Nhơn, trên diện tích 3 ha, đã kết thúc từ tháng 3-2015, đã tiến hành san gạt cải tạo mặt bằng, nhưng việc trồng cây xanh, phải đến tháng 2-2018 mới hoàn thành (!?). Tương tự, Doanh nghiệp tư nhân Văn Tân, được cấp phép khai thác đất đồi tại thôn Phước Thuận, Hòa Nhơn, trên diện tích 4,38 ha, đã kết thúc từ tháng 8-2014, nhưng đến cuối năm 2017, vẫn còn nợ hơn 62 triệu đồng tiền ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty làm việc với UBND xã Hòa Nhơn để hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân xứ  đồng Hố Rái, mà trong thời gian khai thác đất, công ty đã bồi lấp đất canh tác của người dân.

Cá biệt có doanh nghiệp như Công ty CP vật liệu xây dựng Fococev, được cấp phép khai thác đất tại mỏ Phước Thuận 3, Hòa Nhơn, trên diện tích 5,2 ha, đã kết thúc khai thác từ tháng 5-2016, nhưng đơn vị này rất chậm trễ về tiến độ các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường theo yêu cầu của UBND thành phố. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty khẩn trương lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, làm hàng rào tại các hồ nước trước đây đã tạo nên bởi khai thác đất; san lấp các hố đã khai thác đất, trồng cây trên diện tích đã khai thác đất sau khi san gạt, cải tạo, hoàn thành trong tháng 12-2017. Hay như Công ty TNHH Thạch Toàn được cấp phép khai thác tại mỏ đá Hố Xanh (xã Hòa Nhơn) đã kết thúc từ tháng 10-2016, nhưng hơn 1 năm qua, công ty này chưa hoàn thành các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án UBND thành phố đã phê duyệt. Chưa lập hàng rào, biển báo cảnh báo nguy hiểm tại khu vực khai thác mỏ, việc hoàn thổ chưa đạt yêu cầu... đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty phải hoàn thành các công việc trên vào cuối năm 2017. 

   Hàng chục héc-ta đất ở Hòa Nhơn, Hòa Vang phải bỏ hoang vì việc khai thác đất của một số doanh nghiệp đã lấp mất nguồn nước tưới tiêu.

Ngoài ra, qua kiểm tra hàng loạt các vị trí đã được cấp phép khai thác mỏ của các doanh nghiệp khác như: Doanh nghiệp tư nhân Hải Yến khai thác đất ở thôn Tùng Sơn (xã Hòa Sơn), Công ty Thùy Dương khai thác đất ở thôn An Tân (xã Hòa Phong), Công ty CP công trình đô thị Đà Nẵng, khai thác đất tại thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh), Chi nhánh Công ty khai thác khoáng sản và xây dựng Miền Nam khai thác đá tại mỏ Đại La (xã Hòa Sơn), Công ty CP Đông Trường Sơn khai thác đá tại mỏ Hố Bàn (P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiêu), Công ty TNHH Phú Đạt khai thác đất tại Đại La (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) và nhiều doanh nghiệp tại nhiều địa điểm khác đều cho thấy, tiến độ phục hồi môi trường rất chậm. Theo quy định phải cải tạo trồng cây xanh tại các vị trí đã khai thác mỏ, nhưng nhiều địa điểm các doanh nghiệp chỉ thực hiện mang tính đối phó, tỷ lệ, chất lượng cây trồng chưa đảm bảo theo yêu cầu. Qua kiểm tra, đã phát hiện 15/19 mỏ chưa đạt yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đã được UBND thành phố phê duyệt.

Sở TN&MT đã báo cáo UBND thành phố và kiến nghị, để công tác cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực mỏ đã kết thúc khai thác được tốt, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra các đơn vị theo kết luận của đoàn kiểm tra, nếu đơn vị nào thực hiện không đúng tiến độ, đề nghị UBND thành phố xử lý vi phạm theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.

HỒNG THANH