Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô và cả năm 2020

Thứ tư, 11/03/2020 17:18

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tình hình cung ứng điện từ tháng 3-6-2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục kém, trong khi đó, nắng nóng khả năng sẽ xuất hiện sớm. Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tập trung các giải pháp, huy động các nguồn phát để đảm bảo cung ứng điện thời gian tới và trong cả năm 2020.

EVN đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo điện cho mùa khô và cả năm 2020.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến tháng 7-2020, nguồn nước trên các sông suối thuộc các khu vực, Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt từ 20-60% so với trung bình nhiều năm.Theo tính toán của Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia, tổng sản lượng thủy điện toàn hệ thống 6 tháng mùa khô năm 2020 sẽ giảm 4,2 tỷ kWh so với kế hoạch. Điều này không chỉ tạo áp lực lớn cho hệ thống điện mà việc đáp ứng các yêu cầu cấp nước ở vùng hạ du và mực nước tối thiểu theo quy trình điều tiết cũng rất khó khăn.

Tính đến nay, tổng dung tích hữu ích các hồ thủy điện đạt 24,3 tỷ m3, thiếu khoảng 11,38 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường (tương đương thiếu 4,58 tỷ kWh). Ðể đảm bảo điện cho mùa khô, EVN dự kiến sẽ huy động sản lượng nhiệt điện than tăng thêm 2,96 tỷ kWh; đồng thời, tăng thêm sản lượng nhiệt điện dầu giá cao 1,52 tỷ kWh, nâng tổng sản lượng nhiệt điện dầu cả năm lên hơn 4 tỷ kWh.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, EVN sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh cung ứng điện cho đất nước và hiệu quả kinh tế vận hành hệ thống điện. Theo đó, Tập đoàn lập kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện hàng tháng gắn với ước tính các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn, giảm thiểu chi phí mua điện trên toàn hệ thống và trên thị trường.

Bên cạnh đó, EVN triển khai các giải pháp, các đề án, chương trình nâng cao độ tin cậy, hiệu suất vận hành các nhà máy điện; đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định các nhà máy điện, lưới điện truyền tải và phân phối; thiết lập kỷ cương và nâng cao kỷ luật vận hành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật vận hành.

Ngoài ra, EVN cũng sẽ lập và tổ chức bảo dưỡng sửa chữa đúng kế hoạch các nhà máy điện và các công trình lưới điện, nâng cao hệ số khả dụng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than; đẩy nhanh tiến độ triển khai áp dụng quy trình sửa chữa nguồn và lưới điện theo tình trạng vận hành và bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy ổn định của thiết bị.

Với việc sửa chữa lớn, EVN sẽ hướng dẫn việc sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất và theo tình trạng thiết bị; nghiên cứu xây dựng mức tồn kho tối ưu đối với vật tư thiết bị dự phòng theo hướng quản lý tập trung, phù hợp với công nghệ hiện tại của thiết bị. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho vận hành và sản xuất.

Với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty Điện lực, các đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ. Các Tổng công ty Điện lực triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện, vận động khách hàng tiếp tục lắp đặt điện mặt trời áp mái; phối hợp với các địa phương, khách hàng thực hiện hiệu quả chương trình điều chỉnh phụ tải (DR)...

Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cấp nước cho hạ du theo quy trình liên hồ chứa và đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, EVN cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho phép tiếp tục duy trì mực nước tối thiểu thấp hơn quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa đối với một số hồ thủy điện. Đồng thời, cho phép vận hành các hồ chứa, ưu tiên đáp ứng các ràng buộc kĩ thuật của hệ thống điện, điều chỉnh lượng nước cấp cho hạ du phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương và có thể thấp hơn so với quy định tại một số hồ thủy điện đang gặp khó khăn về nguồn nước...

ĐỨC DŨNG