Nhiều hoạt động sôi nổi tại lễ hội Cầu ngư Sơn Trà và Lễ hội đình làng Thạc Gián
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, Trưởng Ban tổ chức, khẳng định: “Lễ hội Cầu Ngư đã trở thành một nét văn hóa truyền thống lâu đời của bà con ngư dân. Đây cũng là dịp để chính quyền địa phương và bà con ngư dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tới các bậc bề trên, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bà con có được mùa màng đánh bắt an toàn bội thu, khát vọng cuộc sống ấm no đủ đầy”. Bên cạnh nghi lễ cúng tế truyền thống như: Lễ Nghinh thần, lễ Dâng hương, lễ Chánh, đánh trống phát động ra quân khai thác hải sản năm 2023; trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 7 đến 9-3) còn có rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đa dạng, hấp dẫn như: bơi thúng, lắc thúng, kéo co, đẩy gậy, gánh cá, bóng đá, bóng chuyền bãi biển; nghệ thuật tuồng chèo; dân ca bài chòi… Lễ hội cũng là dịp giới thiệu đến mọi người cũng như du khách gần xa về đặc sản ẩm thực khô của bà con ngư dân qua các gian hàng sản phẩm trưng bày.
Lễ hội Cầu ngư không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của của ngư dân TP Đà Nẵng.
* Trong 2 ngày 6 và 7-3, UBND Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức trọng thể Lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VII, năm 2023. Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, với những hoạt động phong phú, đặc trưng, Lễ hội đình làng Thạc Gián là dịp để những người con sinh ra và lớn lên từ làng Thạc Gián trở về, được tiếp cận với cội nguồn lịch sử; góp tiếng nói tích cực trong việc giáo dục lòng tri ân, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã có công khai canh, khai cư xây dựng nên làng Thạc Gián và mảnh đất Thanh Khê. Qua đó, cũng thể hiện vai trò gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết nhằm góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương.
Bên cạnh phần Lễ với các nghi thức truyền thống tôn nghiêm, thuần Việt cầu cho quốc thái dân an, cầu cho thế giới hòa bình, tại Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động mang đặc trưng của văn hóa dân gian xưa như: thi viết chữ đẹp, viết thư pháp; thi têm trầu cánh phượng; thi nấu xôi và nướng bánh; thi chưng mâm ngũ quả; giao lưu đêm thơ - trình diễn áo dài; các môn thi bịt mắt bắt vịt, đập om, vật tay, cờ làng…
Được biết, Đình làng Thạc Gián được công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia” từ năm 2007.
Minh Duyên - Phương Kiếm