Nhiều lo lắng trước mùa mưa lũ ở huyện miền núi Tây Giang

Thứ ba, 15/06/2021 20:30

Cuối năm 2020, những đợt mưa lũ khốc liệt đã làm đời sống kinh tế, xã hội mọi mặt ở huyện miền núi biên giới Việt- Lào Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thiệt hại nặng nề. Đến nay đã bước sang trung tuần tháng 6-2021, hậu quả thiên tai từ năm cũ vẫn chưa khắc phục xong, Tây Giang lại đang đứng trước những khó khăn, lo lắng khi mùa mưa lũ sắp tới...

Một cây cầu treo được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng tại xã Trhy, Tây Giang, Quảng Nam.

Ông BLing Mia- Bí thư huyện Tây Giang cho biết, những đợt mưa lũ cuối năm 2020 tuy không gây thiệt hại về tính mạng của người dân, nhưng nhiều tài sản, nhà cửa của nhân dân bị thiệt hại. Đáng kể nhất là hai khu dân cư thuộc 2 thôn A Rằng 1 gồm 12 hộ dân và thôn Gnil gồm 57 hộ dân tại xã A Xan bị sạt lở nặng nề, phải di dời dân… Với địa hình đồi núi cao như ở A Xan, việc tìm một địa điểm mới, an toàn để tái định cư cho người dân là vô cùng khó khăn, hơn nữa kinh phí để làm lại cơ sở hạ tầng các  khu dân cư là rất lớn. Từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh hỗ trợ đến cuối tháng 5-2021, UBND huyện Tây Giang đã hoàn thành hai khu tái định cư cho người dân tại hai khu dân cư nói trên, làm lại nhà cửa ổn định cuộc sống trước ngày 14-6-2021.

Cũng trong mùa mưa lũ cuối năm 2020, hơn 120ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện bị cuốn trôi, sạt lở hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đến tháng 5-2021, chính quyền và các ngành chức năng cùng người dân đã khôi phục được 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn chưa thể tiếp tục trồng lúa mà tạm thời chuyển sang cải tạo trồng các loại cây hoa màu để cải thiện đời sống người dân. Hơn 140 công trình thủy lợi bị hư hỏng, đến nay huyện đã tu sửa và nâng cấp được 80 công trình để phục vụ cho sản xuất…

Tuy nhiên, trước mùa mưa lũ năm 2021, những khó khăn và lo lắng vẫn hiển hiện trước mắt chính quyền và người dân Tây Giang. Theo ông BLing Mia, lo lắng nhất hiện nay là các tuyến đường giao thông trên toàn huyện. Đầu tiên phải kể tới tuyến đường giao thông huyết mạch là Tỉnh lộ ĐT606 hơn 70km chạy xuyên suốt địa bàn huyện lên Cửa khẩu phụ Chnốc biên giới Việt- Lào. Mưa lũ cuối năm 2020 đã làm con đường ĐT606 sạt lở nghiêm trọng, chia cắt nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Đoạn từ Km40 đến Km59 của Tỉnh lộ bị sạt lở được khắc phục tạm thời nhưng chỉ qua mấy cơn mưa dông đầu tháng 6-2021 này, hàng chục điểm lại tiếp tục có hiện tượng sạt lở. Nếu bước vào mùa mưa, chắc chắn giao thông lại tê liệt chia cắt các xã vùng cao như Trhy, A Xan, Ga Ri và Chơm và con đường lên biên giới Việt- Lào.

Tại các tuyến đường liên xã, liên thôn, mưa lũ năm 2020 cũng gây sạt lở và cuốn trôi nhiều cây cầu bê-tông và cầu treo tại nhiều xã trên địa bàn huyện. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, đến tháng 5-2021, UBND huyện đã xây dựng mới và hoàn thành được 2 cây cầu treo tại các xã Trhy với kinh phí 7 tỷ đồng và 4 cây cầu treo tạm tại xã  Bahalee với kinh phí 5 tỷ đồng và một số công trình thủy lợi, cống thoát nước tại các tuyến đường giao thông ở các địa phương này. Hệ thống điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trên toàn huyện cũng bị hư hỏng nặng, cho đến nay, ngành Điện lực Quảng Nam mới chỉ khắc phục thông tuyến tạm thời, để nhân dân có điện sinh hoạt. Hệ thống điện từ Km50 đến Km59, nhiều vị trí vẫn phải kéo tạm dây điện trên cây gỗ rừng để tải điện, vô cùng nguy hiểm khi mùa mưa tới.

Trong mùa mưa lũ cuối năm 2020, toàn bộ doanh trại của Đồn biên phòng A Xan bị sụt lún, gây nứt gãy nhà cửa, đơn vị đã phải di dời đến sinh hoạt tạm tại Trạm y tế Quân dân y kết hợp. Các cán bộ Đồn biên phòng cho biết, việc ăn ở sinh hoạt tạm thời gian qua đã ảnh hưởng đến công tác huấn luyện và đời sống của cán bộ chiến sĩ, nhất là trong những đợt phòng chống dịch bệnh COVID-19 và giữ gìn đảm bảo an ninh vùng biên giới vừa qua và hiện nay. Vấn đề này phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Biên phòng để khắc phục, sửa chữa lại doanh trại…

Trường THPT Võ Chí Công tại A Xan, Tây Giang bị sạt lở ta-luy từ cuối năm 2020 vẫn chưa thể khắc phục xử lý.

Nan giải nhất hiện nay là điểm trường THPT bán trú Võ Chí Công tại xã A Xan bị sạt lở ta-luy vào cuối năm 2020, UBND huyện đã phải di dời 277 em học sinh về Trung tâm huyện tại thôn Agrồng cách hơn 40km để tiếp tục học tập. Theo đánh giá, khu ký túc xá của trường gồm dãy nhà 4 tầng và khu giảng đường 4 tầng 12 phòng là nơi làm việc, học tập của thầy cô giáo và học sinh đều bị ảnh hưởng do sạt lở ta-luy, nền móng. Đây là công trình do Sở Giáo dục Đào tại tỉnh Quảng Nam làm Chủ đầu tư vừa đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm. Hiện nay công tác sửa chữa và khắc phục vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án đã được chuyển giao cho Ban Quản lý các dự án của tỉnh quản lý, nhưng công tác sửa chữa, khắc phục lại trường chưa được tiến hành là do còn phải đợi các chuyên gia ngành chức năng khảo sát lại địa chất, nền móng của dự án. Như vậy đến năm học mới 2021-2022, thầy cô giáo và các em học sinh vẫn chưa thể quay trở lại trường để tiếp tục dạy và học.

Trước những khó khăn và lo lắng của cán bộ, nhân dân huyện Tây Giang khi mùa mưa lũ sắp đến, đề nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam khẩn trương có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ địa phương tháo gỡ, khắc phục, xử lý càng sớm càng tốt trong thời gian tới.

Hồng Thanh