Nhiều người sập bẫy lừa đảo “đáo hạn ngân hàng”

Thứ ba, 11/04/2023 07:35
Ngày 10-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh  Quảng Trị cho biết đang mở rộng điều tra vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan thủ đoạn vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng rồi chiếm đoạt của đối tượng Hồ Thị Hương Loan (1989, trú TX Quảng Trị). Điều đáng nói, chiêu “đáo hạn ngân hàng” này không phải mới tại Quảng Trị, nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy với số tiền bị chiếm đoạt từ hàng chục lên hàng trăm tỷ đồng.
Hồ Thị Hương Loan tại thời điểm bị khởi tố bị can.
CQĐT khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Ngọc Hà.

Từ cuối tháng 11-2022 đến gần cuối tháng 3-2023, có nhiều đơn của người dân gửi đến cơ quan Công an tố giác Hồ Thị Hương Loan có hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền nêu trong các đơn tố cáo lên đến hàng chục tỷ đồng. Tiếp nhận thông tin, cơ quan Công an tiến hành xác minh thông tin và bước đầu xác định nội dung tố giác có cơ sở.

Cụ thể, năm 2022, do nợ nần, Loan đã đưa ra thông tin gian dối là cần tiền làm đáo hạn ngân hàng cho các khách hàng. Loan vốn là cán bộ một phòng giao dịch ngân hàng đóng trên địa bàn H. Triệu Phong (Quảng Trị) nên nhiều người ở TX Quảng Trị, H. Triệu Phong và TP Đông Hà tin tưởng cho vay nhiều lần. Sau đó, Loan dùng để trả nợ xoay vòng cho các khoản tiền vay của mình. Nợ trước gối nợ sau, Loan mất khả năng thanh toán. Đối diện với sự thực vỡ nợ, Loan đến Công an đầu thú và đã bị khởi tố bị can để điều tra hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hồ Thị Hương Loan tại thời điểm bị khởi tố bị can.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị cũng thông báo đến tất cả những người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nếu ai bị Loan lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn như nêu trên thì liên hệ đến cơ quan Công an để được hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết.

Trong khi tiếp nhận đơn của vụ án trên, Công an tỉnh Quảng Trị cũng đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Ngọc Hà (1986, trú P. Đông Lương, TP Đông Hà). Trước đó, cơ quan Công an nhận được tố giác của bà Nguyễn Thị K.H (1975, trú P.3, TP Đông Hà) về việc bị Hà lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỷ đồng. Một trường hợp khác là bà Hồ Thị H. (1984, trú P.Đông Lương, TP Đông Hà) cũng tố giác Hà dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Tiến hành xác minh, cơ quan Công an xác định được nội dung tố cáo là có cơ sở. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà để mở rộng điều tra.

Theo thông tin ban đầu, Hà tham gia “lướt sóng” trong đợt sốt đất với hình thức đặt cọc và ấn định thời gian mua đất. Trong thời gian đó sẽ rao bán để kiếm lời. Tuy nhiên, hết thời hạn mà đất vẫn không bán được nên Hà chấp nhận mất tiền cọc. Thua lỗ liên tục, Hà nảy sinh đưa ra thông tin cần vay tiền để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Do Hà từng có công việc ổn định, chỗ ở rõ ràng nên nhiều người tin tưởng cho vay. Thực ra, Hà vay của người sau để trả cho nợ trước. Cầm cự được một thời gian thì không còn vay được nhiều nữa. Cũng như trường hợp của Loan, vỡ nợ, mất khả năng thanh toán thì Hà đến cơ quan Công an đầu thú.

So với những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn đáo hạn ngân hàng thì 2 vụ án trên vẫn chỉ là “số lẻ” so với vụ Trần Thị Nhàn (1996, trú P. Đông Lương, TP Đông Hà) lừa đảo chiếm đoạt với số tiền hơn 331 tỷ đồng vừa bị TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 2). Theo các bị hại, những lần vay trước Nhàn đều trả lãi đầy đủ, đúng hạn nên rất tin tưởng. Với lại, hoạt động “huy động” vốn kiểu này chủ yếu là chị em tham gia, cả tin dễ bị lừa. Bản thân Nhàn trước đó bị “trôi” hơn 7 tỷ đồng cho vay khi sập thủ đoạn vay đáo hạn ngân hàng của 1 đối tượng nữ khác. Bị chiếm đoạt khoản tiền lớn này, Nhàn lại sử dụng thủ đoạn mà mình đã là nạn nhân để “bốc” hơn 331 tỷ đồng của 11 người khác chỉ trong hơn thời gian 2 năm.

Điểm chung ở các vụ trên là việc bồi hoàn khắc phục cho nhiều bị hại đều rất gian nan, mà không muốn nói hoàn toàn vượt quá khả năng.

BẢO HÀ