Nhiều nơi bị chia cắt, cô lập sau bão Noru

Thứ sáu, 30/09/2022 13:30
Tại Quảng Nam, ngày 29-9, ông BhLing Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru) khiến mưa lũ lớn, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Ctoonh, xã Avương bị ngập sâu 1m, giao thông vào huyện tạm thời bị chia cắt, cô lập.

Sạt lở tại QL48 đi qua tỉnh Nghệ An khiến giao thông chia cắt.
Mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 4 khiến nhiều tuyến đường lên huyện Tây Giang bị sạt lở, chia cắt nhiều địa phương, một số nhà dân bị đất đá vùi lấp.

Tuyến đường ĐT606 từ huyện lên các xã vùng biên giới giáp nước bạn Lào sáng 29-9 tiếp tục sạt lở tại nhiều vị trí, tuyến đường ĐH 4 (từ xã Axan- Gari-Chơm) sạt lở 2 điểm, tuyến đường ĐH 5 (từ đường Hồ Chí Minh-Apát, xã Avương) bị trôi cống bi qua suối Mơta gây chia cắt giao thông đi 2 thôn Lgôm, Apát. Cầu tạm Zrượt từ xã Atiêng đi xã Anông bị trôi 2 bên mố cầu, chia cắt hoàn toàn xã Anông lên biên giới Lào. Tuyến đường xã và giao thông nông thôn, khu sản xuất của nhân dân, tiếp tục trượt đất đá, đổ ngã cây cối trên một số tuyến đường. Từ 0 giờ ngày 28-9 đến ngày 29-9, toàn huyện cúp điện. Hiện ngành điện lực đang triển khai khắc phục.

Hiện nay tuyến đường đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu, huyện, xã cử lực lượng chốt chặn tạm thời không cho người, phương tiện qua lại. Cầu Zrượt, xã Anông, huyện chỉ đạo đơn vị thi công rào chắn không cho người qua lại, sẽ khắc phục thông tuyến khi trời tạnh mưa. Tuyến ĐT606 đã bố trí phương tiện để đảm bảo thông tuyến khi có sạt lở lớn. Tuyến ĐH 4 đã tập trung thông tuyến tại điểm sạt lở lớn Km11+300; 2 điểm còn lại xã đã huy động lực lượng tại chỗ thông tuyến tạm thời. Tuyến đường xã và GTNT, khu sản xuất: các địa phương đã và đang vận động nhân dân ra quân thông tuyến tạm thời phục vụ đi lại bằng xe máy. Ngành chức năng huyện đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở, ngập sâu, cầu cống bị cuốn trôi.

Do địa bàn toàn huyện bị chia cắt nhiều nơi, từ tuyến đường Hồ Chí Minh lên các xã biên giới Việt-Lào, thiệt hại do mưa lũ về sản xuất nông nghiệp chưa thống kê được cụ thể. Trên địa bàn huyện không có trường hợp nào xảy ra tai nạn, chết người do mưa bão. Được biết, công tác sơ tán, di dời 1.227 hộ dân/5.571 khẩu tránh trú bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các vị trí nguy cơ cao đến nơi an toàn đã được huyện hoàn thành trước 16 giờ ngày 27-9 (trước thời điểm bão số 4 đổ bộ).

Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An giúp người dân chạy lụt.

Tại Nghệ An, mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến nhiều địa phương bị ngập sâu, cô lập. Trong đêm 28 và ngày 29-9, các lực lượng gồm: công an, bộ đội, dân quân tự vệ... tại các địa phương đã nỗ lực hỗ trợ người dân di dời, di chuyển đồ đạc lên cao. Tại các đập tràn cũng được phân công lực lượng canh gác, hướng dẫn, giúp đỡ người dân.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT TKCN & PTDC Nghệ An, tính đến chiều 29-9, Nghệ An có 7.306 nhà bị ngập, trong đó, H.Quỳnh Lưu nhiều nhất với 5.559 nhà, Hưng Nguyên 275 nhà, Thanh Chương 509 nhà, Yên Thành 791 nhà, Anh Sơn 54 nhà, Thị xã Hoàng Mai 34 nhà, Nam Đàn 52 nhà, Nghĩa Đàn 32 nhà. Hiện nước đang có dấu hiệu rút nhưng chậm.


Sạt lở tại QL48 đi qua tỉnh Nghệ An khiến giao thông chia cắt.

Có 71 hộ dân phải di dời, trong đó Quỳnh Lưu 8 hộ, Tương Dương 4 hộ, Diễn Châu 54 hộ và Thanh Chương 5 hộ. Ngoài ra có 13 nhà bị hư hỏng và tốc mái, 2 nhà bị thiệt hại nặng 70%, 25 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Hàng nghìn diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng chục con gia súc và hơn 17 nghìn con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giao thông, nhiều Tỉnh lộ (534, 544, 532,533, 538...) và Quốc Lộ (QL48, QL16, QL48E, QL48D) bị ngập, sạt lở khiến giao thông chia cắt. Giao thông liên xã, liên huyện nhiều địa phương cũng bị chia cắt…

Hồng Thanh - Dương Hóa