Xử lý người phạm tội theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Nhiều quy định đề cao hiệu quả phòng ngừa và mang tính nhân văn

Thứ ba, 23/01/2018 10:51

Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm  2015 (BLHS-Sửa đổi, bổ sung năm 2017) chính thức có hiệu lực thi hành, hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp đồng thời đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Để giúp bạn đọc rõ hơn về những vấn đề này, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Hữu Lài- Phó Chánh văn phòng CQCSĐT; Phó Thủ trưởng CQCSĐT CATP Đà Nẵng.

Thượng tá Nguyễn Hữu Lài.

P.V:  Xin  Thượng tá cho biết một số điểm mới cơ bản được quy định trong BLHS 2015- SĐ, BS, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018?

Thượng tá Nguyễn Hữu Lài: Theo thống kê, có khoảng 343 điểm mới so với BLHS năm 1999. Bộ luật này có những điểm mới rất quan trọng: Thứ nhất, Bộ luật này đã bãi bỏ 11 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999, cụ thể, từ ngày 1-1-2018, một số tội danh này sẽ không tồn tại, như: Tội tảo hôn, tội kinh doanh trái phép, tội hoạt động phỉ...

Thứ hai, BLHS 2015- SĐ, BS có những thay đổi quan trọng và đã bổ sung 34 tội danh mới. Trong đó, có những tội lần đầu tiên xuất hiện như: Tội kinh doanh đa cấp trái phép; tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội; tội chiếm đoạt, mua bán mô, bộ phận cơ thể người; tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm...

Thứ ba, BLHS 2015- SĐ, BS đã có những sự thay đổi rất lớn đối với những tội liên quan đến xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo xu hướng sẽ bãi bỏ những tội mang tính chất cản trở thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng đã được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đối các tội: tội cướp tài sản; tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; tội đầu hàng địch; tội chống mệnh lệnh; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Một thay đổi nữa trong BLHS 2015- SĐ, BS là thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi theo hướng những người này chỉ phải chịu TNHS về một số tội. Cụ thể, đối với người ở độ tuổi nêu trên chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh.

P.V: BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 được đánh giá là Bộ luật thể hiện sâu sắc tính nhân đạo của Nhà nước ta. Thượng tá có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này?

Thượng tá Nguyễn Hữu Lài: Việc xác định một người có phạm tội hay không không chỉ ảnh hưởng tới sinh mệnh pháp lý của một cá nhân mà còn thể hiện chính sách, quan điểm của Nhà nước trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung. BLHS 2015- SĐ, BS được đánh giá là Bộ luật thể hiện sâu sắc tính nhân đạo của Nhà nước ta, đó là lần đầu tiên BLHS dành hẳn một Chương quy định về các trường hợp loại trừ TNHS cho cá nhân, tổ chức. BLHS 2015- SĐ, BS thêm 3 trường hợp loại trừ TNHS hoàn toàn mới đó là "gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội" (điều 24), "rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ" (điều 25) và "thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên" (điều 26). Việc ghi nhận những trường hợp này thành một Chương riêng trong BLHS 2015- SĐ, BS đã thể hiện một cách nhìn mới nhân văn hơn, tiến bộ hơn của Đảng và Nhà nước ta về các trường hợp không phải chịu TNHS nói riêng, về bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung.

Quy định tại Điều 24 BLHS 2015- SĐ, BS về "hành vi của người thực hiện nhiệm vụ bắt giữ người có hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm". Đây là quy định mới, không chỉ tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan có trách nhiệm đấu tranh trấn áp tội phạm thực hiện nhiệm vụ mà còn khiến người dân yên tâm khi thực hiện nghĩa vụ tham gia phòng, chống tội phạm.

Việc BLHS năm 2015 bổ sung quy định loại trừ TNHS đối với trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Quy định này là bảo đảm chắc chắn cho những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, động viên các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến vì sự phồn vinh của đất nước.

P.V: Tại các  Điều 17, 18 và 19 quy định về tội Đồng phạm; Che giấu tội phạm; Không tố giác tội phạm, được cho là có nhiều điểm mới mang tính nhân văn. Vậy những điểm mới đó là gì và có ý nghĩa như thế nào trong việc quản lý xã hội và việc xử lý những hành vi vi phạm?

Thượng tá Nguyễn Hữu Lài: Điều 17 BLHS 2015- SĐ, BS quy định mới tại khoản 4: "Người đồng phạm không phải chịu TNHS về hành vi vượt quá của người thực hành". Theo Điều 17 này người đồng phạm bao gồm người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Trên thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người thực hành lại có hành vi vượt quá, không thực hiện đúng như những gì đã thống nhất với những người đồng phạm khác trước đó. Nếu buộc những người đồng phạm khác phải chịu TNHS về hành vi  vượt quá này thì có nghĩa là truy cứu TNHS khách quan, buộc họ phải chịu TNHS về hành vi mà họ không biết, không có lỗi. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, BLHS 2015- SĐ, BS quy định mới là trong trường hợp người thực hành có hành vi vượt quá thì chỉ người thực hành phải chịu TNHS về hành vi vượt quá đó, những người đồng phạm khác phải được loại trừ TNHS về hành vi vượt quá của người thực hành.

Điều 18 BLHS 2015- SĐ, BS quy định mới tại khoản 2: Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS. Quy định này nhằm hài hòa giữa pháp luật với truyền thống đạo lý, tâm lý, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam, đó là sự đùm bọc, che chở, bảo vệ nhau giữa những người ruột thịt, những người thân trong gia đình.

Điều 19 BLHS năm 2015 tiếp tục kế  thừa quy định của BLHS năm 1999 thu hẹp phạm vi chịu TNHS đối với hành vi không tố giác tội phạm của ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Việc sửa đổi này cũng nhằm một mục đích hài hòa hóa giữa pháp luật với truyền thống đạo lý, tâm lý, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam, mặt khác bảo đảm sự thống nhất với các quy định khác có liên quan trong Bộ luật và về chính sách hình sự...

BLHS 2015- SĐ, BS được ban hành lần này sẽ khắc phục được cơ bản những nhược điểm của BLHS năm 1999, trong đó nó thể hiện được tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa, tăng cường tính hướng thiện của BLHS trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm theo hướng giảm bớt hình phạt tù, mở rộng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ, thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và quy định trong BLHS những hành vi nguy hiểm mới xuất hiện trong xã hội là tội phạm. BLHS 2015- SĐ, BS còn có một ý nghĩa nhân văn nữa, đó là không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp tội phạm mà còn tạo cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ mình và góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

P.V: Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này!

TRANG TRẦN (thực hiện)