Nhiều tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động

Thứ hai, 30/10/2017 11:00

Đã 3 tháng trôi qua, con tàu mang số hiệu ĐNa 90670 của anh Nguyễn Văn Đường (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vẫn im lìm trong bến cảng Thọ Quang đợi nguồn lao động để có thể nhổ neo.

Nhiều tàu cá phải nằm bờ vì không tìm được lao động.

Khan hiếm nguồn lao động

“Lao động thời điểm này thật sự khó tìm và giữ chân họ. Mỗi chuyến ra khơi các chủ tàu đều rất vất vả để thuyết phục lao động tiếp tục đi với mình. Trung bình mỗi chuyến đi tàu cần 10 đến 15 lao động mới đáp ứng nhu cầu công việc nhưng hiện tại chỉ có 5 lao động đồng ý đi thì cũng đành chịu”, anh Nguyễn Văn Đường cho biết. Cũng theo anh Đường, không riêng gì tàu anh, nhiều ngư dân khác vẫn rơi vào tình cảnh tương tự.

Không có nguồn lao động, họ không thể ra khơi dù mọi thứ đã được trang bị sẵn sàng. “Nhiều lúc phải thuyết phục các lao động bằng mọi cách nhưng rồi họ đồng ý đi với mình một chuyến, đến chuyến sau lại không muốn đi dù các chủ tàu luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các lao động. Thậm chí có nhiều chủ tàu đầu tư hết vốn liếng, vay mượn khắp nơi trang bị nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại nhưng kết quả vẫn nằm bờ”, anh Đường ngao ngán.

Tàu cá của anh Đường không phải cá biệt. Thực trạng thiếu lao động diễn ra ở hầu hết nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Tàu ĐNa 90354 của anh Huỳnh Văn Hùng (P. Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) cũng trong tình trạng không mấy khả quan hơn. Cho dù mỗi chuyến ra khơi anh đều thưởng cho các lao động xứng với công sức họ bỏ ra nhưng chuyến nào anh cũng vất vả tìm người. Giải thích về việc thiếu lao động, anh Hùng cho rằng, vì không có hợp đồng lao động nên nhiều lao động luôn “nhảy” việc. Ở đâu đánh bắt trúng hơn, may mắn hơn là họ lại về tàu đó làm việc. Hơn thế, nghề đi biển vốn bấp bênh, nguy hiểm nên qua vài chuyến đi, tìm được công việc ổn định hơn là các lao động sẵn sàng bỏ nghề biển.

Cần thêm nhiều ưu đãi

Những năm qua, Chính phủ cũng như thành phố Đà Nẵng đã có những chính sách, ưu đãi hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nguồn lao động nghề cá trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay đang rất khan hiếm, nhiều chủ tàu “đỏ mắt” tìm kiếm nhưng không đủ nguồn lao động đáp ứng cho những chuyến đánh bắt xa khơi. Theo các chủ tàu, đã đến lúc Đà Nẵng cần thật sự cân nhắc, tìm hướng giải quyết cho “bài toán” nan giải này.

Theo ông Võ Văn Xừng - Cán bộ Phụ trách Thủy sản P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà) việc thiếu lao động nghề cá hiện đã đến mức báo động. Trong danh sách gần 70 tàu đăng ký hoạt động đánh bắt trên địa bàn phường thì có đến phân nửa “đau đầu” với việc tìm kiếm lao động. “Mỗi chuyến chuẩn bị ra khơi các chủ tàu lại liên tục gọi điện nhờ hỗ trợ tìm lao động. Lý do chính dẫn đến việc lao động không “mặn mà” với nghề đánh bắt là do họ chưa nhận được nhiều sự quan tâm cũng như chính sách hỗ trợ lâu dài”, ông Xừng nói.

Ông Đặng Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho hay, trái với việc mang lại lợi nhuận về kinh tế cao thì nghề đánh bắt luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đa số các lao động đều không muốn con em mình nối nghề dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động là điều khó tránh khỏi. “Để giải quyết tình trạng trên không gì khác là phải có thêm nhiều ưu đãi hướng đến người lao động. Phải cho các lao động thấy được quyền lợi cũng như trách nhiệm của họ trong mỗi chuyến đánh bắt với các chủ tàu cá”, ông Hải nhấn mạnh.

Trên thực tế, TP Đà Nẵng cũng đã có những chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khởi bám biển, như hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, thường xuyên tổ chức nâng cao kỹ năng cho lao động nghề cá. Hiện nay, Đà Nẵng cũng đã quyết định phê duyệt đề án “Phát triển ngành kinh tế biển TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, theo lộ trình sẽ nâng cấp trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm thành Đại học Thủy sản. Tuy nhiên, trước mắt, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng thì phải tập trung hướng đến hỗ trợ, khuyến khích nguồn lao động hiện có. Đồng thời xác định vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho nghề biển, hiện đại hóa nghề đánh bắt, hạn chế thấp nhất rủi ro để thật sự thu hút lao động về với các tàu cá.

PHI NÔNG