Nhiều tàu cá Trung Quốc “vượt rào” tại Vịnh Bắc Bộ
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-9, tại Đà Nẵng, Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc (sau đây gọi là Hiệp định) đồng thời đề ra những kiến nghị, đề xuất để tổ chức tốt việc duy trì sản xuất và giữ gìn ANTT trên vùng biển đánh bắt chung tại Vịnh Bắc Bộ của 2 nước. Đặc biệt, các cơ quan liên quan cũng đã đưa ra những dự báo, đề xuất để chủ động cho việc vào năm 2019 Hiệp định này hết hiệu lực, không còn vùng đánh bắt chung.
Hiệp định có thời hạn hiệu lực chính thức từ ngày 30-6-2004 đến tháng 6-2019 (12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn), giá trị pháp lý ở cấp Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía.
Theo đánh giá của hội nghị, kể từ khi Nghị định có hiệu lực, cơ quan thực thi và giám sát thi hành Hiệp định của Việt Nam và Trung Quốc đã bước đầu phối hợp, tổ chức tốt việc duy trì sản xuất và giữ gìn ANTT trên biển thuộc vùng đánh cá chung rộng 33.500km2 tại Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong quá trình thực hiện Hiệp định, đặc biệt là thiện chí từ phía Trung Quốc.
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 23 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác trong 10 năm triển khai Hiệp định. |
TÀU TRUNG QUỐC VẪN LẤN ÁT NGƯ TRƯỜNG
Theo đại diện Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, trong 10 năm qua, số lượng tàu cá Việt Nam đăng ký xin cấp giấy phép đánh cá trong Vùng đánh cá chung thường xuyên có khoảng 2.000-2.500 tàu, nhưng chỉ có tối đa 1.543 tàu cá với tổng công suất 211.391CV được cấp phép.
Trong khi đó, tại vùng này, tàu cá Trung Quốc chỉ dưới 1.000 tàu nhưng có tổng công suất tương đương. Theo thống kê, phương tiện đánh bắt của ngư dân ta đa số là tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế, công suất chủ yếu từ 60-300CV.
Ngược lại tàu Trung Quốc đều được trang bị hiện đại, vật liệu tốt, công suất lớn, khả năng chịu đựng sóng gió, va đập cao. Báo cáo tại hội nghị cho hay, trong thời gian đầu triển khai Hiệp định, một bộ phận ngư dân Việt Nam chủ yếu vi phạm các quy định về giấy phép, dùng chất nổ, xung điện, ánh sáng quá mức để khai thác thì phía tàu Trung Quốc lại cố tình vượt qua ranh giới phân định, không tuân thủ địa điểm trú tránh (cố tình vào đảo Bạch Long Vĩ), lợi dụng buôn lậu, thậm chí gây hấn, phá hoại tài sản, lấn át ngư trường của ngư dân Việt Nam.
Có thời điểm, hàng nghìn lượt tàu cá Trung Quốc không được cấp giấy phép đánh bắt trà trộn với tàu được cấp giấy phép để vi phạm vùng biển của Việt Nam, thậm chí nhiều tàu dùng thủ đoạn treo dấu hiệu nhận biết giả để đánh lừa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Trong 2 năm đầu tiên sau khi Hiệp định có hiệu lực, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã gây phức tạp tình hình, tạo nên sự bất ổn trong vùng đánh cá chung.
Trong 10 năm, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, xua đuổi tổng số 7.781 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm quy định của Hiệp định, vi phạm chủ quyền biển Việt Nam. Lực lượng đã xử phạt cảnh cáo, phóng thích ngay trên biển 214 tàu cá, phạt tiền 34 tàu và tịch thu 61.240 lít dầu. Chi cục Kiểm ngư Vùng I cũng đã kiểm tra tổng số 4.168 tàu cá, xử phạt các hành vi vi phạm đối với 1.621 lượt tàu Việt Nam và 102 lượt tàu Trung Quốc.
Trong khi đó, lực lượng tuần tra BĐBP đã xua đuổi 1.800 lượt tàu Trung Quốc vi phạm ra khỏi vùng biển nước ta, lập biên bản, cảnh cáo, phóng thích trên biển 459 lượt tàu vi phạm. Trong 5 năm (2004-2009), phía Trung Quốc đã bắt giữ và xử phạt tổng cộng 44 tàu cá Việt Nam với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.
Về khách quan, Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên thời gian đầu, một bộ phận ngư dân của ta vẫn chưa nắm bắt được tình hình, gây xung đột trong quá trình đánh bắt, hoạt động không phép, vi phạm các quy định trong Hiệp định.
Từ năm 2006 đến nay, cơ quan giám sát của 2 nước (Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Ngư chính khu Nam Hải) đã phối hợp tổ chức 9 đợt kiểm tra liên hợp trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ và 9 hội nghị rút kinh nghiệm được tổ chức luân phiên tại mỗi nước. Hoạt động này đã góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tuân thủ pháp luật trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Đại diện tàu hải cảnh 3210 của Trung Quốc thăm tàu CSB 8003 của Việt Nam trong chuyến tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ. |
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ có diện tích rộng lớn và lượng tàu thuyền của 2 nước tham gia đánh bắt cao nhưng trong 4 năm đầu thực hiện Nghị định, phía Việt Nam chỉ có 8 tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật. Từ năm 2009 đến nay chỉ có 6 tàu. Không chỉ ít về số lượng, tàu thực thi pháp luật Việt Nam chưa được trang bị hiện đại, vừa chịu sóng kém vừa thiếu tính cơ động trong các tình huống phức tạp trên biển.
Trong nhiều vụ xung đột, trộm cắp, tranh chấp ngư trường, lực lượng thực thi pháp luật đã không có mặt kịp thời để tham gia giải quyết vụ việc. Cạnh đó, trong một thời gian dài, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi của 2 nước chưa thực sự hiệu quả. Ủy ban liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của 2 nước chưa chủ động phối hợp giải quyết được các vấn đề mang tính cấp bách liên quan đến thực thi Hiệp định. Việc trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan 2 nước còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chưa có quy chế phối hợp triển khai thực hiện. Nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu tích cực từ phía Trung Quốc.
Theo dự báo của Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, trong 5 năm tiếp theo thực hiện Hiệp định chắc chắn sẽ còn nhiều phức tạp. Cụ thể, nhiều tàu lớn của Trung Quốc sẽ lợi dụng công tác kiểm tra, giám sát của ta còn hạn chế để cố tình vi phạm sâu vào vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, trong những năm tới, chắc chắn số lượng tàu công suất lớn của Việt Nam sẽ tăng lên, chính vì vậy công tác dự báo của các cơ quan chức năng phải được thực hiện tốt. Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh hợp tác giữa Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của 2 bên để giữ gìn ANTT và khai thác bền vững.
Theo ông Tám, ngoài việc nâng cao hiểu biết cho cộng đồng ngư dân Việt Nam và Trung Quốc những quy định trong vùng đánh bắt chung thì 2 nước phải tăng cường phối hợp tuần tra và cùng nhau thực hiện đúng tinh thần của Hiệp định để tạo ra môi trường hòa bình, hữu nghị và đảm bảo quyền lợi của mỗi bên.
Một trong những vấn đề quan trọng được các cơ quan chức năng đề cập đó là những ảnh hưởng tới việc khai thác của cộng đồng ngư dân khi Hiệp định chỉ còn 5 năm nữa là hết hiệu lực, sẽ không còn Vùng đánh cá chung như hiện tại.
Ông Nguyễn Ngọc Oai – Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Cục trưởng Cục Kiểm Ngư cho hay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá và lập kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định trong 5 năm cuối, trong đó chú ý đến việc đề xuất các chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp đối với lực lượng ngư dân đã và đang hoạt động trong Vùng đánh bắt chung. Cạnh đó, cơ quan chức năng Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu, định hướng cho công tác đàm phán, phối hợp với phía Trung Quốc để có sự chuẩn bị chu đáo trước và sau khi Hiệp định kết thúc.
Công Khanh