Nhiều thách thức cho văn hóa đô thị Đà Nẵng

Thứ sáu, 25/10/2019 11:31

Làm thế nào để nền kinh tế thị trường, đô thị hóa không tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần và đạo đức xã hội là chủ đề được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận tại Hội thảo "Bàn về văn hóa lối sống đô thị Đà Nẵng". Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị (QHPTĐT) và Tạp chí chuyên đề Đô thị và Phát triển TP Đà Nẵng tổ chức ngày hôm qua (24-10).

Đô thị hóa bên cạnh mặt tích cực thì vẫn song hành những hệ lụy cho lối sống đô thị Đà Nẵng (trong ảnh: Tình trạng ùn tắc giao thông bên cạnh nguyên nhân khách quan hạ tầng chưa đảm bảo, còn có nguyên nhân chủ quan ý thức người dân khi lấn làn, dừng đỗ không đúng quy định). Ảnh: Nguyễn Đông. 

Người tham gia giao thông nên dẹp bỏ cái tôi

Liên quan đến vấn đề văn hóa giao thông nói chung, giao thông đô thị nói riêng, ông Hồ Quang Vinh (Sở GTVT) cho rằng, ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông là thể hiện lối sống được giáo dục có căn nguyên từ nguồn gốc (gia đình, nhà trường, pháp luật, bản sắc dân tộc). Khi người tham gia giao thông dẹp bỏ cái tôi cá nhân để nghĩ vì người khác, tương thân tương ái, ứng xử đẹp và văn hóa, tôn trọng luật lệ là thể hiện phẩm chất và nhân cách tốt đẹp của mình. Những hành vi như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lấn làn, bấm còi inh ỏi, bỏ mặc người bị nạn, không giúp đỡ người yếu thế hơn như người già, trẻ em... là ví dụ về những hành vi thiếu văn minh, vô cảm. "Luật pháp để chế tài, văn hóa là nền tảng. Để xây dựng một bộ Luật Giao thông tiêu tốn hơn 10 năm nhưng để xây dựng lối sống văn minh, văn hóa có thể mất hàng trăm năm, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác là bản sắc của một quốc gia. Thế mới thấy gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông mới quan trọng nhường nào", ông Vinh nhìn nhận.

Lối sống đô thị biến đổi nhanh, phức tạp

Theo ông Trần Văn Thiết-Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KH-KT TP, con người Đà Nẵng mang đậm dấu ấn của con người xứ Quảng, với những đặc tính như giản dị, cần cù, chịu khó, lạc quan, trọng tình nghĩa, cương trực, cầu thị. Ngoài những đặc tính trên, thì khát vọng vươn lên, dấn thân vì đại cuộc, nhạy cảm và thích ứng với cái mới cũng là tính cách rõ rệt của "người Đà Nẵng". Ông Thiết cho rằng, chính những tính cách này đã tạo nên con người Đà Nẵng trung dũng, kiên cường trong chiến đấu; dám nghĩ dám làm, sáng tạo, đổi mới trong xây dựng và phát triển thành phố. "Chính vì vậy mới có một Đà Nẵng thay đổi diệu kỳ và đáng sống như ngày hôm nay!", ông Thiết nói.

Cũng theo ông Thiết, bên cạnh mặt tích cực, thì quá trình đô thị hóa cũng đã tạo ra một số tồn tại hạn chế và mâu thuẫn phát sinh, tác động đến lối sống của con người Đà Nẵng. Nổi bật là kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội tuy có cố gắng đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ; công tác quản lý đô thị còn thiếu hiệu quả, nhất là quản lý đất đai; ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức pháp luật của người dân còn ở mức thấp; tính tự do, tùy tiện, vô kỷ luật, hành xử theo thói quen, theo tục lệ vẫn còn chi phối; các hiện tượng vi phạm cảnh quan, quy hoạch đô thị, xây dựng trái phép, vi phạm quy tắc, luật lệ giao thông và các quy định về trật tự đô thị, bảo vệ môi trường... "Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng diễn ra khá nhanh, đã tạo ra những tâm lý, biến đổi ngược chiều. Đó là anh nông dân vùng ven thường quen với việc đồng áng, bỗng chốc trở thành cư dân đô thị; chị tiểu thương ở đô thị, công chức trong các cơ quan nhà nước gốc gác là cư dân nông thôn chuyển dịch vào thành phố để làm ăn sinh sống... Chính những điều này đã tạo ra một lối sống đô thị nhuốm màu nông thôn, là sự pha tạp giữa tĩnh và động. Từ đó vẫn tồn tại những suy nghĩ vụn vặt, làm ăn tản mạn, tính vô tổ chức, đề cao kinh nghiệm bản thân, hạn chế việc tiếp cận các tri thức khoa học", ông Thiết nhìn nhận.

Lấy dẫn chứng về việc Đà Nẵng có quá ít bãi đỗ xe công cộng, trong khi số lượng ô-tô, nhất là ô-tô tư nhân ngày càng tăng theo nhu cầu của cư dân đô thị, ông Bùi Văn Tiếng-Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP cho rằng chính bất cập này đã tác động theo hướng tiêu cực đến lối sống của người Đà Nẵng. Chẳng hạn đã xảy ra không ít trường hợp lời qua tiếng lại, thậm chí xô xát xung đột giữa người đỗ xe dọc đường với người có nhà mặt tiền đường phố, nhất là nhà mặt tiền đang kinh doanh buôn bán... Chưa kể, theo ông Tiếng, quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng mấy năm gần đây còn làm cho thành phố bên sông Hàn phải đối diện với nguy cơ đánh mất... ký ức!

Nhìn nhận ở một khía cạnh tương đồng, ông Nguyễn Cửu Loan- Tổng thư ký Hội Quy hoạch PTĐT Đà Nẵng cho rằng, ra khỏi nhà, hòa nhập vào đám đông, người dân đô thị trở nên vô danh, tạm thời thoát ly ra ngoài mọi nhóm xã hội. Xung quanh họ toàn người không quen biết, vì thế, họ chẳng cần quan tâm đến mọi người xung quanh. Chính từ đặc điểm này tạo nên một kiểu lối sống "đèn nhà ai nấy sáng" trong mọi hành vi, cử chỉ, trong mọi sinh hoạt hằng ngày. "Mọi nét tiêu cực, thiếu văn hóa thường gặp ở các đô thị đều có nguyên nhân phát sinh từ lối sống này mà ra", ông Loan nói.

Làm gì để cân chỉnh?

Để từng bước xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, theo ông Trần Văn Thiết, trước hết cần thay đổi các điều kiện sống, lao động của người dân đô thị theo hướng tốt hơn, đồng thời chú trọng xây dựng các quy tắc chuẩn mực xã hội đô thị dựa trên pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng. "Lối sống đô thị Đà Nẵng văn minh, tiến bộ không thể xây dựng trong một xã hội có nền kinh tế kém phát triển, mức sống vật chất thấp, kết cấu hạ tầng xuống cấp", ông Thiết nói và khẳng định, xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng văn minh, tiến bộ không phải là công việc nhất thời, mà đó là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác và phải có bước đi, cách làm cụ thể, phù hợp cho từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể.

Cho rằng, hiện các quy định về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không thiếu, nhiều nội dung về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị đã được thể chế hóa thành những quy định của pháp luật, thế nhưng theo Trần Trung Sáng (Tạp chí Văn hiến Việt Nam), trên thực tế, tại nhiều địa phương, không ít bộ phận cư dân đô thị lại chưa có truyền thống "trọng luật", hoặc đối phó "luật" một cách qua loa. Do vậy tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, trật tự xây dựng đô thị vẫn diễn ra trên nhiều tuyến phố, nhiều khu dân cư... Vì vậy theo ông Sáng, để xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, Đà Nẵng nên chú trọng đổi mới tư duy pháp lý cần được đặt ra một cách mạnh mẽ, kiên quyết hơn. "Cần phải xử phạt nặng hành vi như vứt kẹo cao su, hút thuốc lá nơi công cộng, ném rác không đúng nơi quy định... Từ những việc nhỏ đó sẽ dần hình thành thói quen trọng nguyên tắc, chấp hành các quy định pháp luật, giúp hình thành chuẩn mực văn minh người đô thị", ông Sáng nhìn nhận và cho rằng cuộc cách mạng đô thị nào cũng tạo ra những "đứt đoạn" do trong quá trình chuyển động con người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, buộc phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới. Để giảm bớt "đứt đoạn" và những cú "shock" văn hóa, cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược, đón đầu.

D.Hùng