Nhiều thách thức đang “chờ” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thứ sáu, 05/01/2018 08:37

Ngày 4-1, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp, hiệp hội về nông nghiệp.

Theo đánh giá, 2017 là một năm thành công của ngành NN&PTNT, tuy nhiên, các vấn đề về dự báo thị trường trong lĩnh vực nông sản, việc dính “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản cộng với nạn phá rừng, mất đất sản xuất, báo động về ATTP đang là những thách thức của toàn ngành trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

KỶ LỤC XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, toàn ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu như kim ngạch xuất nhập khẩu, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thể chế và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Theo ông Cường, thành tựu nổi bật nhất trong năm 2017 là ngành NN&PTNT có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Năm 2017 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ quả đã vượt cả lúa gạo, dầu thô; thặng dư thương mại trong nông nghiệp đạt 8,55 tỷ USD; có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành NN&PTNT vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong năm 2018. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều, vẫn còn địa phương lúng túng trong triển khai và kết quả chưa rõ ràng. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân chưa được cải thiện. Biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, nhưng một số địa phương vẫn còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác phòng chống thiên tai nên thiệt hại lớn. Cạnh đó, công nghiệp chế biến chậm phát triển, công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là sự tồn kho, giảm giá của mặt hàng thịt lợn và dưa hấu. Theo đánh giá của hội nghị, thiệt hại lớn nhất của ngành NN&PTNT trong năm qua chính là lĩnh vực thủy sản đã bị Ủy ban Châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” do vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Tình trạng vi phạm các quy định về ATTP, phá rừng và khai thác thủy sản trái phép vẫn còn xảy ra nhiều nơi.

Ngoài nhu cầu ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai theo hướng chỉ đạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất  đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp, nông thôn, ông Cường cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói đầu tư hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và hỗ trợ phòng chống thiên tai với mức vốn khoảng 9.000 tỷ đồng.

Nông dân Đà Nẵng được trang bị máy móc để từng bước cơ giới hóa nông nghiệp.

ĐỪNG CHỈ NGHIÊN CỨU NÔNG NGHIỆP TRÊN GIẤY TỜ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và luôn đánh giá cao đóng góp của ngành đối với sự phát triển KT-XH đồng thời nhấn mạnh, dù đã làm nên được nhiều thành tích trong những năm qua nhưng Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa để nâng cao cuộc sống của bà con nông dân. “Sự nghiệp công nghiệp hóa chỉ thành công khi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành công. Chúng ta phải tập trung thời gian, giải pháp thực tế hơn nữa, đừng vì  những cái lợi trước mắt mà để người dân ở vùng nông thôn khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngoài những thành tựu được coi là đột phá, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ, trồng trọt theo thói quen,  vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, quản lý rừng vẫn là thách thức rất lớn đối với ngành nông nghiệp. Cạnh đó, tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định vẫn còn diễn ra khiến Ủy ban Châu Âu phải rút “thẻ vàng” cảnh cáo. 28 tỉnh thành có biển đã vào cuộc nhưng vẫn chưa mạnh mẽ. Các vụ án phá rừng, lấy rừng phòng hộ làm các công trình vẫn còn xảy ra. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo lo chương trình dự án nhiều mà ít quan tâm, thiếu quyết liệt đến đời sống người dân dẫn đến phát sinh những vấn đề bức xúc ở nông thôn.

Về vụ việc ngành thủy sản dính “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương phải triển khai các biện pháp cấp bách để gỡ thẻ ngay trong năm 2018. Trong khi đó, điệp khúc “được mùa rớt giá”, sản xuất, nuôi trồng một cách tự phát cần phải được thay thế bằng chiến lược, định hướng thị trường, tổ chức sản xuất một cách bài bản. Vì “Phi doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, không thành công trong nông nghiệp; kinh doanh nhỏ lẻ, không công nghệ, không thị trường cũng khó thành công trong nông nghiệp”.

“Bài học lớn rút ra từ kết quả đạt được trong năm 2017 là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Tư lệnh ngành nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân. Chứ không phải chỉ nghiên cứu trên giấy tờ. Mọi chủ trương, chính sách trong lĩnh vực NN&PTNT, đặc biệt là chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đạt được mục tiêu nâng cao đời sống người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

BẢO NAM

----------------------------------------------------------------------------------------------

* Theo Bộ NN&PTNT, năm 2017 cả nước có 2.884 xã (tương đương 32,3%) và 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ đề ra mục tiêu năm 2018 cả nước có ít nhất 37% số xã và 52 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn; bình quân cả nước đạt 14,2 tiêu chí/xã; giảm số xã chưa đạt 5 tiêu chí xuống dưới 100.

----------------------------------------------------------------------------------------------