Nhiều tiểu thương không chịu di dời vào chợ Kế Xuyên mới
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-9, UBND H. Thăng Bình và UBND xã Bình Trung (H. Thăng Bình, Quảng Nam) tổ chức di dời hơn 200 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Kế Xuyên cũ vào chợ mới được xây dựng, khánh thành vào đầu tháng 9-2015. Tuy nhiên, khoảng 50% tiểu thương không chịu chuyển sang chợ Kế Xuyên mới để buôn bán, bất chấp sự vận động của các cơ quan chức năng.
Toàn cảnh chợ Kế Xuyên mới. |
Ông Trần Văn Thịnh (trú thôn Kế Xuyên 2, xã Bình Trung), trình bày: Việc xây dựng chợ Kế Xuyên mới được Cty TNHH MTV Tân Phương Toàn (viết tắt: Cty TPT) khởi công vào ngày 16-4-2014. Trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng các cơ quan chức năng không tổ chức lấy ý kiến của người dân, tiểu thương nên không nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Việc khởi công xây dựng chợ mới còn "cầm đèn chạy trước ô-tô", vì vào thời điểm này UBND tỉnh Quảng Nam chưa có quyết định thu hồi đất và Sở Xây dựng chưa cấp giấy phép xây dựng. Hơn nữa, việc chọn địa điểm xây dựng chợ mới còn nhiều bất cập, như: quá gần với Trường Tiểu học Nguyễn Du, việc mua bán ở chợ sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm cũng như chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, địa điểm của chợ mới nằm trên trục đường liên xã, số lượng người tham gia giao thông quá đông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Ngoài ra, Cty TPT còn tự ý san lấp, lấn chiếm hơn 3.000m2 đất nông nghiệp để phân lô bán đất làm nhà...
Còn theo các tiểu thương Phạm Thị Phước, Võ Thị Vâng, Nguyễn Thị Hà (cùng trú xã Bình Trung), một bất cập khác khi chuyển qua kinh doanh ở chợ mới là mức giá cho thuê quá cao so với chợ cũ. Cụ thể, một gian hàng 8m2 ở chợ cũ chỉ thu 2,5 triệu đồng cho 15 năm nhưng tại chợ mới có mức thu 4 triệu đồng/1 năm và diện tích của một số lô quá chật chội, thậm chí nhiều lô hàng bị dột nước...
Ngày 28-9, làm việc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình, cho biết: Ngày 8-9-2015, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 2720 thu hồi 29.899m2 đất giao thông, thủy lợi và đất 5% do UBND xã Bình Trung quản lý giao cho Cty TPT xây dựng chợ Kế Xuyên và khai thác quỹ đất khu dân cư quanh chợ. Trong đó, đất ở: 14.683m2; đất thương mại: 604m2; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật: 9.605m2; đất xây dựng công trình chợ: 5.007m2.
Cty TPT tiến hành đền bù, thiết kế... và đã được các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cấp phép xây dựng. Xét toàn diện, công trình chợ mới đảm bảo các tiêu chí về mỹ quan, an toàn PCCC, thuận lợi cho việc mua bán của người dân tại địa phương. Đồng thời, khu nhà lồng chợ chính cách Trường Tiểu học Nguyễn Du hơn 150m nên không ảnh hưởng đến việc dạy và học. Riêng nội dung các tiểu thương phản ánh: Cty TPT lấn chiếm hơn 3.000m2 đất nông nghiệp, san lấp, phân lô bán đất nền nhà. Qua đo đạc của Phòng TN&MT H. Thăng Bình thì diện tích dôi dư chỉ có 354,5m2, đây là diện tích sử dụng để xây dựng bờ kè chống sạt lở và không nằm trong diện tích giao đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cho thuê mặt bằng ở chợ Kế Xuyên mới được xây dựng trên khung giá do UBND tỉnh Quảng Nam quy định, song nếu so sánh với giá thuê mặt bằng tại chợ cũ thì có chênh lệch quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tiểu thương. Bên cạnh đó, việc bố trí các gian hàng và diện tích của từng gian chưa thật sự phù hợp với nhu cầu mua bán... Ngoài ra, trong quá trình giải quyết khiếu nại của người dân không được thực hiện một cách thấu đáo, như: Nội dung tố cáo Cty TPT lấn chiếm hơn 3.000m2 nhưng chưa có một kết quả thống nhất từ cơ quan chuyên môn nên UBND H. Thăng Bình cho rằng diện tích bị lấn chiếm có 354,5m2, còn Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam xác định diện tích dôi dư là 502m2 (?). Đồng thời, những thắc mắc của người dân không được giải thích cặn kẽ để người dân hiểu rõ đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng Bình Trung trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và tạo điều kiện cho đời sống người dân ngày một phát triển.
Mong rằng, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam sớm có biện pháp giải quyết thấu tình, đạt lý để những tiểu thương tại chợ Kế Xuyên sớm di dời vào nơi buôn bán mới. Có như vậy vừa giúp tiểu thương sớm ổn định cuộc sống, yên tâm buôn bán và tránh việc khiếu kiện kéo dài xảy ra.
M.T