Nhiều trăn trở trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ sáu, 31/07/2015 09:19

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng đã mạnh tay đầu tư xây các thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS), tuy nhiên việc quản lý, vận hành và tổ chức những thiết chế này như thế nào để phát huy được hiệu quả là chuyện còn nhiều trăn trở.

1. Hoàn thành nhiều TCVHCS

Ngày 30-7, Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng đã có cuộc họp với các địa phương để quán triệt công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng và tổ chức hoạt động TCVHCS. Ông Lê Đức Hoàng - Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở VH-TT&DL) cho biết, những tháng đầu năm đã có 6 khu vui chơi giải trí hoạt động hiệu quả được tiếp tục đầu tư gồm phường Thanh Bình, Hòa Thuận Tây, Thuận Phước, Hòa Cường Bắc, Nại Hiên Đông, Khuê Trung. Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư và điều hành dự án với tổng mức đầu tư là hơn 4 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2013 là 3 tỷ đồng.

Đến nay, các hạng mục công trình đã triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng. 11 khu vui chơi hoạt động không hiệu quả được đề xuất chuyển đổi công năng thành trung tâm văn hóa thể thao, trong đó có 6 phường gồm An Khê, Xuân Hà, Hòa Khê, Chính Gián, Hòa Khánh Nam, An Hải Đông đã được triển khai thi công và hoàn thành. Riêng với công trình Trung tâm văn hóa P. Vĩnh Trung do có ý kiến của địa phương về việc xã hội hóa nhà khung hiện trạng để cho câu lạc bộ bóng bàn người khuyết tật thành phố tập luyện nên chưa triển khai thực hiện. Với những công trình trên, UBND TP giao cho Sở VH-TT&DL điều hành dự án với tổng mức đầu tư là 4,8 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2015 là 3,7 tỷ đồng. 4 phường còn lại là Thọ Quang, An Hải Bắc, Hòa Thọ Tây, Hòa Quý có mức đầu tư là hơn 6,4 tỷ đồng, kế hoạch vốn 2015 là 5 tỷ đồng. Dự kiến những công trình này sẽ được triển khai thực hiện và hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Ngoài ra, 8 khu vui chơi giải trí chuyển đổi công năng thành công viên, vườn dạo kết hợp thể thao đơn giản gồm phường Bình Thuận, Hải Châu 1, Thạc Gián, An Hải Tây, Mân Thái, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Ninh với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2015 là 5 tỷ đồng. Các khu này UBND TP giao cho Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) điều hành dự án. Dự kiến các công trình  sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 năm nay. Như vậy trong năm 2015 ngành văn hóa đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo 12/17 khu vui chơi giải trí, 5 khu còn lại sẽ hoàn thành cuối năm nay.

2. Quản lý TCVHCS ra sao?

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều TCVHCS có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Tuy nhiên, để TCVHCS hoạt động đúng nghĩa còn nảy sinh nhiều vấn đề. Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng phải bàn giao cho UBND các xã, phường quản lý tài sản, kiến trúc, thiết bị vui chơi của các khu vui chơi giải trí. Về tổ chức bộ máy thì giao cho UBND các quận, huyện thành lập bộ máy quản lý Trung tâm văn hóa- thể thao xã, phường.

Theo đó, phó chủ tịch xã, phường sẽ là chủ nhiệm Trung tâm văn hóa thể thao ở địa phương, phó chủ nhiệm là công chức phụ trách văn hóa – xã hội tại địa phương kiêm nhiệm, riêng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ không chuyên trách sẽ tùy theo điều kiện thực tế mà mỗi địa phương bố trí, nhưng không quá 3 người. Để phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí bảo dưỡng các trang thiết bị cho Trung tâm văn hóa – thể thao xã, phường, UBND TP đã quyết định bố trí kinh phí hoạt động cho các TCVHCS tại các xã, phường là 25 triệu đồng/ phường, xã/năm. Kinh phí này được bố trí trong dự toán ngân sách xã, phường hàng năm, bắt đầu từ năm 2015. Như vậy trong năm 2015 dự toán kinh phí bố trí cho các TCVHCS xã, phường là 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, kinh phí đó còn quá ít để trung tâm văn hóa, thể thao các phường, xã hoạt động. Ông Nguyễn Đắc Xứng- Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà nhìn nhận: “Việc trả lương một năm cho một người bảo vệ, quản lý các TCVHCS cũng đã gần hết nửa số tiền 25 triệu đồng, vì vậy tôi cho rằng cần tăng kinh phí hoạt động các trung tâm văn hóa, thể thao ở các xã, phường”.

Không chỉ có con người và kinh phí hoạt động, việc kêu gọi xã hội hóa ở TCVHCS cũng là điều nan giải. Đại diện P.  An Hải Đông (Q.  Sơn Trà) cho biết, trung tâm văn hóa trên địa bàn phường đã kêu gọi được nhiều đơn vị vào đây đầu tư, kinh doanh các dịch vụ văn hóa. Việc xã hội hóa này đã mang lại nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho TCVHCS của phường. Tuy nhiên việc này cũng gặp phản ứng không ít của người dân. “Người dân cho rằng TCVHCS là để dành cho người dân vui chơi, xã hội hóa sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng thụ văn hóa của dân, vì vậy mà kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn”. Nói về việc vận hành, quản lý các TCVHCS, ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng đã có nhiều bài học đau lòng, khi thời gian trước nhiều TCVHCS đã không phát huy được hiệu quả, xuống cấp và gây lãng phí. “Đó là bài học kinh nghiệm cho chúng ta. Thành phố đã đầu tư rất lớn cho TCVHCS với mong muốn người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, nếu chúng ta không tăng cường quản lý, tổ chức một cách khoa học, bài bản thì sẽ không phát huy được hiệu quả các TCVHCS. Các xã, phường cũng cần kêu gọi xã hội hóa vào đầu tư, xây dựng các TCVHCS, bởi chỉ với nguồn lực của Nhà nước thì khó để hoàn thiện các TCVHCS” - ông Chiến nói.

H. Anh