Nhiều trẻ em và người già mắc bệnh do lạnh kéo dài

Thứ sáu, 22/12/2017 10:47

Thời tiết tại Đà Nẵng những ngày qua liên tục giá lạnh khiến sức khỏe nhiều trẻ em và người già bị ảnh hưởng. Số lượng trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi, ho, tiêu chảy... gia tăng.

Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám và điều trị.

Cảnh giác với bệnh mùa lạnh

Theo BS Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng), thời tiết thất thường, mưa lạnh kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp, bệnh tiêu hóa, cúm gia cầm (H5N1, H7N9), thủy đậu, sởi, quai bị, tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ... gia tăng. Chính vì vậy, để phòng chống bệnh hiệu quả, ngoài việc giữ ấm cơ thể, ăn chín uống sôi, vệ sinh thân thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, người dân cần chủ động tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ hiện có.

Sáng sớm 21-12, có mặt tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận đã có lượng lớn phụ huynh đưa con em đến để thăm khám và theo dõi. Được biết, trong thời gian gần đây, mỗi ngày BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận hơn 1.000 trẻ tới khám, điều trị. Tuy chưa tăng đột biến song nếu chỉ tính riêng những trẻ nhỏ mắc các bệnh do thời tiết như viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, sốt xuất huyết, tay chân miệng... thì lượng bệnh nhi khám đã bắt đầu tăng. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn Đà Nẵng cũng gia tăng số trẻ em đến khám, điều trị các bệnh mùa lạnh.

Bs.Ck Lê Thanh Cẩm - Khoa Khám bệnh (BV Phụ sản - Nhi) cho biết, nếu thời tiết tại Đà Nẵng tiếp tục giá lạnh trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám chắc chắn sẽ tăng cao. Những ngày qua, đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp (viêm mũi, họng, phế quản, phổi...) và tiêu chảy do thời tiết giá lạnh. Theo Bs Cẩm, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ mắc bệnh nhất khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Biểu hiện thường gặp của trẻ khi đến khám là có thể buổi tối vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa tốt nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp, đến sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè...

Không chỉ trẻ em mà trong thời tiết giá lạnh kéo dài như hiện nay, bệnh nhân là người cao tuổi phải nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Trong đó, nhiều nhất là bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Nguy cơ đột qụy  ở người mắc bệnh tim mạch trong thời tiết giá lạnh cũng cao hơn… Theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng gì BV Đà Nẵng mà những ngày qua, hầu hết các Trung tâm y tế quận, huyện và phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố đều có số lượng bệnh nhân lớn tuổi đến khám tăng cao. Theo các bác sĩ, bệnh nhân chủ yếu là các cụ trên 70 tuổi, bị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phổi, xương khớp... Thời tiết lạnh có thể gây ra các đợt cấp của bệnh mạn tính ở người già. Vì thế, nếu không chú ý phòng bệnh từ xa và được cấp cứu, điều trị kịp thời, tính mạng nhiều cụ sẽ bị đe dọa.

Tăng cường phòng bệnh

Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong thời tiết giá rét, Bs Lê Thanh Cẩm khuyến cáo, điều quan trọng nhất là phải chú ý giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc đi ra ngoài và cho trẻ ăn chín, uống sôi. Nên cho trẻ vui chơi nơi kín gió, chú ý môi trường thông thoáng đề phòng virus gây bệnh hô hấp phát tác. Không nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời dưới 20 độ C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá. Thực tế cho thấy, vì trời lạnh, nhiều phụ huynh có tâm lý ngại đưa con đi khám, thường tự điều trị ở nhà, khi bệnh không đỡ mới cho trẻ tới bệnh viện, dẫn tới nhiều trẻ nhập viện ở giai đoạn muộn, bị lạm dụng nhiều thuốc, nhất là kháng sinh.

"Có nhiều trẻ viêm phổi nhập viện do bị… ủ ấm quá mức, mồ hôi ra nhiều và thấm ngược trở lại khiến trẻ bị lạnh và phát bệnh. Vì thế, điều quan trọng là cần chú ý để trẻ mặc quần áo ấm hợp lý, nếu trẻ chơi đùa nhiều thì cần kiểm tra, lau khô mồ hôi, thay quần áo ướt hoặc cởi bớt quần áo cho trẻ. Ban đêm, có thể dùng "mẹo" mặc áo ngược để nếu trẻ có đạp chăn ra thì vẫn được giữ ấm phần ngực, bụng, còn phần lưng khô thoáng, không đổ mồ hôi. Ngoài ra, có thể kiểm tra bằng cách nắm hai tay trẻ, nếu thấy ấm tức là cơ thể trẻ đủ ấm", Bs Cẩm khuyến cáo.

Thời tiết không phải là căn nguyên gây các biến chứng ở người bệnh cao huyết áp, nhưng là yếu tố khiến mạch máu co lại, huyết áp tăng và các biến chứng xuất hiện. Các bệnh nhân phình tắc động mạch chủ sẽ có biểu hiện cây động mạch chủ bị xé, nếu vết xé lớn bệnh nhân có thể tử vong, trường hợp nhẹ hơn có thể đột qụy hoặc hôn mê. Do đó, trong những ngày trời rét, người bệnh cao huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi, cần chú ý giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nên uống nước ấm để phòng bệnh. Cơ thể người già khó lấy lại được trạng thái cân bằng, dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp khi gặp thời tiết lạnh đột ngột. Do đó, để phòng bệnh, điều quan trọng nhất là cần giữ ấm cơ thể, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu. Đặc biệt, nhiệt độ ban đêm thường xuống rất thấp, nhiều cụ bị viêm đường hô hấp trên do không đủ ấm khi ngủ. Khi ngủ dậy, các cụ cần chú ý mặc đủ ấm trước khi ra khỏi giường. Các cụ bị bệnh mạn tính thì càng nên chú ý theo dõi sức khỏe, uống thuốc định kỳ và đề phòng ảnh hưởng do thời tiết lạnh.  

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để phòng bệnh là điều rất quan trọng mà các chuyên gia đều khuyến cáo. Để làm được điều đó, ngoài ăn uống đủ chất, năng vận động thân thể, thì vào những ngày lạnh này, người dân nên tăng cường calo vào khẩu phần hằng ngày bằng cách ăn thêm chất béo như dầu, mỡ, bơ, vừng, lạc... để cung cấp nhiều nhiệt lượng và đừng ngại uống 1,5-2 lít nước/ngày để đảm bảo quá trình chuyển hóa, trao đổi chất bình thường.

LÊ HÙNG