Nhiều trường đại học sử dụng tổ hợp "lạ" để xét tuyển

Thứ sáu, 27/04/2018 12:14

Kỳ tuyển sinh năm 2018 của Đại học (ĐH) Huế, nhiều trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc đã sử dụng tổ hợp môn (THM) "lạ" để xét tuyển. Điều này khiến không ít thí sinh lo ngại khi lần đầu THM "lạ" được các trường áp dụng.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2018 tại Trường ĐH Nông lâm Huế.

Theo ĐH Huế, dù sử dụng THM mới để xét tuyển, các trường vẫn đảm bảo theo quy chế tuyển sinh hiện hành, đó là sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 bài thi Toán hoặc Ngữ văn để xét tuyển, không sử dụng quá 4 tổ hợp môn xét tuyển cho một ngành. Năm nay, Trường ĐH Nông lâm Huế tuyển sinh 24 ngành trình độ ĐH. Ở tất cả các ngành, ngoài các THM truyền thống A00 (Toán - Lý - Hóa) và B00 (Toán - Hóa - Sinh), nhà trường còn áp dụng thêm các THM mới là Văn - Sinh - Địa; Toán - Sinh - Tiếng Anh; Toán - Sinh - Giáo dục Công dân; Văn - Sử - Địa… Một học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu (H. Phú Vang, TT-Huế) chia sẻ, việc nhà trường xét tuyển THM "lạ" so với những năm trước khiến em rất băn khoan.

Ông Trần Võ Văn May, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm Huế khẳng định, cách làm mới này đúng quy định của Bộ GD-ĐT và mang lại lợi ích, đa dạng sự lựa chọn cho thí sinh (TS), đa dạng chuẩn đầu ra. Cụ thể, các THM này nằm trong danh mục THM do Bộ GD-ĐT quy định, trường không tự sáng tạo THM mới. Quá trình đưa THM mới vào xét tuyển năm nay, Hội đồng khoa học và đào tạo các khoa của Trường ĐH Nông lâm Huế đã lấy ý kiến các bên liên quan (doanh nghiệp, Cty sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên đang học tại trường…) và thăm dò nhu cầu xã hội, sau đó thông qua quy trình nhiều bước để nhà trường xét duyệt và trình phương án tuyển sinh lên ĐH Huế.

Một giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế khẳng định, việc áp dụng THM có môn Ngoại ngữ là vì nhu cầu nhân lực hội nhập quốc tế, sinh viên ra trường không chỉ làm việc trong nước mà còn ở nước ngoài. Hiện, nhà trường có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đến trường để tuyển dụng và yêu cầu về ngoại ngữ cao. Trong khi đó, lý do sử dụng các THM có môn Ngữ văn là vì nhu cầu tuyển dụng của nhiều đơn vị cần sinh viên có kiến thức xã hội và các kỹ năng liên quan. "Ngoài kiến thức được đào tạo chuyên sâu ngành học ở giảng đường ĐH, sinh viên có sở trường viết lách, kỹ năng mềm, kiến thức xã hội thì cơ hội đầu ra việc làm tốt hơn. Đây là đòi hỏi của doanh nghiệp và họ đã trao đổi với nhà trường trong các ngày hội tuyển dụng. Chẳng hạn, ngành Nuôi trồng thủy sản, Lâm học xét tuyển tổ hợp các môn Ngữ văn - Sinh học - Địa lý. Sinh học và Địa lý là 2 môn học cần thiết, liên quan đến ngành học nhưng nếu sinh viên có nền tảng về kiến thức xã hội và viết lách tốt thì có thể ứng tuyển các vị trí công việc truyền thông liên quan đến ngành học này", ông May lý giải.

Kỳ tuyển sinh ĐH Huế năm 2018, Trường ĐH Luật sử dụng nhiều THM để xét tuyển. Trong đó, ngành Luật (gồm các chuyên ngành: Luật Hành chính - Nhà nước, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế) sẽ sử dụng THM mới để xét tuyển là: Ngữ văn - Lịch sử - Tiếng Pháp; Ngữ Văn- Tiếng Anh - KHXH. Đối với ngành Luật Kinh tế (gồm các chuyên ngành: Luật Hợp đồng, Luật Tổ chức kinh doanh) sẽ sử dụng THM là: Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục công dân; Ngữ văn - Tiếng Anh - Khoa học tự nhiên. Nói về việc lần đầu tiên Trường ĐH Luật Huế sử dụng nhiều THM mới để xét tuyển, thầy Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Phòng Công tác sinh viên cho biết, trước đây một số tổ hợp cũ xét tuyển, không có TS đăng ký. Vì vậy, nhà trường đã thay đổi THM mới trong xét tuyển vừa đa dạng ngành học vừa đáp ứng nguyện vọng của TS. Cũng theo thầy Kiên, giữa ngành Luật và Luật kinh tế trước đây xét tuyển THM truyền thống thì nay cần phải có các tổ hợp riêng biệt để cho TS có cơ hội lựa chọn. "Đối với một số ngành lần đầu xét tuyển môn Giáo dục công dân là vì nếu thí sinh học Giáo dục công dân tốt thì chắc chắn học ngành Luật sẽ tốt", thầy Kiên khẳng định.

Tương tự, năm nay, Trường ĐH Kinh tế Huế, ĐH Khoa học Huế cũng sử dụng nhiều THM để xét tuyển. Đối với ngành Văn học của Trường ĐH Khoa học Huế có thêm THM là: Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân. Đại diện Ban Tư vấn tuyển sinh của một số trường ĐH cho biết, hiện nay quy chế thi theo THM và TS thí được quyền thi nhiều môn rồi chọn lựa các môn điểm cao để đăng ký xét tuyển. Sau khi có kết quả thi, TS được điều chỉnh nguyện vọng, vì vậy việc áp dụng các THM mới tạo thêm cơ hội cho thí sinh đăng ký xét tuyển. TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho rằng, xu hướng đưa THM mới vào xét tuyển hiện nay được nhiều trường ĐH trên cả nước áp dụng. Quy trình để bổ sung THM mới phải qua hội đồng khoa học, có quá trình phản biện, sau đó đưa lên ĐH Huế xét duyệt phương án tuyển sinh. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các tổ hợp môn thi mới không lấy quá 75% chỉ tiêu của ngành, như vậy sẽ có ít nhất 25% chỉ tiêu dành cho các tổ hợp truyền thống.

Một số chuyên gia cho rằng, theo quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ của Bộ GD-ĐT, năm nay, các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trừ ngành đào tạo giáo viên. Vì được tự chủ, nhiều trường đã bổ sung phương thức, THM xét tuyển mới để TS có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề. Thế nhưng, từ sự tự chủ này, mùa tuyển sinh 2018, nhiều trường trên cả nước đã xuất hiện những nghịch lý, với những trường hợp "lạ lùng" chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh từ trước đến nay, đó là khối ngành kế toán, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, kỹ thuật... được xét tuyển bằng tổ hợp môn khoa học xã hội; hay các ngành thuộc lĩnh vực xã hội lại tuyển sinh bằng tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Vì vậy, TS khi nộp đơn vào các ngành xét tuyển THM phải hết sức cân nhắc và cần có sự lựa chọn kỹ càng.

H. LAN