Nhiều vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ

Thứ hai, 11/11/2019 16:45

Những năm qua, các địa phương và ngành chức năng tỉnh Bình Định có nhiều cố gắng trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên thực tế, công tác này vẫn còn một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Đến nay, nhiều địa phương chưa đo đạc bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nên khi thực hiện cấp sổ đỏ cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Vừa chậm trễ vừa lúng túng

Theo thống kê của Sở TN-MT Bình Định, từ 1-7-2014 đến 30-6-2019, toàn tỉnh tiếp nhận 52.135 hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ thuộc nhóm đất nông nghiệp; đã giải quyết 52.110 hồ sơ, chưa giải quyết 25 hồ sơ. Trong đó, 51.012 hồ sơ giải quyết đúng hẹn, đạt tỷ lệ gần 98%; hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 1.098, chiếm tỷ lệ hơn 2%. Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, toàn tỉnh tiếp nhận 94.210 hồ sơ; đã giải quyết 90.437 hồ sơ, chưa giải quyết 3.773 hồ sơ. Trong đó, 79.798 hồ sơ giải quyết đúng hẹn, đạt tỷ lệ hơn 88%; 10.639 hồ sơ giải quyết trễ hẹn, chiếm tỷ lệ gần 12%.

Kết quả này cho thấy, dù chiếm tỷ lệ không cao, nhưng tình trạng cấp sổ đỏ trễ hẹn vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, trong thực tế, còn rất nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, có nhu cầu làm sổ đỏ nhưng chưa thể thực hiện. Đơn cử, nhiều hộ gia đình, cá nhân ở P. Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) sử dụng đất có nguồn gốc do trước kia một số cơ quan, đơn vị tự giao để xây dựng nhà ở. Những trường hợp này thuộc diện giao đất không đúng thẩm quyền nên dù người dân đã sử dụng trong thời gian dài nhưng chưa thể làm sổ đỏ. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình ở các xã ven biển như Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng chưa được cấp sổ đỏ do chưa có sự thống nhất về các loại quy hoạch giữa Luật Đất đai và Luật Đê điều.

Hay tại H. Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn, trước kia, nhiều hộ gia đình được cân đối giao quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ có diện tích đất ở trên 500 m2. Hiện nay, nhiều trường hợp đề nghị cấp sổ đỏ đúng diện tích đất ở đã được cân đối giao quyền trước đây. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, hạn mức giao đất ở tại 2 địa phương này không quá 300 m2 nên cấp thẩm quyền không thể giải quyết. Còn trên địa bàn H. Hoài Ân, gần 300 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định và có tên trong sổ địa chính lập năm 1997 nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Bởi theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân được cấp sổ đỏ phải có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15-10-1993.

Ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TN-MT Bình Định cho biết: Đến nay, 6/11 địa phương trong tỉnh là TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các H. Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Hoài Nhơn chưa đo đạc bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nên khi thực hiện cấp sổ đỏ cho người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận thời kỳ trước đây chưa gắn liền với việc cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai nên hồ sơ không thống nhất. Việc áp dụng hạn mức giao đất, hạn mức công nhận trong thực hiện cấp sổ đỏ còn nhiều lúng túng do pháp luật về đất đai chưa hướng dẫn cụ thể để phù hợp thực tiễn tại địa phương.

Cần sớm tháo gỡ

Tại đợt giám sát của Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Định về thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên lĩnh vực cấp sổ đỏ mới đây, đại diện Sở TN-MT Bình Định và chính quyền một số địa phương thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp sổ đỏ trễ hẹn. Trong đó, nguyên nhân từ phía người sử dụng đất như chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc hồ sơ thiếu giấy tờ về pháp lý. Nguyên nhân từ ngành chức năng như cơ quan thuế chậm xác định nghĩa vụ tài chính; UBND cấp xã, phường xác định nguồn gốc đất chậm, không rõ ràng; cơ quan trực tiếp giải quyết hồ sơ đất đai chậm trễ. Bên cạnh đó, đại diện các địa phương đề nghị các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương sớm tháo gỡ những vướng mắc trên lĩnh vực cấp sổ đỏ.

Ông Lê Anh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn kiến nghị: Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (thuộc Sở TN-MT Bình Định) cần sớm tham mưu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo giải quyết các trường hợp có nguồn gốc đất giao không đúng thẩm quyền đang tồn tại ở P. Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Trung ương cần thống nhất về các loại quy hoạch giữa các ngành luật (Luật Đất đai, Luật Đê điều) để sớm cấp sổ đỏ cho người dân xã Nhơn Lý, Nhơn Hải. Còn ông Hoàng Phi Long - Chủ tịch UBND H. Hoài Ân đề nghị: Trung ương cần sửa đổi điểm b, khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 để hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định và có tên trong sổ địa chính lập năm 1997 được cấp sổ đỏ. Hoặc có văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho các trường hợp đã có tên trong sổ địa chính lưu 3 cấp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, thời gian tới, Sở sẽ đầu tư kinh phí thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại một số địa phương. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp sổ đỏ, nhất là việc kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa các cơ quan phối hợp (UBND các cấp, cơ quan thuế). Tiếp tục cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao hiệu quả phối hợp giữa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định với các phòng chuyên môn và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhằm giải quyết tốt hơn việc cấp sổ đỏ cho người dân. Đồng thời, đề nghị Bộ TN-MT có văn bản hướng dẫn giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc về chính sách pháp luật đất đai đã được UBND tỉnh Bình Định phản ánh thời gian qua.

D.MINH