Nhiều ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho thấy: Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã tiếp tục tham vấn các chuyên gia trong nước, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức hữu quan để nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật.
Đối với việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp nhiều ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng mục tiêu là phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng nên giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) liên quan đến công nhân và người lao động- nguồn nhân lực của Việt Nam, liên quan đến sự ổn định chính trị nên cần hết sức thận trọng. Đối với việc tăng giờ làm thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên quy định trong dự luật là tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm. Nếu có quy định này tức là hạn chế sự tiến bộ, đi ngược lại xu thế phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng của thế giới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nội dung này vẫn sẽ được trình ra Quốc hội theo hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
HẠNH QUỲNH