Nhìn lại các khu công nghiệp Đà Nẵng (Bài 1: Lãng phí và lạc hậu)

Thứ bảy, 24/03/2018 15:00

Với lợi thế địa lý, giao thông, Đà Nẵng là một trong các địa phương tiên phong phát triển các khu công nghiệp (KCN) từ hơn 20 năm trước, từng được đánh giá là một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, lao động của TP. Đã có thời kỳ, sản phẩm công nghiệp từ Đà Nẵng được cả nước biết đến, nhưng rồi công nghiệp Đà Nẵng (CNĐN) ngày càng tụt hậu so với sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Nhìn bức tranh CNĐN hiện nay nhiều người chạnh lòng khi phần lớn hàng hóa tiêu dùng phải nhập khẩu từ nơi khác. Vì đâu lại như vậy?

Đất trống trong các KCN còn nhiều.

TS Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết, tốc độ phát triển CNĐN chậm hơn so với các địa phương khác do Đà Nẵng không tập trung phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Phần lớn các ngành công nghiệp của Đà Nẵng có trình độ công nghệ thấp và trung bình thấp, khả năng tạo ra giá trị gia tăng không cao. Theo phân loại, trong 32 ngành công nghiệp cấp 2 của Đà Nẵng có 11 ngành công nghệ bậc thấp, 14 ngành công nghệ bậc trung bình thấp, chỉ có 5 ngành công nghệ bậc trung bình cao. Theo ông Phạm Việt Hùng - Trưởng BQL KCN&CX Đà Nẵng, hiện TP có 6 KCN đang hoạt động với diện tích đất quy hoạch hơn 1 ngàn ha, sử dụng hơn 74,3 ngàn lao động. Trong số đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê hơn 681 ha, diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê gần 130 ha. Hiện 6 KCN của Đà Nẵng có 470 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 1,81 tỷ USD (vốn FDI hơn 1,1 tỷ USD). Ông Hùng nhìn nhận, quỹ đất các KCN còn không nhiều, lại phân tán; cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ nhất là giao thông nội bộ; khoảng cách cách ly với khu dân cư chưa phù hợp; các KCN chỉ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, hạ tầng xã hội.

Một tồn tại khác của các KCN ở Đà Nẵng hiện nay là phần lớn các dự án đầu tư vào KCN là các dự án có quy mô nhỏ, vốn ít, lại chủ yếu là các dự án gia công, lắp ráp, vì vậy tác động chuyển giao công nghệ nguồn chưa cao, tác động lan tỏa và khả năng kết nối giữa doanh nghiệp (DN) FDI và trong nước còn thấp, ít dự án làm công nghiệp hỗ trợ. Nhìn nhận tổng quan, mô hình KCN Đà Nẵng chưa phát triển chuyên sâu và hiệu quả hoạt động đang bộc lộ nhiều hạn chế. Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, nguyên nhân những bất cập trên vì Đà Nẵng, miền Trung có thị trường quy mô nhỏ, sức tiêu thụ không lớn, mức thu nhập của người dân còn thấp. Các DN đầu tư vào KCN chủ yếu là DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không mạnh, sức cạnh tranh của sản phẩm không cao, công nghiệp hỗ trợ lại kém phát triển. Mặt khác, tại các KCN, quỹ đất còn không nhiều, lại phân tán từng mảnh nên có hạn chế việc nhà đầu tư muốn thuê lại một số lô đất lớn để thực hiện dự án. Ông Phạm Việt Hùng cho biết, qua rà soát, các lô đất trống còn lại chưa cho thuê trong các KCN là hơn 116 ha, trong đó diện tích đất chưa có hạ tầng trong một số KCN còn lớn. Chẳng hạn KCN Liên Chiểu còn hơn 28 ha đất chưa có hạ tầng. Ngoài ra, trong các KCN hiện có 12 dự án hoạt động không hiệu quả (chủ yếu ở KCN Hòa Khánh). Các dự án này nợ tiền thuê lại đất, tiền sử dụng hạ tầng lớn, kéo dài nhiều năm khiến Cty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng đang làm thủ tục khởi kiện để thu hồi nợ.

Xóm trọ, chợ tạm của công nhân ngay cổng vào KCN Hòa Cầm.

Nhìn tổng thể về quy hoạch các KCN, sử dụng đất trong các KCN hiện nay, theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng là bất hợp lý và lãng phí. Ông Hùng nói, KCN Thọ Quang hiện nay hoàn toàn sai về mặt vị trí vì nằm đầu hướng gió, KCN Hòa Cầm nằm đầu nguồn nước nhà máy nước sông Cầu Đỏ, KCN Hòa Khánh hiện nằm gọn trong khu đô thị. Việc quản lý, quy hoạch, sắp xếp trong các KCN cũng có vấn đề. Đúng ra phải có quy chuẩn cụ thể lô đất diện tích bao nhiêu, phân bổ ngành nghề, lĩnh vực sản xuất liền kề phù hợp, theo tính chất, mức độ độc hại... Tuy nhiên, các KCN hiện chia lô lớn nhỏ không đồng đều, có dự án chỉ 3 ngàn m2, việc sắp xếp rất lộn xộn, không ra dáng dấp tổng thể một KCN. Chưa kể, tình trạng sử dụng đất trong các KCN hiện rất lãng phí. Ông Hùng dẫn chứng, các KCN Hòa Cầm, Hòa Khánh phần xây dựng nhà xưởng để sản xuất rất ít, phần lớn diện tích dành cho kho bãi. Trong khi để đầu tư hạ tầng KCN phục vụ sản xuất chi phí bỏ ra rất lớn so với đầu tư hạ tầng làm kho bãi. “Trong KCN hiện vẫn tồn tại những cơ sở nấu luyện thép gây ô nhiễm. Trong khi khu dân cư, kể cả trường học nằm xen kẽ, ngay kề KCN”- ông Hùng nhấn mạnh.

Vẫn còn các cơ sở sản xuất thép gây ô nhiễm trong các KCN.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, các KCN ở Đà Nẵng phần lớn xây dựng trước năm 2000, có những tồn tại của lịch sử để lại. Hồi đó, ai nghĩ Đà Nẵng phát triển du lịch, mà chỉ nghĩ công nghiệp. TP bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng phát triển các KCN, ồ ạt thu hút các DN, dự án đưa vào KCN mà không tính đến các yếu tố về môi trường, ngành nghề, giá trị gia tăng, kể cả việc quản lý, khai thác đất trong các KCN cũng chưa hiệu quả. Qua thời gian, những bất cập về môi trường, giá trị gia tăng, hiệu quả sử dụng đất... dần bộc lộ, TP phải từng bước khắc phục. Bây giờ nhìn lại, các DN gây ô nhiễm, kém hiệu quả muốn giải quyết nhưng động vào DN nào cũng vướng. Như các DN sản xuất thép, giấy, DN nào cũng còn thời hạn tới 40, 50 năm, giải quyết rất vất vả.

Tuy vậy, ông Thơ cho rằng, khó mấy cũng phải giải quyết, từng bước một sẽ khắc phục tồn tại, chuyển đổi để TP có một nền công nghiệp hiện đại, bền vững.

HẢI QUỲNH