Nhìn lại mảng văn học thiếu nhi Đà Nẵng

Thứ năm, 13/08/2015 09:23

(Cadn.com.vn) - Đánh giá mảng văn học thiếu nhi (VHTN) của TP Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội nhà văn Đà Nẵng cho rằng: "Có thể nói trong nhiều năm qua, Đà Nẵng có một đội ngũ khá mạnh chuyên viết về thiếu nhi, nhưng thực sự không được chú ý như hai đầu đất nước là do những mặt khách quan như khâu in ấn còn gặp quá nhiều khó khăn, khâu quảng bá còn nhiều hạn chế... Bên cạnh đó, còn là tình trạng chung của hoạt động văn học thiếu nhi cả nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng thừa nhận, mấy năm nay đội ngũ viết cho thiếu nhi không giảm, nhưng in ở đâu mới là vấn đề. Vì thế giải pháp cấp thiết hiện nay là phải quy hoạch lại, phải có sự liên kết với các NXB. Hiện Hội Nhà văn VN đang khôi phục lại Ban VHTN và đang đề nghị xuất bản tờ VHTN nhưng rất khó và chúng tôi vẫn đang chờ đợi".

Tại một cuộc gặp gỡ vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội nhà văn Đà Nẵng
phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức.

Nhà văn Bùi Tự Lực, một trong những tác giả viết cho các em khá sung sức, bày tỏ: "Viết văn để bạn đọc chấp nhận được đã khó, viết cho thiếu nhi càng khó hơn nhiều, bởi các em là lớp bạn đọc rất trong sáng, hồn nhiên, vô tư, những tâm hồn rất nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng; vì vậy đòi hỏi tác phẩm cho các em không cầu kì trong ngôn ngữ, không phức tạp trong tình tiết, tất cả phải ngắn gọn dễ hiểu, nhưng yêu cầu giá trị thẩm mĩ và tính nhân văn phải cao. Người lớn đọc truyện có khả năng tự nhận thức và điều chỉnh, có khi còn "tự sửa sai" cho tác giả; còn các em rất thơ ngây và tin vào người lớn, các nhà văn và tác phẩm là thần tượng của tâm hồn các em. Các nhà văn viết một cái gì sai cho các em là coi như "chết chữ" rất khó sửa. Tuổi niên thiếu trong veo nhưng khá ngắn so với một đời người, là hồi ức rất xa xăm; cuộc sống quanh ta cuộn chảy như sông, gập ghềnh như thác; vốn sống của các nhà văn nhiều nhưng có thể vốn cóp nhặt về tuổi thơ ít quá, nên nhiều khi các nhà văn cảm thấy đuối sức trước yêu cầu đọc của các em".

Nhà văn Bùi Tự Lực cũng là một trong những người góp phần nỗ lực dành nhiều thời gian quảng bá VHTN đến với các trường học tại Đà Nẵng qua các hình thức giao lưu, giới thiệu tác giả - tác phẩm... Ông nói: "Là tác giả VHTN, tôi nhận thấy mình còn nợ với các em nhiều lắm và đang có nhiều dự định. Hiện tại tôi đang hoàn chỉnh tập truyện ngắn viết về con chó, con chim... các con vật đáng yêu của các em và tập truyện vừa viết cho cậu con trai đã đi xa ba mẹ từ dạo ấy".   Trong khi đó, Nguyễn Thái Phi, tác giả tập sách Lung linh tuổi thơ  (NXB Văn Học, 2014) vừa ra mắt gần đây  nhận định: "Theo quan sát của tôi, hiện nay VHTN rất phong phú.

Dạo các nhà sách thấy đủ các loại từ sách gối đầu giường rất xa xưa như Những tấm lòng cao cả, Túp lều của bác Tom... cho đến thể loại sách mới mang tính trào lưu bây giờ là những tập truyện tranh nhiều tập trong và ngoài nước. Nhưng xu hướng là các cháu ít thích văn xuôi mà thích truyện tranh do nội dung dễ hiểu, tranh vẽ thú vị và ấn tượng. Thực sự tôi cũng thấy truyện tranh rất thú vị, tuy vậy, theo trào lưu này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt cảm xúc cũng như việc học môn văn của các cháu do truyện tranh ít có tính văn học. Hiện nay học sinh học môn văn rất vất vả và phần lớn là không thích môn học này. Tôi nghĩ nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là nên tìm hiểu và quan tâm hướng dẫn cho các cháu đọc hài hòa giữa các thể loại của mảng VHTN rất phong phú hiện nay thì các cháu mới phát triển khả năng tư duy văn học cũng như thỏa mãn nhu cầu giải trí được...". Dù vậy, nói về dự tính của mình trong thời gian đến, Nguyễn Thái Phi cho biết: "Tuổi thơ luôn đáng yêu nên tôi vẫn đang ấp ủ sẽ viết ra những câu chuyện thú vị của tuổi thơ mình như một cách được trò chuyện với các cháu ở lứa tuổi mình ngày xưa và cũng như để tâm hồn mình mãi được trẻ thơ vậy...".

Cũng trong một cuộc hội thảo về VHTN cách đây vài tháng, nhà văn Trung Trung Đỉnh khẳng định:  "Đúng là dăm mười năm nay mảng văn học cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi của các nhà văn VN rất yếu. Yếu cả về số lượng và chất lượng. Các nhà văn không theo kịp nhịp điệu phát triển chung của tiến bộ xã hội, hay nói đúng hơn là sự thay đổi của xã hội. Một số nhà văn viết cho thiếu nhi mà tư duy vẫn y như cũ, nghĩa là vẫn câu chuyện về bác gà trống choai, anh dế trũi, cô bồ câu... Trong khi đó, con cháu chúng ta lớn lên trong một môi trường xã hội hoàn toàn mới, tư duy cũng thay đổi, nhu cầu hưởng thụ khác xa với cha mẹ... Vì thế lớp nhà văn quan tâm việc viết cho thiếu nhi yếu dần đi. Cố cũng khó được".

Trở lại với tình hình hoạt động thực tế về VHTN của thành phố Đà Nẵng, nhìn chung, sự quan tâm vấn đề này mới chỉ là bề nổi và dừng lại ở những hội nghị, hội thảo, tổng kết. Mặc dù, mỗi năm Hội nhà văn Đà Nẵng phối hợp với ngành giáo dục vẫn duy trì đều đặn Trại sáng tác hè dành cho các em tạo được tiếng vang tốt, nhưng ở lĩnh vực viết về thiếu nhi hầu như không có một Trại sáng tác nào để cho các nhà văn tham gia. Cần lưu ý, nhiều năm liền, Hội nhà văn và Nhà xuất bản Đà Nẵng có chủ trương ấn hành một tuyển tập sáng tác của 6 tác giả điển hình về VHTN (gồm: Thanh Quế, Quế Hương, Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng, Trần Kỳ Trung, Nguyễn Kim Huy), nhưng kết quả chỉ nằm lẩn quẩn trên các văn bản báo cáo dự kiến hàng năm, vì không xoay xở nổi khoản kinh phí ưu tiên dành cho mảng sáng tác này.

Rõ ràng đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động. Những người có trách nhiệm với văn học địa phương  cần phải đưa ra những kế sách thiết thực cụ thể để thúc đẩy tạo ra một phong trào viết cho thiếu nhi hiệu quả, có tính thiết thực và lâu dài. Làm được như vậy thì mới có sức thu hút, thay đổi suy nghĩ của nhiều cây bút tiềm năng đầu tư hẳn vào mảng đề tài này. Phải có nhiều người sáng tác, nhiều ấn phẩm viết về thiếu nhi, thì mới hy vọng trong năm mười tác phẩm sẽ tìm được một tác phẩm hay dành cho các em. Chuyện nghe không khó, nhưng làm không dễ. Bởi chúng ta có quyết làm hay không? Và bao giờ làm?

Trần Trung Sáng