Nhìn lại năm phục hồi tăng trưởng kinh tế

Thứ bảy, 04/12/2021 11:54

Năm 2021 kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 0,11% (không âm) trong điều kiện phải gồng mình đối phó với đại dịch COVID- 19 từ tháng 5 đến nay cho thấy 91 nhiệm vụ thực hiện chủ đề “Năm khôi phục tăng trưởng kinh tế” đã mang lại hiệu quả nhất định.

Đối diện với nhiều thách thức lớn của dịch bệnh, Đà Nẵng đã chủ động, triển khai nhiều giải pháp linh hoạt ứng phó (ảnh minh họa).

Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID- 19 khiến nền kinh tế phụ   thuộc nhiều vào dịch vụ (60%) của Đà Nẵng tăng trưởng âm 7,9% vào năm trước. Năm nay, đại dịch còn diễn biến phức tạp hơn, có thời điểm toàn TP phải tạm dừng tất cả các hoạt động để chống dịch, vì vậy không tăng trưởng âm đã là một nỗ lực lớn của TP. Theo thống kê, quy mô GRDP của Đà Nẵng năm nay đạt khoảng 105 ngàn tỷ đồng, 7/10 chỉ tiêu kinh tế không đạt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, khu vực dịch vụ chỉ tăng 1,18% (kế hoạch 5-6%) do doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm hơn 43%; vận tải, kho bãi giảm 7,3% (TP dừng hoạt động các tuyến xe buýt, vận chuyển hành khách bằng ô-tô, xe du lịch, taxi…). Tương tự, khu vực công nghiệp-xây dựng kế hoạch tăng 6-7% nhưng lại tăng trưởng âm hơn 2%. Lý do vì các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ hoạt động 30-50% công suất, thực hiện “3 tại chỗ”; các công trình xây dựng tạm ngừng thi công 1 tháng trong thời điểm đỉnh dịch. Từ tháng 10-2021, các doanh nghiệp nỗ lực khôi phục sản xuất song vẫn gặp nhiều có khăn do thiếu lao động, thiếu nguyên nhiên vật liệu, khó khăn về tài chính. Chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng nổi bật nhất của Đà Nẵng năm qua là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đạt hơn 1,75 tỷ USD, tăng 12% trong khi kế hoạch tăng từ 6-7%. Nguyên nhân các doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu đơn hàng tồn trong năm, có kế hoạch sản xuất thích ứng với điều kiện kinh doanh mới và nhu cầu thị trường.

Đối diện với nhiều thách thức lớn của dịch bệnh, Đà Nẵng đã chủ động, triển khai nhiều giải pháp linh hoạt ứng phó. Bên cạnh nâng cao năng lực phòng chống dịch, TP đã tập trung cho an sinh xã hội, chi gần 2.600 tỷ đồng chống dịch, trong đó gần 800 tỷ đồng hỗ trợ người dân khó khăn. Việc chống dịch, lo an sinh tốt đã tạo ổn định để triển khai các giải pháp duy trì phát triển kinh tế. Trong đó, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng thực hiện chủ đề năm phục hồi tăng trưởng kinh tế. TP đã triển khai nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư trực tuyến, công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP, phê duyệt điều chỉnh Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025 với 57 dự án trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại…

Ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 1,18% so với kế hoạch 5-6%.

Đặc biệt, vào cuối tháng 9, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là thời điểm TP vừa trải qua thời gian giãn cách, tạm dừng tất cả các hoạt động chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh, đòi hỏi TP phải có giải pháp linh hoạt ứng phó, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. Từ hội nghị, lãnh đạo TP đã lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, triển khai ngay cam kết hỗ trợ. Cụ thể, triển khai ngay cam kết tăng cường tiêm vaccine cho lao động trong doanh nghiệp, ban hành kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, giảm lãi suất ngân hàng từ 0,5-1,5%, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021… Những phản ứng linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp cải thiện môi trường đầu tư TP tốt hơn. Kết quả, trong năm 2021 TP thu hút được 22 dự án đầu tư trong nước tổng vốn hơn 4,6 ngàn tỷ đồng, cấp mới 34 dự án FDI tổng vốn gần 150 triệu USD, cấp mới đăng ký kinh doanh cho hơn 3,2 ngàn doanh nghiệp tổng vốn hơn 15,3 ngàn tỷ đồng. 

Để triển khai có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Đà Nẵng đã lập Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ban này gồm 2 tổ công tác đặc biệt được thành lập mới gồm Tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và Tổ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hai tổ cũ được nhập vào Ban gồm Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng; Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn. Ban này sẽ xử lý nhanh những vướng mắc, đưa ra kịch bản linh hoạt phục hồi kinh tế do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. 

Ngoài các giải pháp điều hành linh hoạt, Đà Nẵng cũng thúc đẩy giải ngân đầu tư công ấn tượng, góp phần phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Tính đến hết tháng 11-2021, TP đã giải ngân đầu tư công hơn 5,7 ngàn tỷ đồng, đạt 70,5% kế hoạch. Đây là kết quả tích cực, đạt mức cao so với nhiều địa phương khách trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều dự án trọng điểm, có tỷ lệ giải ngân vốn ấn tượng như nhà máy nước Hòa Liên, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, vườn tượng APEC mở rộng, đường và cầu qua sông Cổ Cò, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Có thể nói với tác động nặng nề chưa từng có của đại dịch, kinh tế Đà Nẵng năm 2021 không tăng trưởng âm đã phản ánh nỗ lực lớn của TP trong triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt, khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. 

HẢI QUỲNH