Nhìn lại văn học Đà Nẵng 2019
"Năm 2019, việc xét giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng có nét mới là do một Hội đồng nghệ thuật hoàn toàn mới triển khai bình xét. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, nên cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng Hội đồng nghệ thuật đã làm việc chu đáo, có trách nhiệm và đảm bảo sự công tâm khách quan trong việc xét giải", nhà thơ Nguyễn Kim Huy- Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng đã trả lời như vậy, khi được hỏi về việc xét giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng năm nay.
Một số tác phẩm văn học Đà Nẵng ấn hành trong năm 2019. |
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Kim Huy, năm 2019 là năm không có nhiều tác phẩm dự giải của Hội Nhà văn TP như những năm trước, nhưng những tác phẩm dự giải có thể nói đều là những tác phẩm tâm huyết, được các tác giả đầu tư công phu trong nhiều năm sáng tác, có nhiều ý tưởng mới trong nội dung cũng như hình thức nghệ thuật thể hiện.
"Bẻ đôi củ khoai mà bàn chuyện lớn"- tập ký sự nhân vật của tác giả Trương Điện Thắng, "Lòng chưa cạn đêm sâu"- ký và tản văn của Nguyễn Ngọc Hạnh được Hội đồng nghệ thuật đề nghị Hội Nhà văn TP trao giải chính thức; hai tập thơ "Chín chín nhịp" của tác giả Vạn lộc và "Trầm tích" của Thụy Sơn được đề nghị tặng thưởng... là những tác phẩm như vậy, được dư luận bạn đọc chú ý trong năm qua.
Trầm tích, thơ Thụy Sơn, Nxb Hội nhà văn, 2019:
Thơ Thụy Sơn phảng phất phong vị cổ thi, dễ tạo ấn tượng bởi ngôn ngữ và hình đẹp, nhất là ở những đoạn thơ ngắn như: "Tay cầm sợi nắng tay buông gió Một gánh vô thường một gánh mây" (Thong dong), hoặc: "Ta về/ chăm ngọn cỏ vườn/ Chờ tâm/ Trổ đóa vô thường/An nhiên/ Mòn đêm/ Chưa thuộc chữ thiền/ Thấy trăng/ Tròn khuyết bên hiên/ giật mình!" (Đóa vô thường). Nhà nghiên cứu Châu Thạch cho rằng: "Đọc Thụy Sơn ta thấy tiếng thơ chính như tiếng chuông. Thanh âm phát ra từ chuông ấy bởi đồng và vàng đúc nên nó. Chuông đó rung lên bởi cánh tay nghệ thuật của con người vừa có đạo hạnh vừa thẩm thấu âm thanh tác động vào, cho nên nó như vừa có linh hồn của thơ vừa có linh hồn của đạo, hòa quyện, âm vang, truyền cảm đến người những cảm xúc thật sự thăng hoa". Nhà thơ Bùi Xuân cũng đồng tình với nhận định trên: "Đọc tập thơ Trầm tích của Thụy Sơn, tôi thấy hình như tư tưởng Thiền tông đã từ lâu tỏa hương thơm dịu dàng trong sâu thẳm tâm hồn của tác giả. Vì vậy, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy chị viết nhiều về Thiền, sử dụng rất nhiều ngôn ngữ nhà Phật như: vô thường, nghiệp, tịnh, duyên, luân hồi, sắc, không...".
Chín chín nhịp, thơ Vạn Lộc, Nxb Hội Nhà văn Đà Nẵng, 2019:
Chín chín nhịp là thi tập khá chọn lọc gồm 99 bài thơ của Vạn Lộc, thể hiện nội lực mạnh mẽ và tinh tế, dào dạt cảm xúc trữ tình, quyện chặt với những suy tư triết luận đậm màu Thiền. Nhà thơ Bằng Việt có lời cảm:
"Chín chín nhịp là đóng góp mới trong thơ của tác giả Vạn Lộc, là giỏ quả chín tím mọng cuối thu của một hồn thơ yêu đời trong nỗi đau đời, năng động ngay trong các suy nghĩ đậm chất Thiền, đầy kinh lịch và đầy chiêm nghiệm trong những cảm xúc thơ, tuy có dáng vẻ hồn nhiên, nhưng lại luôn đậm đà sắc thái "ý tại ngôn ngoại" của thể loại thơ mang hồn cốt cổ kim giao hòa:
Chiều gió lộng, mây trời ửng tím,
Giọt thơ bay ngọt phía sương ngàn,
Gieo tứ tuyệt đơm mùa chín chín
Nhịp đa mang réo rắt cung đàn".
Lòng chưa cạn đếm sâu, ký và phê bình của Nguyễn Ngọc Hạnh, Nxb Đà Nẵng 2019:
Tập sách chia làm 2 phần. Ngoài phần bài viết bạn bè chia sẻ về thơ của mình, phần lớn còn lại, tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết: "Lòng chưa cạn... là nỗi niềm, là ký ức của một người xa quê, sống với biết bao hoài niệm, là những kỷ niệm của bạn bè gần cả một đời người đắm đuối cùng thơ. Mình chẳng có tham vọng gì lớn với văn chương lắm đâu, không ồn ào bon chen để nhằm chứng minh cho điều gì, chỉ mong tất cả những gì mình viết ra chính là tâm hồn, lẽ sống, là tình yêu của mình".
Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn Trương Điện Thắng, Nxb Đà Nẵng:
Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn là tập sách ký sự nhân vật của nhà báo, nhà văn Trương Điện Thắng, do Nxb Đà Nẵng vừa ấn hành vào tháng 11-2018. Sách dày gần 340 trang, chia làm 3 phần gồm: các nhân vật hoạt động xã hội, văn hóa, nghệ thuật đã qua đời; những nhân vật đương đại quen thuộc hiện vẫn đang góp mặt trong các lĩnh vực đời sống hôm nay; những nhân vật người nước ngoài có những đóng góp tại Việt Nam, hoặc ngược lại. Nhà văn Trương Điện Thắng cho biết: "Tôi chọn lọc, sắp xếp những bài viết về các nhân vật - còn mất hay đã đi vào lịch sử - trong gần 30 năm làm báo để xuất bản riêng tập sách này. Họ là những nhà văn, nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân và có cả người trong thân tộc đã đi vào lịch sử. Mô tả họ trong những lát cắt sự nghiệp, những thoáng chốc gặp gỡ, chuyện trò hoặc ghi lại những gì họ tâm đắc trong cuộc sống, trong chiêm nghiệm về cuộc đời và con người của họ. Tất cả như những kỷ niệm và sự trân trọng của tôi. Từng đêm ngồi nhớ và ghi lại... Tôi viết về họ vừa để thể hiện tấm chân tình của mình, vừa chia sẻ cùng bạn đọc những trải nghiệm của chính tôi...".
Là một người làm báo lâu năm, Trương Điện Thắng khá có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, gặp gỡ với những nhân vật, sự kiện khắp mọi nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ta dễ dàng nhận thấy, trong tập sách này, phần lớn mỗi bài viết đều ít nhiều liên quan đến mảnh đất, con người xứ Quảng- chủ đề mà tác giả tâm huyết đeo đuổi suốt quá trình cầm bút mấy chục năm qua.
TRẦN TRUNG SÁNG