Nhìn lại World Cup 2014: Bóng đá toan tính lên ngôi

Thứ sáu, 18/07/2014 06:52

(Cadn.com.vn) - Sự toan tính chiến thuật thực dụng của hầu hết những nhà cầm quân đã khiến World Cup 2014 thiếu đi các trận đấu giàu tính cống hiến. Hay nói cách khác, người hâm mộ không dễ tìm ra thứ bóng đá vị nghệ thuật ngay tại xứ sở Samba, thay vào đó là bóng đá vị thành tích.

Thông thường thì lối chơi phòng ngự phản công là vũ khí của những đội bóng yếu. Bởi đó là cách tốt nhất để các đội bóng chiếu dưới có cơ hội gây bất ngờ trước những "ông lớn".

World Cup 2014, bóng đá toan tính thực sự đã có chỗ đứng rất vững chắc. Hầu hết những đội bóng yếu đều sử dụng chiến thuật phòng ngự phản công để chế ngự lại sức mạnh của đối phương, và họ đã thành công.

Messi (10) không có nhiều đất diễn trước sự bao vây của hậu vệ Đức ở chung kết.

Đội bóng thành công nhất với lối chơi phòng ngự phản công là Costa Rica. Từ vô danh, Costa Rica đã trở thành "ngựa ô" của giải đấu với lối chơi phòng ngự phản công cực kỳ sắc sảo. Los Ticos đã viết nên câu chuyện cổ tích khi vượt qua Anh, Iatlia và Uruguay để đứng đầu bảng "tử thần". Vào vòng 1/8, đoàn quân của HLV Jorge Luis Pinto tiếp tục gây bất ngờ khi đánh bại Hy Lạp. Đội bóng Trung Mỹ này chỉ chịu dừng bước ở tứ kết trước Hà Lan sau loạt đá luân lưu cân não.

   Chile, Mexico, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Mỹ, Colombia, Bỉ... cũng khá thành công với lối đá đầy toan tính. Ngay cả những đội bóng Châu Phi như Nigeria, Algeria vốn chơi đầy ngẫu hứng cũng từ bỏ sở trường để chọn lối đá phòng ngự phản công. Nhìn tổng thể, đa phần những đội bóng lọt vào vòng 16 đội đều sở hữu lối chơi phòng ngự rất khoa học.

Ở vòng 1/8, chủ nhà Brazil rất vất vả mới có thể đánh bại được Chile chơi chặt chẽ. Hà Lan cũng phải nhờ đến cú ngã đẹp của Robben mới đánh bại được Mexico chơi phòng ngự đầy nghệ thuật. Algeria đã phòng ngự phản công chặt chẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người Đức...

Bước vào tứ kết, một lần nữa các đội bóng lớn gặp phải rào cản phòng ngự phản công từ các đối thủ chiếu dưới. Một Hà Lan với đội hình tấn công siêu hạng đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ Costa Rica rất kiên trì phòng ngự. Phải nhờ đến tài năng xuất thần của thủ môn Tim Krul trong loạt sút luân lưu, đội bóng da cam mới có vé vào bán kết. Ngay cả Đức khi đối đầu với Pháp cũng chơi thứ bóng đá đầy toan tính, cộng thêm chút may mắn mới thắng được đối phương.

Bóng đá toan tính thực sự đã phủ tầm ảnh hưởng quá lớn lên tư tưởng tất cả những nhà cầm quân tại World Cup 2014. Bóng đá vị thành tích đã buộc họ từ bỏ tất cả sở trường của mình để kiên trì với lối chơi phòng ngự phản công nhằm chờ đợi sơ hở của đối phương. Chúng ta đã rất nhàm chán khi xem trận bán kết giữa Argentina và Hà Lan. Hai đội bóng sở hữu nhiều ngôi sao tấn công hàng đầu thế giới, lại nổi tiếng với lối chơi tấn công đẹp mắt, ngẫu hứng đã chơi co cụm đội hình, đá với tư tưởng sợ thua. Một thế trận phòng ngự quá mức an toàn đã đảm bảo cho khung thành hai đội không lọt lưới sau hơn 120 phút. Trận chung kết, Đức và Argentina cũng chơi thứ bóng đá đầy toan tính, vị thành tích.

Vì thế, dù là giải đấu có số lượng bàn thắng kỷ lục, ngang bằng với Pháp 1998 (171 bàn), nhưng World Cup 2014 không có đất sống cho bóng đá vị nghệ thuật.

Khánh Hòa