"Nhịp cầu" ngôn ngữ tại DIFF 2019

Thứ năm, 04/07/2019 10:55

Cùng ăn, cùng ở, dầm mưa dãi nắng và theo sát từng bước chân của các đội thi tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019, các phiên dịch viên đã trở thành "mảnh ghép" cuối cùng cho hoạt động của mỗi đội thi khi đặt chân đến Đà Nẵng. Sau mỗi đêm thi thành công, vai trò thầm lặng của họ  trở thành "nhịp cầu" ngôn ngữ kết nối các đội thi với Ban tổ chức và đội ngũ công nhân, tình nguyện viên.

Anh Đặng Văn Bình, phiên dịch viên đồng hành cùng lễ hội pháo hoa quốc tế từ những ngày đầu tiên.

Đồng hành cùng Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng từ năm 2008, khi DIFF (Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng) còn mang tên DIFC (Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng), anh Đặng Văn Bình, chuyên viên của Sở Ngoại vụ TP cho biết, anh được phân công phụ trách mảng phiên dịch cho ban kỹ thuật của Global 2000 và các đội thi. Công việc chính là phiên dịch ngôn ngữ, chuyển tải thông tin, hướng dẫn của đội thi đến với từng công nhân. Sau nhiều năm gắn bó, anh cũng trở nên đa năng hơn khi cùng phụ bưng bê pháo hoa, đấu nối, đóng giá pháo, phủ bạt... Qua 10 lần tổ chức thì có 8 năm anh phụ trách các đội thi. Ấn tượng đáng nhớ nhất với anh là DIFF 2013, khi đồng hành cùng đội Melrose Pyrotechnics của Hoa Kỳ. Chứng kiến cảm xúc sung sướng tột độ của các thành viên trong đội khi đoạt chức vô địch, niềm vui cũng lan tỏa trong anh. "Chúc mừng đội thi của anh Bình nhé!", cứ mỗi lần nhận được tin nhắn chúc mừng từ các đồng nghiệp, anh lại hạnh phúc như thể mình là thành viên chính thức của đội thi... Cầm trên tay chiếc mũ in dòng chữ DIFF 2019 đã cũ sờn, anh Bình tươi cười kể, mỗi mùa lễ hội pháo hoa qua đi, điều còn lại chính là những kỷ niệm và kỷ vật đơn sơ như chiếc mũ này nhưng rất trân quý và không bao giờ quên. "Mặc dù đã 10 lần gắn bó với lễ hội pháo hoa nhưng đối với tôi, đây là công việc thú vị và không nhàm chán, mỗi năm đều mới mẻ về công tác tổ chức và gặp được những người bạn mới. Họ rất cá tính, vui vẻ và làm việc rất chuyên nghiệp", anh Bình chia sẻ thêm.

Ngoài anh Đặng Văn Bình, các phiên dịch viên còn lại được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các em sinh viên giỏi ngoại ngữ. Lần thứ 3 tham gia tại DIFF, nhận nhiệm vụ phiên dịch cho đội kỹ thuật của Global 2000, Lê Huỳnh Đức, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, đây là công việc không hề dễ dàng bởi độ rủi ro, nguy hiểm cũng khá cao. Điều quan trọng nhất của người phiên dịch là chuyển tải thông điệp chính xác để đảm bảo an toàn cho người lắp đặt và màn trình diễn. Bản thân Đức cũng đã gặp một sự cố nhớ đời khi làm phiên dịch cho đội Thụy Điển vào năm 2018. Nguyên nhân là do khả năng nói tiếng Anh của đội Thụy Điển hạn chế, đa phần họ sử dụng "body language" (ngôn ngữ hình thể) nên thông điệp truyền đi bị sai lệch, trong khi việc lắp đặt pháo đã đi được 1/2 chặng đường. Ai cũng lo lắng cho tiến độ thực hiện nhưng đành phải làm lại từ đầu và may mắn vẫn kịp cho đêm thi.

Mới 20 tuổi nhưng Hồ Ngọc Vĩnh Nguyên, sinh viên năm 2 khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã mạnh dạn đăng ký làm phiên dịch viên DIFF 2 năm liên tiếp. Để đến được với DIFF 2019, Nguyên phải vượt qua nhiều đối thủ, trải qua nhiều vòng thi tuyển, phỏng vấn và được phân công làm phiên dịch cho đội JoHo Pyro Professional Fireworks AB, Phần Lan. Xác định vai trò thông dịch tại DIFF cần độ chính xác cao, Nguyên đã dành thời gian tìm hiểu về những từ ngữ chuyên ngành pháo hoa. Tuy vậy, trong ngày đầu gặp gỡ và trao đổi, Nguyên cũng như một số bạn vẫn bị "khớp" do tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính của một số đội thi. Khi nhắc về Nguyên, anh Johan Hollander, Đội trưởng đội Phần Lan đưa ngón tay cái lên và miệng không ngớt nói: "Good... good...". Mặc dù ở bên kia bán cầu nhưng anh Johan Hollander và các đồng đội vẫn luôn mong ngóng tin tức từ DIFF 2019. Khi nhận được tin nhắn được chọn vào chung kết từ Nguyên, cả đội vui mừng và hạnh phúc. "Bản thân em khi tiễn đội Phần Lan về nước sau đêm thi sơ loại cũng không nghĩ là có cơ hội được gặp lại. Em học được rất nhiều điều khi tham gia phiên dịch, đó là phong thái làm việc chuyên nghiệp và tỉ mỉ của người nước ngoài. Nếu có cơ hội, em sẽ tiếp tục tham gia vào những lần sau", Nguyên khẳng định.

Lê Hoàng Phương chú ý lắng nghe để phiên dịch tại buổi họp báo.

Có bảng thành tích tham gia làm phiên dịch viên tại các sự kiện quốc tế khá dày đặc, Lê Hoàng Phương (1996), từng tham gia tại Đại hội bãi biển Châu Á ABG 2016, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Kỳ họp lần thứ sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu GEF 2018... nên tỏ ra rất kinh nghiệm. Ngồi nép mình phía sau anh Mark Kelsall - đội trưởng Pyrotex Fireworx Ltd, Vương quốc Anh, Phương chú ý từng câu hỏi và câu trả lời trong buổi họp báo để phiên dịch lại. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để làm được điều đó, Phương phải có quá trình rèn luyện, trao dồi từ vựng và tiếp xúc thân thiết với các thành viên trong đội. Công việc của Phương và các phiên dịch viên bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc vào chiều tối. Các bạn lo tất cả mọi công việc từ đón tiếp đoàn, phiên dịch, liên hệ công tác đến đặt thức ăn và mua sắm vật tư... Không chỉ là người phiên dịch, các phiên dịch viên trở thành người bạn thật sự và là người cộng sự đắc lực cho từng đội thi. Dù kết quả của đội thi mà mình phụ trách có như thế nào, khi bước chân vào đồng hành cùng DIFF, các bạn phiên dịch viên trẻ tuổi đã là những người chiến thắng. Họ chiến thắng bản thân mình và trở thành "mắt xích" quan trọng trong "nhịp cầu" kết nối ngôn ngữ, đóng góp vào thành công chung cho mỗi dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

MAI VINH