Nhớ bài hát "Đi học"

Thứ năm, 06/09/2018 09:02

Trong không khí sôi nổi, rạo rực của năm học mới, nhìn cảnh các em học sinh, nét mặt rạng ngời đến trường trong sự đưa đón, nâng niu của mẹ cha, thầy cô, tôi lại nhớ đến bài hát Đi học của Bùi Đình Thảo, một sáng tác mà rất nhiều thế hệ cả học sinh và người lớn yêu thích. Thuở còn cắp sách đến trường và cả đến bây giờ, mỗi lần nghe lại bài hát, tôi lại thấy rưng rưng bởi ca từ mộc mạc, trong sáng, thiết tha, tình cảm. Bỗng ùa về trong ký ức về những ngày đến trường của thế hệ học sinh thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, gian khổ, đạn bom nhưng cũng đầy lạc quan phơi phới:

Hôm qua em đến trường/Mẹ dắt tay từng bước/Hôm nay mẹ lên nương/Một mình em tới lớp/

Chim đùa theo trong lá/Cá dưới khe thì thào/Hương rừng chen hương cốm/Em tới trường hương theo.

Đoạn nhạc và lời này nghe sao hay và thân thương đến lạ. 

Giờ đây, khi đất nước hòa bình, ấm no, nhìn học sinh đến trường trong cảnh phố phường yên vui, thanh bình, ngẫm lại thấy chưa có bài hát nào nói về chuyện đi học hay và ý nghĩa như ca khúc Đi học của những năm tháng gian lao mà anh dũng ấy. Được biết tác giả phần lời của Đi học là một anh bộ đội tên là Hoàng Minh Chính.  Khi ấy, vào khoảng năm 1969, trên đường vào Nam chiến đấu, người lính trẻ Hoàng Minh Chính tranh thủ ghé qua NXB Kim Đồng và đưa cho nhà thơ Định Hải một tập thơ khá dày. Trong cả tập thơ đó, Định Hải đọc được những câu thơ trong trẻo của bài thơ Đi học. Ông nhận thấy đây là bài thơ có ý thơ rất hay, dù câu chữ còn thô ráp và ông đã quyết định chọn và biên tập bài thơ. Tháng 3-1970, người chiến sĩ trẻ Hoàng Minh Chính đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị ở tuổi  26 mà không hề biết rằng, bài thơ của mình đã được in trong tập, đã nằm trong sách giáo khoa lớp 2 và được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc để sống mãi đến bây giờ, làm lay động bao con tim mỗi khi bài hát được cất lên. Khi bài hát ngân lên, hình ảnh hiện lên trước mắt mọi người là một ngôi trường tiểu học nho nhỏ nép mình bên một vùng đồi trung du xập xòe lá cọ với những học trò dễ thương và cô giáo nhỏ nhắn, dịu hiền:

Hương rừng thơm đồi vắng/Nước suối trong thầm thì

Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi

Trường của em be bé/Nằm ở giữa rừng cây/Cô giáo em tre trẻ/Dạy em hát rất hay...

Lan man đôi dòng nhân "tức cảnh" học sinh đến trường ngày khai giảng năm học mới, trong lòng chợt trào dâng một tình cảm bâng khuâng về "một thời đi học" mà người viết đã trải qua, để rồi mạo muội nghĩ rằng, không phải ai cũng cảm nhận được các giá trị của cuộc sống hôm nay khi xâu chuỗi từ hiện tại về quá khứ vẻ vang của một giai đoạn lịch sử mà không trải qua nó, sẽ không có được đất nước hôm nay.

DÂN HÙNG