Nhớ đại tướng…!
(Cadn.com.vn) - Mới mà đã một năm ngày Đại tướng đi xa! Một năm, cõi nhân gian vắng bóng một vị tướng thiên tài, một nhân cách lớn, một trái tim đôn hậu, nhân từ, luôn hết lòng vì dân, vì nước!
Tôi nhớ như in thời khắc khi nghe hung tin Đại tướng qua đời. Đó là sáng sớm ngày 5-10-2013, tôi theo đoàn cứu trợ bão lụt của Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) ra thăm, chia sẻ với đồng bào TP Đồng Hới- đơn vị kết nghĩa với Liên Chiểu- bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 10. Tin Đại tướng qua đời khiến tất cả thành viên trong đoàn đều lặng đi... Trên đường về, tôi ghé vào nhà Lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) thắp nén tâm hương. Một khung cảnh u buồn bao trùm khắp làng. Dù chưa có báo tang chính thức từ Trung ương, nhưng từ sáng sớm, tại Nhà lưu niệm Đại tướng, từng dòng người nườm nượp vào xin được dâng hương. Những tiếng nấc nghẹn ngào, những ánh nhìn đau đáu, những vành môi cắn chặt và những câu chuyện kể không dứt về Đại tướng với Quảng Bình!
Một năm trôi qua! Không biết, cây khế trăm tuổi bên hè Nhà lưu niệm Đại tướng giờ ra sao? Tôi còn nhớ hình dáng cây khế trong ngày đại tang. Dường như, cây cũng biết khóc thương Đại tướng nên lá trên cây dù vẫn xanh nhưng ủ rũ như đứng chịu tang. Nghe kể, sinh thời, khi sức khỏe không cho phép Người về quê, mỗi lần gọi điện về thăm (đặc biệt là sau bão lũ), sau khi hỏi thăm tình hình bà con làng xóm, Đại tướng không quên hỏi thăm cây khế “có bị sao không”?...
Ông Võ Đại Hàm- cháu gọi Đại tướng bằng ông nội chú- và chính quyền H. Lệ Thủy chuẩn bị bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để người dân đến viếng trong ngày đại tang cách đây 1 năm. Ảnh: P.T |
Nhớ Đại tướng, tôi lại nhớ đến cuộc hành trình lên Điện Biên vào cuối tháng 4-2014 vừa qua để viết bài nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chứng kiến người dân cả nước nói chung, Tây Bắc nói riêng tổ chức về nguồn tưởng nhớ về Đại tướng với một tình cảm trân quý, ngưỡng mộ vô bờ... Nhớ hôm về Hà Nội, tôi tìm đến nhà Đại tướng xin vào thắp nén tâm hương. Nhìn lên di ảnh Đại tướng mái tóc bạc phơ, đôi mắt tinh anh, nhân từ, nước mắt tôi cứ thế giàn giụa chảy.
Nghe anh Võ Hồng Nam- con trai Đại tướng- kể về tấm lòng, sự quan tâm của Đại tướng với người dân cả nước nói chung, người dân vùng Tây Bắc nói riêng, đặc biệt là về sự học của con em vùng sâu, vùng xa, tôi hiểu vì sao khi kể về Già bản Giáp, bà con Mường Phăng mắt ai cũng đỏ hoe. Có nhiều đứa trẻ mới 10-11 tuổi hào hứng kể cho tôi nghe những trận đánh do Đại tướng chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như đang kể chuyện về ông nội, ông ngoại mình vậy, rất thân thương, gần gũi. Khi tôi hỏi một học sinh tiểu học vì sao nhớ nhiều chi tiết về Đại tướng đến vậy, cậu bé hồn nhiên: “Con thường lên Rừng Đại tướng, đi theo các cô hướng dẫn viên để nghe kể chuyện về Già bản Giáp cho du khách, rồi được nghe thầy cô, các già trong bản kể, con xúc động, ngưỡng mộ Già bản Giáp nên nhớ thôi”!...
Đại tá Nguyễn Duy Cù- nguyên Tiểu đoàn trưởng bảo vệ Đại tướng trong kháng chiến chống Pháp- thay mặt đoàn cựu chiến sĩ Điện Biên và cựu chiến sĩ Việt Bắc hành hương về thăm Sở Chỉ huy chiến dịch ĐBP tại Mường Phăng viết vào sổ lưu niệm. |
Ngày Đại tướng đi xa, hàng triệu triệu trái tim Việt Nam đều tiếc thương đau buồn. Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Xin tạm biệt đời yêu quý nhất/Còn mấy vần thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường, tro gửi đất/ Sống là cho và chết cũng là cho...”. Có thể nói, sự ra đi của Đại tướng cũng là để mở đầu cho những giá trị mới của cuộc sống... Vẫn biết cuộc đời là những cuộc sinh ly, tử biệt, thế nhưng, không biết vì sao khi viết đến đây, tôi bỗng nghe lòng mình quặn đau. Những ngày này, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua bạn bè đang công tác tại Hà Nội, Quảng Bình, tôi được biết, trong ngày giỗ đầu tính theo lịch âm (23-9-2014 tức 30-8 ÂL vừa qua), đã có rất nhiều người dân trong cả nước đến viếng Đại tướng tại nhà riêng số 30-Hoàng Diệu, tại làng An Xá và nơi yên nghỉ của Đại tướng ở Đảo Yến-Vũng Chùa.
Một năm rồi Đại tướng không còn ở dương gian, nhưng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng như vẫn còn hiển hiện đâu đây, như chưa thể đi xa. Như cách nói của nhà thơ Tú Lệ, Đại tướng đang thực hiện một cuộc hành trình mới. Xin được mượn những vần thơ của nhà thơ Tú Lệ như là nén tâm hương dâng lên Đại tướng nhân tròn một năm ngày Đại tướng về với Đất Mẹ thiêng liêng: “Người ra đi ư- không, Người về đấy/ Trời Quảng Bình xanh/xanh đến thắt lòng/ Bầy chim yến kết vầng hoa chao liệng/ Biển Vũng Chùa nghiêm sóng đợi duyệt binh/ Người yên nghỉ ư-không, Người lên đường đấy/ Một hành trình trấn quốc phía trùng khơi/... Dân tộc Việt Nam đang xốc lại đội hình/... Tổ quốc tiễn Người bằng niềm kiêu hãnh/ Chúng con tiễn Người bằng quân lệnh trong tim” (“Hành trình mới của Đại tướng”, bài thơ được nhà thơ Tú Lệ viết trong ngày Quốc tang 13-10-2013, đăng trên web của Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh).
Tùy bút: Phan Thủy