Nhớ mùa thu Hà Nội...
Tôi yêu Hà Nội không chỉ qua sách vở, những áng văn thơ, bức họa, những giai điệu âm nhạc thật đẹp, thật sâu lắng, thật mênh mang, thật thơm tho như mùi hương ngọc lan mỗi tối ấp yêu ướp vào cảm xúc mà còn là những tình cảm ba đã truyền lại cho tôi khi ông chưa qua đời. Đó cũng chính là những suy nghĩ, tình cảm của một cán bộ miền Nam tập kết 21 năm sống giữa lòng miền Bắc.
Mẹ tôi đến với ba khi tuổi đời chênh lệch nhau những hai mươi mùa xuân. Ai bảo tình yêu có những điều không thể lý giải, song theo cảm nhận của tôi, mẹ đến với ba trước hết bởi sự đồng cảm, tình yêu thương người con trai từ xứ Quảng kiên trung đang chông chênh đau buồn khi cả mấy chục người thân trong gia đình, dòng tộc bị quân thù sát hại rồi người đầu ấp tay gối nghĩa phu thê bên kia vỹ tuyến cũng đã vĩnh viễn ra đi.
Nhớ những lần ra Hà Nội thường vào dịp mùa thu, trong tôi lại dâng lên một cảm xúc khó tả. Những buồn vui hòa lẫn trong ngọn gió mơn man thổi sâu vào niềm thương nhớ. Những hồi tưởng, nghĩ suy về mảnh đất một thời ba đã sống, đã yêu, đã học tập, lao động, cống hiến tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì cái ngày non sông thu về một mối. Đứng trước hồ Gươm trong xanh bên Tháp Rùa rêu phong cổ kính tôi như nghe giai điệu "Có phải em mùa thu Hà Nội" vọng về. "Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ/Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/Có phải em là mùa thu Hà Nội/Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/ Có phải em mùa thu xưa…" (thơ Tô Như Châu, nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972).
Câu lạc bộ Thống nhất nơi gặp gỡ của cán bộ miền Nam ở Hà Nội ngày trước tôi phải nhờ người đồng hương dò hỏi đôi ba lần mới tìm ra vị trí nó nằm ở con phố nhìn ra hồ Gươm. Nơi đây chính quyền thành phố cho đặt một tấm bia di tích để nhắc nhớ nước nhà đã có một thời chia cắt, những người con miền Nam đã sống trong nghĩa tình keo sơn Nam Bắc một nhà.
Thỏa mong mỏi khi về thủ đô, tôi đã đến thật gần mặt hồ Gươm để nhìn ngắm. Đó là lúc những giọt nắng lấp lánh như dát bạc mặt hồ, sóng gợn lăn tăn, bồng bềnh trôi đi những bông hoa lộc vừng bé xíu. Nằm ở trung tâm hồ là Tháp Rùa rêu phong nghiêng bóng soi xuống mặt nước mờ ảo ẩn hiện thấp thoáng sau hàng liễu rủ thướt tha. Khoảnh khắc của mùa thu khiến cho lòng người như lắng lại sâu hơn.
Thả bộ trên những con phố Hà thành, tôi lắng nghe đâu đây mùi hương cốm mới. Rồi mường tượng cảnh xưa mẹ hay kể, nổi tiếng ở Hà Nội bao đời nay vẫn cốm làng Vòng ở thôn Hậu, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Cô hàng xưa đội nón lá mỏng, mặc áo tứ thân, mắt cười tươi như nắng tỏa, gánh gồng hương vị mùa thu đi khắp phố phường. Giản dị vậy mà cốm đã là đặc sản của đất Thăng Long hào hoa thanh lịch. Cốm là một thứ quà của lúa non, ai đã đọc văn Thạch Lam mà chẳng xao lòng. Xao lòng đâu chỉ vì hương cốm, đâu chỉ vì thức quà riêng biệt của đất nước, giản dị thanh khiết của đồng quê nội cỏ mà còn có cô hàng bán cốm rất xinh và giòn.
Lan man dư vị đồng quê giữa lòng phố, bất chợt tôi bắt gặp những gánh hàng hoa chở mùa thu Hà Nội đi vào những bông cúc họa mi, cúc vàng, thạch thảo… say say cùng mùi hương đất trời, nhẹ nhàng như là hơi thở.
Lặng lẽ để lòng mình hòa cùng mùa thu Hà Nội với suy nghĩ chừng như bất chợt. Ngày đó, ba tôi đã sống giữa lòng thủ đô yêu dấu và giữa tình yêu thương…
Và với tôi hôm nay mùa thu Hà Nội sao mà nhớ thế!
Võ Văn Trường