Nhớ mùa vàng quê tôi
(Cadn.com.vn) - Đã bước sang tháng tám âm lịch. Trên khắp ngả đường quê, lại rộn ràng tiếng gọi nhau í ới của bà con đi gặt đồng về mỗi chiều. Ba tôi bảo, ông trời ngày càng “khó tính”, nắng mưa thất thường chẳng biết mô là lần tính cho mất đám lúa ngoài đồng. Quê tôi, khúc ruột miền Trung, oằn vai gánh trên mình biết bao nỗi “tức giận” của ông trời. Những sân phơi vàng óng lúa, và trên khắp các ngả đường từ nhà đến đồng bãi, đâu đâu cũng một màu vàng ươm của rơm rạ. Tôi còn nhớ những ngày thơ trẻ, buổi trưa nằm võng ở hàng hiên nhà lắng nghe trong tiếng gió vi vu, thoang thoảng mùi hương nồng nàn từ những cọng rơm vàng...
Khi lúa trên đồng đã bắt đầu chín đều là lúc hương lúa chín ngào ngạt trong gió sớm, ấy là khi mọi người dân quê tôi nhộn nhịp ra đồng cắt lúa. Ba mẹ tôi, chị em tôi tranh thủ từ sáng sớm. khi sương còn từng giọt long lanh trên ngọn cỏ. Để đến chiều về nắng nhạt tận chân ruộng, cánh đồng rộn rã tiếng nói cười, kĩu kịt trên vai những gánh lúa đầy theo bước chân người về tuôn đầy trước sân nhà. Và trên đám ruộng còn trơ lại những gốc rạ là những hàng rơm vàng được phơi ngay ngắn, mong được nắng trời để đem về chất thành cây rơm cao, để chụm (đun) hoặc làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày mưa, lũ...
Trò chơi tuổi thơ. Ảnh: S.T |
Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bà nội tôi ngồi trước hiên nhà, tự tay bà vuốt, lựa ra những thân rơm vàng óng, cứng cáp rồi lấy lạt tre buộc lại, làm thành những chiếc chổi rơm xinh xắn. Bà làm cẩn thận, tỉ mẩn từng loại chổi, vừa làm vừa thủ thỉ kể đủ thứ chuyện cho đám cháu nghe. Rồi hình ảnh ông nội đến mùa tháng tư gặt lúa là vớt tre đã ngâm được chừng non nửa năm trời dưới ao làng lên. Ông lựa những thân tre thẳng, cưa ra, lấy đoạn giữa chẻ hom, vuốt rạ và đánh thành những tấm lợp nhà, hoặc để lợp chuồng trâu, chuồng bò...Tôi nhớ ngôi nhà mình ngày xưa lợp bằng tranh rạ, mùa hè thì mát mẻ vô cùng và mùa đông thì ấm áp lắm. Nhưng nội bảo tranh rạ thì chịu mưa chịu nắng chỉ hơn một năm thôi nên năm nào ba tôi, ông nội tôi cũng loay hoay chọn vài đám ruộng lúa chín không bị gió làm ngả rạp, thân rạ hãy còn cứng cáp lắm để đến sau mùa gặt tháng tám âm lịch là lợp lại nhà, chuồng trâu, bò...
Sau này lớn lên xa quê đi học, tôi càng thấm thía hơn hai câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa “Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Thấm bao mưa nắng mà thành quê hương”. Và tôi cũng nhớ mãi lời ông nội răn dạy rằng: Hạt lúa là hạt ngọc của trời, cây lúa là lộc của trời đất sinh ra, còn cái rơm cái rạ, cũng chẳng bỏ đi mà còn có nhiều cái lợi lắm, như lợp nhà, nhóm lửa, cho trâu bò ăn, trát vách... Cho nên, cỗ cúng ông bà tổ tiên, trời đất thì không thể không có chén cơm trắng ngần. Lời của ông nội đã đi vào thế giới tâm hồn tuổi thơ tôi, thấy đồng lúa vàng trước nhà mỗi mùa gặt về như bức tranh đồng quê có nhiều phép nhiệm mầu. Và đông vui, háo hức nhất là đến ngày gặt lúa, cả làng rộn ràng hẳn lên, trên đồng trên bãi. Tôi thích nhất quê nhà vào mùa gặt, cứ chiều về trong ánh hoàng hôn xa xa đang khuất dần phía núi, mùi rạ rơm nồng ấm đất đồng dậy lên, rồi từ mái nhà ai cũng có những làn khói lam bay lên trời xanh.
Nhắc đến rơm vàng thì không thể nào quên những “cây rơm” mà nhà nào ở quê tôi nào cũng có. Cái thú hồn nhiên của trẻ nhỏ là được “tham gia” vào với người lớn xây rơm. Một cây trụ chính bằng tre chôn sâu ở góc vườn nhà, còn xung quanh chôn thêm khoảng 3 đến 5 trụ phụ nữa. Thuở nhỏ, mấy chị em tôi như “đội quân” phụ cùng với ba chất rơm. Ba tôi bảo các con rải rơm đều rồi dậm sao cho rơm nêm chặt vào cây chống. Ai cũng hăng hái, dù hơi “xót” khó chịu nhưng những lúc thích thú được nằm ngửa trên lớp rơm vàng, ngắm nhìn bầu trời cao xanh, nghe làn gió xào xạc trong vườn nhà mát rượi đong đưa những tàu lá chuối xanh rờn. Cảm giác như những chú chim non nằm gọn trong tổ mà cười vui tít mắt. Còn nhớ đến mùa mưa, sau những trận mưa thì thế nào quanh gốc cây rơm sẽ mọc nấm rơm. Thứ này hái vào, rửa sạch, nấu canh với các loại rau trong vườn nhà hoặc xào qua thì vị ngòn ngọt của nấm chắc không ai có thể quên được.
Vẫn thế, những sợi rơm vàng ngày nào đến bây giờ vẫn còn nguyên trong ký ức tuổi thơ tôi ở quê nhà dấu yêu. Rơm đã cùng những đứa trẻ chúng tôi vui đùa hay chơi trốn tìm sau những cây rơm từ nhà này sang nhà khác quanh xóm. Rơm đã đón bước chân trẻ thơ tôi dịu êm, ấm áp trên những con đường làng đến lớp, ra đồng, ra bãi. Những ngày mưa gió, bão lụt không giong bò, giong trâu ra đồng được, đứng bên cây rơm trong vườn nhà rút từng nạm rơm khô giòn, thơm lựng cho trâu bò ăn, tôi có cảm giác như cái lành lạnh của gió heo may không còn nữa, đúng là như bài thơ “Hơi ấm tổ rơm” (Nguyễn Duy) thời nhỏ ê a học ở trường làng “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò”...
Bây giờ đang là mùa gặt, dù không nhiều như ngày xưa nhưng trên con đường về quê vẫn vàng ươm những con đường rơm thơm ngát. Thầm biết ơn phù sa sông mẹ Thu Bồn, bồi đắp mỗi mùa cho cánh đồng thêm lúa trĩu hạt. Thầm biết ơn ông bà, cha mẹ tần tảo sớm hôm, một nắng hai sương cho tôi lớn lên, được học hành. Tôi càng hiểu hơn, mỗi cọng rơm vàng ấy đã thấm đẫm bao giọt mồ hôi... Và tôi vẫn tự hào với chính mình rằng, mình sinh ra từ bờ tre gốc rạ làng quê, có bầu trời trong xanh và có cả những cọng rơm vàng. Mỗi ngày tôi vẫn nhẩm thầm câu thơ của anh bạn đang ở quê nhà “Tôi còn rơm rạ mùa quê/ Thương sông con nước bộn bề phù sa”. Nao lòng khi bất chợt nhớ lại... mùa rơm rạ, lòng ai mà không lắng lại, để được sống yêu thương hơn...
Thảo Nguyên