Nhớ những chuyến đò...

Thứ ba, 16/11/2021 18:19

Bao năm qua, cứ mỗi dịp đến ngày lễ 20-11- ngày Nhà giáo Việt Nam- tôi lại trở về với những ngày xưa cũ, như tự thầm thì nhắc nhớ những "chuyến đò" cùng mình sang sông, cập bến. Rồi các em bay vào đời, trên hành trình cuộc đời, với những ngả đường khác nhau. Đôi lúc, tôi tự hỏi chính mình: Làm nghề giáo, có vui buồn nào không?

Lưa bút ngày xưa…

Từ nhỏ, tôi đã thích đọc sách, mê sách, tôi đã thích dạy trẻ. Và cuộc đời cứ thế, sự lựa chọn nghề nghiệp như một lẽ dĩ nhiên, tùy duyên chăng? Ngẫm lại, nếu ví cuộc đời như một dòng sông cứ chảy đi, thì đời người có quá nhiều chuyến để qua dòng sông ấy. Khởi thủy từ thuở ấu thơ lọt lòng mẹ, là lúc mỗi người đã bắt đầu đi lên chuyến đò cuộc đời của mình. Rồi cứ thế, có những chuyến đò vơi đầy khác nhau, hay êm đềm, thác ghềnh… Riêng đối với những người làm nghề giáo, mỗi năm học lại miệt mài với con đò của riêng mình. Đó là những chuyến đò chở học trò qua một phần thời gian trong mỗi cuộc đời.

Nhớ có lần, họp phụ huynh lớp 12, mẹ một học trò gặp riêng, nói với tôi, nước mắt ngắn: "Cô ơi, ngày tôi sinh nó là con trai, ông chồng đi đốt than trên núi, về ôm hôn hằn vết than đen trên má nó. Thế mà…". Tôi hiểu, câu chuyện của người mẹ muốn tâm sự, giãi bày về "nó" - đứa con đang học lớp 12. Tôi lặng đi hồi lâu, và suy nghĩ tìm cách sẽ tâm sự với riêng em. Khi tôi kể với em về vết than hằn trên đôi má bé bỏng hồng hào ngày vừa chào đời, em đã rớm nước mắt, và xin lỗi tôi về những khuyết điểm của em trong thời gian qua ở lớp, ở trường. Tôi khuyên em: Hãy suy nghĩ lại và suy nghĩ đến ba mẹ em, hãy làm đúng phận làm con trong gia đình trước… Từ đó, em thay đổi dần dần và trưởng thành hơn. Đó là kỷ niệm "ngọt ngào" trong nghề của tôi hơn hai mươi năm trước, trong vô số những kỷ niệm vui buồn với biết bao thế hệ học trò đã qua.

Làm nghề giáo có quá nhiều niềm vui nỗi buồn, nhiều lắm chứ. Bởi mỗi chuyến đò mình đã đưa sang sông đều mang lại cho tôi một cảm giác khó tả. Không phải thênh thang, nhàn hạ mà lắm nỗi ưu tư vất vả. Dù các em, chủ yếu là học trò cuối cấp phổ thông, bên cạnh những ước mơ về hành trang cuộc đời, là những suy tư trăn trở lo toan. Tôi đọc được những ánh mắt ấy, suy nghĩ ấy qua nhiều trang văn về nghị luận xã hội, qua những lần ngoại khóa, tư vấn chọn nghề. Hay trong lúc tếu táo vui đùa của các em học trò vào giờ ra chơi, những chuyến đi dã ngoại, cắm trại… Tôi gọi đó là những tiết học ngoài cửa lớp. Và chính điều đó tôi thấy gương mặt thật, tính cách thật, phong phú, đa đạng của các em đằng sau những buổi học chính khóa trên lớp. Các em đã lớn, cần được sự giãi bày, cần được chia sẻ, yêu thương sau những giờ học căng thẳng. Các em được sự quan tâm, "tư vấn", chỉ bảo ân cần của ba mẹ, thầy cô…

Tác giả J.J. Rousseau trong quyển "Émile hay là về giáo dục" đã từng nói: "…Tất cả những gì chúng ta không có khi ra đời và chúng ta cần đến khi lớn lên, đều được sự giáo dục đem lại cho ta". Câu nói đơn giản nhưng hàm chứa sâu xa khẳng định tầm quan trọng của sự giáo dục con người. Thật hạnh phúc khi mỗi ngày tôi "nắm tay" học trò đi trên con đường ấy… Nhưng bước đi của thời gian vỏn vẹn mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ, mãi là như vậy. Cuộc sống mỗi ngày dường như vội hơn, nhanh hơn, tất bật hơn. Sự học cũng kéo theo đó, các em học nhiều hơn để trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân.Và, cũng cần để các em thảnh thơi, nhẩn nha kiếm tìm thêm những điều kỳ diệu ngoài những trang sách giáo khoa, trang vở học trò, bên ngoài lớp học…

 Mỗi chuyến đò đi qua, làm nghề giáo là người chèo đò trên dòng sông cuộc đời để học trò trưởng thành trên những bước đi hành trang cuộc sống. Chợt thấy ấm áp lạ thường, khi nhớ lại lời tâm sự chuyện vui, chuyện buồn của những học trò nói với tôi: "Người em chia sẻ đầu tiên là cô đó, cô là người đặc biệt nhất của em, cô có biết không?"…

THẢO NGUYÊN