Nhớ những người thầy làm báo chiến trường

Thứ ba, 18/06/2019 11:04

Tôi nhập ngũ-chính xác là sửa lý lịch tìm cách "trốn nhà" đi bộ đội khi vừa tròn 15 tuổi, vào chiến trường Quảng Trị trực tiếp chiến đấu từ năm 1968. Có chút "thành tích" chiến đấu, lần lượt tôi trở thành "đối tượng" của các nhà báo, phóng viên chiến trường khi các anh vào trực tiếp đi cùng đơn vị, khai thác nhân vật để viết gương điển hình "những trận đánh hay, những người đánh giỏi". Cũng vì vậy, tôi ngẫu nhiên nhiễm nghề báo, rồi từng chặng sau này trở thành nhà báo chuyên nghiệp mà những người thầy dạy nghề theo lối cầm tay chỉ việc không ai khác lại chính là các nhà báo lão luyện như  Cao Tiến Lê, Trần Hợi, Vũ Thuộc, Đoàn Công Tính, Đậu Kỷ Luật, Nguyễn Tử Mạch, Đặng anh Vinh...

A1-tổ chiến đấu Lê Bá Dương (giữa) tại mặt trận Quảng Trị.  Ảnh: Đặng Anh Vinh

Bây giờ, khi xem những tấm ảnh kiểu như ảnh nhà báo Đoàn Công Tính chống "gậy Trường Sơn" lội suối theo bộ đội ra trận, có thể có người không hẳn hiểu thật hư, thậm chí còn ngờ ngợ như chuyện đóng phim... Nhưng với những người lính như tôi thì đó chỉ là những khoảnh khắc thật của những câu chuyện thật khó ai hình dung nổi. Ví như chuyện lần đi dự đại hội chiến sĩ thi đua mặt trận B5 năm 1970. Kết thúc đại hội, tôi vô tình trở thành chiến sĩ giao liên dẫn theo nhà báo Cao Tiến Lê từ sở chỉ huy mặt trận về thâm nhập đơn vị. Suốt chặng đường rừng, "thủ trưởng  nhà báo"  cứ vần quanh câu chuyện mà chắc chắn ông từng nghe, ghi chép đầy đủ khi dự nghe tôi và các "điển hình" báo cáo thành tích tại đại hội với những câu hỏi đại loại như:

-  Lúc chạm mặt với cả một đại đội lính ngụy hàng trăm tên, mà tổ chốt của cậu vỏn vẹn có 4 tay súng, cậu nghĩ gì?

- Dạ, lúc đó em chỉ nghĩ đơn giản, là bắn vào lúc nào cho chắc thôi à.

- Theo cậu là lúc nào?

- Dạ, lúc tụi nó lui cui lên dốc, tay chân luýnh quýnh vừa níu cây vừa giữ súng, lại ở cự ly gần... mình quất một loạt đạn là nháo nhào, thằng nọ đè lên thằng kia, khó có thể phản ứng lại thủ trưởng à.

Cứ vậy, gần 4 giờ đồng hồ đi bộ theo đường rừng vừa đi vừa  chuyện trò, thủ trưởng nhà báo vừa tranh thủ khai thác đến tận cùng chi tiết về hành vi, cảm xúc của nhân vật và  tranh thủ chụp ảnh tôi. Lại thấy tôi tò mò hỏi về cái máy ảnh, cách chụp..., ông ngồi giảng giải kỹ lưỡng rồi đưa máy cho tôi thực hành một vài kiểu mà nhân vật là chính ông đang chống gậy nhớm chân lên  dốc. Sau chiến tranh, khi gặp lại ông, hỏi về những tấm ảnh hôm đó, ông chép miệng tiếc vì cuốn phim chụp hôm đó, gửi về báo Quân Khu 4 in tráng và lẫn đâu trong khối phim ảnh tư liệu nên không tìm lại được. Nếu không, chắc chắn "thầy trò " chúng tôi cùng  có được những tấm ảnh... để đời.

Một người "thầy nhà báo" khác, đó là nhà báo Đặng Anh Vinh, nguyên phái viên phòng văn hóa, văn nghệ Tổng cục Chính trị tăng cường cho mặt trận đường 9. Từ mặt trận, thâm nhập đơn vị chiến đấu, ông được trung đoàn giới thiệu về tiểu đoàn, tiểu đoàn giới thiệu về đại đội để tiếp cận điển hình chiến đấu. Hồi đó, vào khoảng cuối tháng 11-1971, tôi được gọi lên chỉ huy đại đội để  nhà báo khai thác câu chuyện chiến đấu của trung đội tôi, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến tấm ảnh Bác Hồ với lời thề giữ chốt mà tôi  viết bằng máu trong thời khắc sinh tử. Cứ nghĩ  câu chuyện có sao nói vậy được ông ghi chép tỉ mỉ là... xong. Nhưng ông xin phép chỉ huy đại đội được về thẳng hầm lán của tôi, tiếp tục câu chuyện đến từng chi tiết về hình thái trận địa, khoảng cách công sự, độ dốc phía trước, phía sau trận địạ, thậm chí đến cách chúng tôi bố trí mìn định hướng quả xuôi, quả ngược không theo quy tắc thông thường... Buổi chiều, dường như đã thấm các góc nhìn sự việc, ông  xin phép chỉ huy đại đội đưa nguyên những người còn lại của tổ  chốt ra gò đồi phía sau đại đội phỏng theo tình tiết sự việc bố trí chụp ảnh. Tấm ảnh chụp hôm đó, mãi đến sau chiến tranh, năm 1980, khi tôi về công tác tại báo Quân khu 5, tình cờ gặp lại ông từ Cục Tuyên huấn Bộ Quốc phòng được điều về làm chủ nhiệm nhà văn hóa Quân khu 5. Gặp "nhân vật cũ" ông rất vui, và càng vui hơn khi biết nhờ những phóng viên như ông, như anh Đoàn Công Tính, Trần Hợi, Cao Tiến Lê... mà cậu lính trận Lê Bá Dương tự mày mò sau này trở thành đồng nghiệp... Ông vui vẻ tặng luôn cho tôi 2 tấm film ông chụp tổ chốt của tôi  vào cuối 11-1971 như đã kể trên. Song điều bất ngờ hơn, sau này khi ông về hưu tại Hà Nội, gặp tôi từ Khánh Hòa ra thăm, ông lẳng lặng đưa cho tôi một hộp đựng những tấm film nhựa, mỗi tấm ông đều cẩn thận ghi vào bao gói nội dung: sự kiện, tên người, đơn vị,  quê quán, ngày tháng, địa điểm  chụp với lời dặn: "Tớ già rồi, chẳng biết khi nào về với tổ tiên, ông bà và anh em đồng đội. Trao cho cậu giữ những tấm film này, để mai này cậu có thể thay tớ làm những việc có ích cho đồng bào, đồng đội. Đặc biệt, mỗi tấm film, tớ ghi ngoài bao gói đầy đủ họ tên, đơn vị, quê quán... Nếu như tìm được ai đó, cậu thay mặt tớ tặng cho anh em hoặc gia đình. 

Nhà báo Đặng Anh Vinh (phải) trao số phim ông chụp tại Mặt trận nam Quân khu 4 cho nhà báo Lê Bá Dương. 

Sau này ông mất tại Hà Nội, tôi đã chọn ra một số film liên quan, phóng to thay mặt ông gửi tặng phòng truyền thống sư đoàn 320 (Quân đoàn 3). Còn lại, những tấm film ông chụp từ tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân, tiểu đoàn 33 đặc công, tiểu đoàn 75; các địa phương thuộc khu đội Vĩnh Linh, quân y viện 43 tiền phương, đặc biệt các ảnh chụp trực tiếp trên mặt trận tây đường 9..., tôi đã mày mò mua máy  chuyên dùng, "ken" chuyển thành file số, lần lượt đưa lên trang cá nhân, để những nhân vật của ông, cũng là đồng đội chúng tôi, ai còn sống biết được thì sẽ tặng cho anh em. Ai đã hy sinh, gia đình, người thân biết được, tôi sẽ thay ông sao phóng ảnh lớn, gửi tặng gia đình làm di  ảnh kỷ niệm,  thờ cúng,  như di nguyện của  ông-cố trung tá, nhà báo Đặng Anh Vinh.

Vâng, sau 50 năm kể từ lần đầu tiên trực tiếp  tiếp xúc với các nhà báo chiến trường và gần 40 năm làm báo chuyên nghiệp kể từ ngày về công tác tại báo Quân khu 5, trang viết nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ngày thiêng của những thế hệ làm báo, mà tôi- một nhà báo gốc lính, có duyên phận được học hỏi theo cách cầm tay chỉ việc từ những nhà báo tiền bối. Xin được dành riêng kể những câu chuyện chưa xưa về những nhà báo, cũng là những người thầy đúng nghĩa cả về kỹ năng nhân cách nhà báo đã giúp tôi giữ mình trong nhân cách nhà báo cách mạng thiêng liêng.

LÊ BÁ DƯƠNG