Nhớ phá Tam Giang
Trong tiếng nói cười rôm rả của những người khai thác trìa (ngao nước lợ - P.V), tiếng sóng xô bờ ầm ập nghe xao xuyến đến nao lòng…
Còn nhớ, những con trìa mập ú, căng tròn, nấu lên ăn ngọt lịm do mạ đánh bắt ở phá Tam Giang đã nuôi chị em tôi khôn lớn, trưởng thành. Nhớ hôm nao, trước lúc đi bắt trìa, mạ bảo: Con qua nhà mụ Ky hái mấy trái khế chua để sẵn cho mạ nấu canh. Vị ngọt ngon của trìa, vị chua chua của khế đã tạo nên hương vị đậm đà, quyến rũ, khó phai nhòa trong ký ức của bọn trẻ nhà quê chúng tôi thuở ấy. Có người ví, trìa ở phá Tam Giang có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng của vùng nước lợ nơi đây, khó nơi nào có được, sánh bằng. Thương nhớ những ngày bị cảm lạnh, mạ nấu cho tô cháo trìa bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành tiêu để bồi bổ sức khỏe. Tô cháo trìa khói bốc trắng tua tủa từng sợi nhỏ, xông vào mũi, miệng cay xè. Vị nồng của hành tím, vị cay của tiêu, ớt cao sản thái mỏng, vị thơm của thịt trìa... Chao ôi! Ngon đến…khó cưỡng. Tôi nghiêng vào làn mây bay là đà trên nóc nhà, như truyền thông điệp yêu thương đến mạ: Con cảm ơn mạ! Mạ một đời vất vả, tảo tần! Rồi nhận được từ làn gió sau vườn thỏ thẻ vào tai (Hình như mạ đang mỉm cười, xoa đầu tôi bảo): Mong con sớm lành bệnh, học hành tiến tới là mạ vui lòng…
Dậm trìa là công việc tuy không nguy hiểm như đi biển, nhưng để được an toàn, khi gặp sự cố mà bám víu, nương tựa vào nhau, do đó mạ chưa bao giờ đi một mình, mà rủ dăm ba người cùng đi thành từng tốp. Dụng cụ của mạ chỉ là cái oi đan bằng tre, buộc vào chiếc phao, để nổi bồng bềnh trên mặt nước. Mạ dùng dây vải mềm, một đầu buộc vào miệng oi, đầu kia buộc vào thắt lưng của mạ, đi đến đâu, cái oi trôi theo đến đó. Mạ bắt trìa theo thói quen, quán tính, bằng kinh nghiệm từng trải suốt mấy mươi năm của người dân chài thực thụ. Dùng chân dậm vào mình trìa. Nước lút đến tận cổ, mắt dõi theo từng con sóng đang đua nhau vỗ bờ. Chỉ bằng bàn chân, bằng xúc giác, con nào lớn, bé, hình dạng thế nào, mạ đều biết rõ một cách tường tận và khá sành điệu.
Công việc dậm trìa của mạ nhiều lúc cũng gặp rủi ro mà người ta thường gọi là "tai nạn nghề nghiệp" do dậm phải mảnh chai, đinh thép, sắt gỉ…dưới đáy sông. Chân rướm máu, nhức nhối thịt da. Những lúc đó, mạ bình thản hái lá cây cỏ mực xát vào vết thương, dùng vải mềm buộc chặt. Sáng hôm sau, mạ lại tiếp tục đi dậm trìa để mưu sinh. Chị em tôi chăm chỉ học hành là nguồn động viên lớn để mạ vượt qua biết bao sóng gió và cả sự hiểm nguy của sông nước luôn rình rập. Suốt quãng thời gian đằng đẵng 30 năm qua, một ngày như mọi ngày, mạ vẫn lầm lũi gắn bó với phá để kiếm kế mưu sinh, tìm bắt từng con sò, con trìa nước lợ để ra chợ làng bán mua những phẩm vật khác. Đời mạ là thế đấy! âm thầm lao động, miệt mài lam lũ không quản nắng mưa, mệt nhọc, vất vả để "tiếp lửa" cho các con được đến trường, chỉ mong đàn con chăm ngoan, hiếu thảo, học hành tấn tới là mạ vui lòng. Mạ tôi - người đàn bà cả một đời lam lũ, quanh năm cặm cụi với công việc khai thác trìa "bán mặt cho nước, bán lưng cho trời",... Có lần mạ trở bệnh, mấy bà hàng xóm sang thăm, mạ nắm tay xoa xoa, tâm sự: "Chỉ mới vài ngày không ra Phá là tui đã nhớ lắm rồi, nhớ mùi nước lợ, nhớ cơn gió quen thuộc, nhớ cái mùi của Phá rất đỗi thân thương, và nhớ vu vơ những cảnh vật sóng nước, rong rêu…mà không thể diễn tả bằng lời".
Những ngày này, ở phá Tam Giang nước lụt đang dâng cao, sóng trắng xóa ào ạt đua nhau vỗ bờ, gió thổi mạnh dồn dập tới tấp như nhạc liên khúc; kèm những cơn mưa nặng hạt trút liên hồi, triền miên không ngừng nghỉ. Đất trời xứ Huế đang động dữ dội đấy! Ở phá Tam Giang nước dâng cao cả mét so với ngày thường, tràn ngập các cung đường, ngập úng các nhà dân. Bốn bề toàn là…nước và nước lụt. Mạ ngồi tựa cửa, mắt đăm chiêu nhìn ra đầm phá bạt ngàn sóng nước, đục ngầu màu vàng chạch, miệng lẩm bẩm cầu khấn thượng đế, mong trời yên, gió lặng để sự bình an đến với mọi người, với những người dân nghèo ở xóm chài ven phá Tam Giang…
Tạp bút: Võ Văn Dần