Nhớ thanh âm sắc bùa...
Ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), trong những ngày vui xuân đón Tết, ngoài hô hát bài chòi, hát tuồng, các hoat động văn hóa - thể thao dân gian, còn có một loại hình văn hóa có nguồn gốc từ lâu đời đến nay vẫn còn lưu giữ, đặc biệt tại hai xã Duy Hòa và Duy Châu, đó là lệ hát sắc bùa. Một hình thức diễn xướng kết hợp hát và múa mang ý nghĩa chúc tụng trong những ngày đầu năm mới, cầu mong cho gia đình bình yên, mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt…
Đội hát Sắc Bùa của thôn Thanh Châu xã Duy Châu (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Theo các bậc cao niên tại thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu), các đội sắc bùa thường biểu diễn vào thời khắc đêm giao thừa, đánh dấu một năm mới với nhiều ước vọng an lành... Các đội sắc bùa chủ yếu hát chúc nhau các gia đình trong thôn xóm, ngoài ra biểu diễn ở các đình làng, nhà thờ tộc họ khi được mời. Thành viên của các đội hát sắc bùa luôn là nam giới và nhạc cụ khá phong phú như là phách tre, sinh tiền, trống cơm... Ông Võ Văn Thụy - Đội sắc bùa thôn Thanh Châu, xã Duy Châu cho biết: Bây giờ đã vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng tôi vẫn còn nhớ như in ngày trước, thời ông bà cha mẹ tôi. Thời đó, cứ mỗi độ xuân về, các cụ ông trong làng lại đi chúc Tết bằng những câu hát sắc bùa với mong muốn sang năm mới nhà nhà sẽ làm ăn khấm khá, sức khỏe dồi dào....". Nói rồi, ông Thụy hát đôi câu sắc bùa: "Xin ông mở ngõ cho chúng tôi vào/ Đầu xuân tôi mới bước vào/ Trước mừng mặt ông bà/ Sau xin hầu tổ tiên"… Thường vào đêm cuối năm, không khí Tết tràn ngập trên khắp các nẻo đường quê. Nhà nhà ai nấy đang tất bật sửa soạn cho ngày Tết cổ truyền và chờ đợi giây phút giao thừa thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới.
Các bài hát sắc bùa thường bắt đầu bằng các bài "Đến ngõ", "Mở ngõ", tiếp theo là các bài hát "Dâng hương", bài chúc Tết gia chủ, chúc xuân trong không khí hân hoan, lòng người tràn ngập niềm vui trong những ngày đầu năm mới. Và, tùy theo gia chủ hành nghề gì, đội sẽ hát bài ấy, từ nghề nông, nghề mộc, thợ dệt đến các ngành nghề buôn bán nhỏ lẻ khác... Sau đó, đội sẽ hát những bài hát góp vui ngẫu hứng hoặc hát theo yêu cầu của gia chủ. Ông Nguyễn Đồng - Đội sắc bùa thôn Thanh Châu, xã Duy Châu cho biết: Hiện nay, tại xã Duy Châu và Duy Hòa (Duy Xuyên), việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát sắc bùa góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hướng tới xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Các làn điệu hát sắc bùa rất thi vị, mộc mạc, gần gũi đi vào tâm thức của người dân với tình yêu quê hương, lối sống nghĩa tình. Trong tiếng trống, tiếng gõ sinh tiền của từng thành viên đội hát sắc bùa, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được sự chân tình, mộc mạc từ lời ca vang lên chính trong cuộc sống lao động, sản xuất. Ẩn chứa trong đó là cả niềm khát vọng về một cuộc sống thanh bình, yên ả, về một mùa xuân an lành, hạnh phúc.
Thời gian trước đây, những năm chưa có dịch bệnh COVID-19, vào những ngày giáp Tết, các đội hát sắc bùa ở Duy Châu, Duy Hòa lại chuẩn bị cho năm mới rộn ràng. Đội trưởng hát sắc bùa thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa là ông Nguyễn Long. Ông Long năm nay 83 tuổi nhưng rất ham mê nghệ thuật hát sắc bùa. Ông thuộc trên 20 bài hát sắc bùa, lại có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả đội và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. Ông Nguyễn Long chia sẻ: "Tôi còn nhớ năm tôi lên 10 tuổi, tôi rất mê hát sắc bùa và theo cậu ruột của mình đi hát trong những ngày xuân. Chiến tranh loạn lạc đội cũng tan rã. Sau ngày giải phóng, rồi đến bây giờ, tôi vẫn còn mê hát sắc bùa nên mua sắm dụng cụ và thành lập một đội hát sắc bùa duy trì cho đến nay".
Thường vào sau giao thừa, toàn đội tập trung tại nhà đội trưởng và bắt đầu đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng, toàn đội sắc bùa sẽ vỗ trống cơm, gõ sinh tiền và hát các bài hát sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia chủ mà đội sẽ hát tặng những bài hát phù hợp. Và bài "Chúc gia đình ông bà" được hầu hết nhà nhà yêu thích bởi bài hát này đậm dà tình cảm gia đình keo sơn: "Chúc cho ông bà, phú quý sang giàu/ Chúc cho vườn tược trước sau/ Chúc cho cây mít, cây cau, cây trầu/ Ông bà trồng trọt bấy lâu/ Bán được cây trầu, tiền được dư trăm"...
Sau ba hồi trống vang lên, những khúc dạo đầu để chủ nhà ra ngõ đón khách và người đi hát nói lên mục đích đến nhà "mở ngõ, khai môn" và bắt nhịp cho những người còn lại hát theo: "Mở ngõ, mở ngõ, trong nhà ngoài ngõ, đèn đuốc huy hoàng, năm mới đã sang..."…. Xuân về Tết đến, trong âm thanh của tiếng trống, tiếng gõ sinh tiền và từng bài hát sắc bùa, chắc hẳn ai cũng "cảm xuân" bằng tất cả từ những thanh âm của nghệ thuật hát sắc bùa mùa xuân quê xứ. Đi chúc Tết các gia đình bằng những câu hát sắc bùa với lời chúc ý nghĩa nhất đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ như là nét văn hóa đặc sắc.
Năm nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp nên "lệ" hát sắc bùa không thực hiện được. Bao giờ, làng trên xóm dưới những vùng quê này của xứ Quảng lại vang lên thanh âm của hát sắc bùa mỗi dịp Tết đến xuân về? Lòng ai cũng chùng lại, nhất là các bậc cao niên luôn nhớ thanh âm hát sắc bùa…
QUYÊN QUYÊN