Nhớ về “cha đẻ” Singapore
(Cadn.com.vn) - Đối với người dân Singapore, ông Lý Quang Diệu sẽ mãi mãi được nhớ đến như một người có công biến một thuộc địa đầy đầm lầy thành trung tâm tài chính thịnh vượng với đường phố sạch sẽ, các tòa nhà chọc trời lung linh và một chính phủ ổn định.
Sinh năm 1923, ông Lý trở thành Thủ tướng vào năm 1959 khi Singapore, hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên thiên nhiên và bị bủa vây bởi các cuộc bạo loạn và bất ổn. Ông cho biết, những trải nghiệm trong thời gian Nhật chiếm đóng Singapore khiến ông quyết định tham gia vào con đường chính trị. “Tôi học được cách mọi người sống sót và cách mọi người quy phục, bởi vì bạn cần phải ăn và gia đình bạn cần để sống, vì vậy tôi đã hiểu được ý nghĩa của quyền lực”, ông nói với CNN năm 2002.
Singapore vào năm 1959 đang nỗ lực hồi phục sau sự tàn phá của chiến tranh và hoàn toàn khác biệt với Singapore ngày nay. Nhà lãnh đạo lúc đó tập trung vào việc thu hút đầu tư và tạo việc làm; đầu tiên là thành công trong việc sản xuất thiết bị điện tử bằng cách giới thiệu Singapore như là một thay thế cho Hồng Kông, vốn đang trong tình trạng hỗn loạn do cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.
Năm 1965, ông chủ trì chia tách Singapore khỏi Malaysia và đưa quốc gia độc lập trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu hiện nay. “Tôi cố gắng tạo ra một ốc đảo tiên trên thế giới”, ông Lý từng nói trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2008. Đường hướng của ông Lý cũng tác động lớn đến cộng đồng quốc tế. Thương hiệu chủ nghĩa tư bản của ông - trong đó nhấn mạnh vai trò của chính phủ hơn là bàn tay tự do của thị trường - cung cấp kế hoạch chi tiết cho cuộc cải cách kinh tế mang tính bước ngoặt của Trung Quốc.
Ông Lý tự nguyện từ chức Thủ tướng vào năm 1990 và trở thành người hùng Châu Á đầu tiên làm như vậy. Tuy nhiên, ông đóng một vai trò quan trọng trong Nội các cho đến năm 2011 khi con trai Lý Hiển Long, được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ II.
An Bình