Nhớ về khu chiến Nông Sơn-Trung Phước

Thứ ba, 17/07/2012 00:00

Kỳ 1: Chiến thắng cường địch

(Cadn.com.vn) - Ký Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút quân nhưng ngụy quyền Sài Gòn lật lọng, thực hiện âm mưu "tràn ngập lãnh thổ'', giành đất, cắm cờ. Chúng đánh vào sự trung thành thi hành Hiệp định và mong muốn hòa bình của ta để chiếm lại phần đất đã mất và thật sự chúng gần như lấn chiếm lại gần hết vùng giải phóng của Quảng Đà. Cơ quan Báo giải phóng Quảng Đà phải rời vùng đồng bằng Xuyên Thanh, Gò Nổi, Xuyên Trà, lui về đóng trên núi Hòn Tàu, lúc thì ở trong hóc núi Cù Hang, lúc ở trong một hang đá bên bờ con khe Dâu. Khó mà phân biệt con khe nhiều đá ấy là của Quảng Nam hay Quảng Đà, càng không thể biết con khe chảy qua đất Quế Sơn hay đất của Duy Xuyên! Từ một hang đá trên bờ con khe Dâu, chúng tôi xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất... mua gạo, mắm, băng rừng, vượt đèo Le lên Sơn Phúc (nay là Quế Trung) tìm đất dân làng bỏ hoang cuốc đất trồng khoai, cấy lúa. Chúng tôi đang sản xuất tự túc ở thôn 1 Sơn Phúc thì được tin giải phóng Nông Sơn.

Nông Sơn-Trung Phước là một trong 3 ''khu chiến'' trong chiến dịch Thu-1974. Chiến dịch diễn ra trên một trận địa có diện rộng trên vùng đồi núi Tây Quảng Nam, từ Hòn Chiêng-Quế Sơn, đến An Hòa- Đức Dục, Duy Xuyên, từ Nông Sơn-Trung Phước của Quảng Nam kéo ra đến Thượng Đức-Đại Lộc của Quảng Đà. Là chiến dịch nhằm tiêu diệt các căn cứ địch chốt sâu trong vùng giải phóng của ta ở Nông Sơn và Thượng Đức, câu chủ lực địch ra ứng cứu giải vây để ta có thể tiêu diệt một lực lượng quan trọng chủ lực địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, uy hiếp căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng của địch từ phía tây nam.

Những người lính chiến thắng tại khu chiến Nông Sơn-Trung Phước ngày ấy. 

Căn cứ Nông Sơn chốt chặn trên một đồi cao 298m bên bờ sông Thu Bồn. Trong lòng núi này có mỏ than Nông Sơn được khai thác từ thời thực dân Pháp cai trị nước ta. Phía Nam sông Thu Bồn là núi Cà Tang cao 462m, luôn có một trung đội địch từ Nông Sơn điều sang cảnh giới cho cả vùng rộng lớn hai bên bờ sông Thu Bồn từ Thạch Bích xuống đến Q. Đức Dục. Cứ điểm chốt giữa vùng giải phóng của ta, chúng gây nên rất nhiều khó khăn và gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác với nhân dân vùng giải phóng Hiệp Đức-Quế Sơn. Tham gia ở khu chiến này có Sư đoàn 2 bộ binh do Sư trưởng Nguyễn Chơn chỉ huy, có Trung đoàn Pháo binh 572, Trung đoàn Pháo cao xạ 573. Ngoài các hoạt động phối hợp chiến trường diễn ra ở nhiều nơi, lực lượng của tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ cùng bộ đội công binh mở con đường chạy ven dưới chân các chốt điểm của địch ở Hòn Chiêng, Động Mông, Đá Hàm. Công binh Sư đoàn 2 có xe cơ giới cùng lực lượng của các Ban giao thông và nhân dân ngày đêm xúc, ủi đất đắp đường. Đường thông đến đâu thì hàng vận chuyển đến đó. Để che mắt địch, ta đưa một vài xe máy cày nổ máy cày xới trên cánh đồng Sơn Khánh. Tiếng xe cày nổ ầm ầm hòa trong tiếng xe ô-tô vận chuyển vũ khí rùng rùng vang vọng núi đồi làm cho dân trong vùng vui mừng và hy vọng một trận đánh lớn đang sắp diễn ra.

Phục vụ chiến dịch, Tỉnh ủy Quảng Nam đã huy động 460 cán bộ các ban, ngành, đoàn thể tham gia. Đồng chí Hoàng Minh Thắng, Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung, đồng chí Đỗ Thế Chấp lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách học tập các chính sách của Đảng và Mặt trận để chuẩn bị tiếp quản Nông Sơn-Trung Phước. Cùng với tinh thần tiếp quản, đón tiếp dân xây dựng vùng giải phóng, Ban giao bưu của tỉnh chuyển Trạm Trà Linh xuống Thạch Bích, hình thành một tuyến đường giao liên mới từ Sơn Phúc đi Thạch Bích, rút ngắn đoạn đường, không phải mất 2 giờ đồng hồ đi thuyền trên sông Thu Bồn.

 Về thăm chiến trường xưa.

Thời gian này cán bộ Quảng Nam, Quảng Đà, thỉnh thoảng không phải xuống Phú Diên, Đồng Lùng lấy gạo mà đi ngược lên bến Trà Linh-Tân An gùi gạo ''xã hội chủ nghĩa'' về ăn. Mỗi chuyến đi, anh chị em còn được ăn những chiếc bánh B1, B2 của ''xã hội chủ nghĩa'' viện trợ. Xe ô-tô chạy giữa ban ngày không ngụy trang, thỉnh thoảng dừng lại một trạm đổ xuống mấy bao gạo trắng non phân phát cho dân bám trụ. Từ những chuyến xe như thế bộ đội ta đưa được hàng trăm tấn vũ khí, lương thực vào tận khu chiến mà địch không hay biết.

Sáng 17-7-1974, trong lúc quân ta đang triển khai chiếm lĩnh trận địa thì địch đưa Tiểu đoàn 3, trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 ngụy lên thay cho tiểu đoàn biệt động 78. Theo kế hoạch quân ta nổ súng đánh địch ở vòng ngoài để thực hiện theo yêu cầu của chiến dịch. Đến tối 17-7, hai tiểu đoàn địch chưa bàn giao xong. Lực lượng địch ở Nông Sơn tăng gấp đôi. 18 giờ, qua điện thoại trực tiếp, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, Võ Chí Công gọi điện cho Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn hỏi địch tăng thêm một tiểu đoàn, quyết tâm của sư đoàn có thay đổi gì không? Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn trả lời, sư đoàn vẫn giữ nguyên quyết tâm. Địch tăng quân chỉ có khác là, đáng lẽ một hố chiến đấu diệt một tên địch thì bây giờ là hai tên địch. Địch càng đông càng dễ rối loạn. Tư lệnh và Chính ủy sư đoàn nhận định và quyết tâm, xem đây là lúc kẻ đi chưa thoát, kẻ đến chưa tường, là cơ hội đánh thắng địch. Song Sư trưởng sư 2 vẫn lệnh cho Trung đoàn 38 điều một tiểu đoàn dự bị cho Trung đoàn 31 và giao khu mỏ than Nông Sơn cho lực lượng địa phương Quảng Nam đảm trách.

0 giờ 15 ngày 18-7, nổ súng diệt chốt điểm Cà Tang. Đến 6 giờ ngày 18-7, ta đã quét sạch hệ thống chốt điềm của bảo an, dân vệ, tề điệp. 16 giờ cùng ngày, tất cả các trận địa pháo của ta lại dồn dập nã đạn pháo vào cứ điểm địch. 16 giờ 30, bộ binh xung phong tấn công vào chiếm lĩnh mục tiêu. 17 giờ 5 ngày 18-7 1974, lá cờ chiến thắng Sư đoàn 2 giao cho Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 được cắm trên nắp hầm chỉ huy cao điểm Nông Sơn. Hai tiểu đoàn quân ngụy bị tiêu diệt hoàn toàn, ngoài số bị giết, phần lớn bị ta bắt làm tù binh...

Hồ Duy Lệ
(còn nữa)