Nhu cầu nhân lực tại TP Hồ Chí Minh tăng vào cuối năm
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), thị trường lao động thành phố trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực kể cả khu vực chính thức và phi chính thức. Đây là cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường, người lao động tìm việc, người lao động bị mất việc vì dịch Covid-19 và cả nhóm người dịch chuyển lao động trong giai đoạn hiện nay.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm, có khoảng 62.000- 65.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh, thương mại; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ phục vụ; công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông; điện, điện tử, điện lạnh; dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm… Trong số đó, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,26%, bao gồm: đại học chiếm tỷ lệ 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31% và sơ cấp chiếm 14,26%.
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết dịch Covid19 bùng phát đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thương mại, xuất nhập khẩu. Việc kiểm soát được dịch Covid-19 trong nước, nhất là sau đợt bùng phát lần thứ hai, cho thấy những tín hiệu khả quan hơn khi nhiều doanh nghiệp từng bước phục hồi ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; các hoạt động xuất-nhập khẩu cũng đang được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế của thị trường trọng điểm như châu Âu (EU), Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm.
P.V