Như muối ướp nỗi đau tươi mãi
(Cadn.com.vn) - Tôi ngồi yên lặng khá lâu trước chiếc laptop cũ càng của mình khi gõ những dòng này về tập Thơ ngắn của Nguyễn Hoa. Một tập thơ mỏng, lại toàn là những bài thơ ngắn, thế mà tôi đã cất công đọc nó cả tháng trời, và mấy lần định viết nhưng lại hẹn... để đọc thêm một lần nữa hãy viết, không nên vội vàng... Từ khi làm quen với thể thơ Haiku của Nhật Bản, lại được Giáo sư Lưu Đức Trung tặng cho mấy tập thơ Haiku Việt của Giáo sư, lại là người dịch tập thơ ngắn Bầy chim lạc (Stray Birds) của nhà thơ vĩ đại Ấn Độ Rabindranath Tagore, tôi rất “cảnh giác” khi đọc... những bài thơ ngắn. Đừng đọc thơ ngắn như những bài thơ dài hoặc không ngắn; đọc thơ ngắn nên đọc chậm rãi, đọc từng chữ, để cái chữ ngấm vào mình, cũng đừng đọc một lần mà phải đọc nhiều lần, mỗi lần đọc phát hiện một ít, nhiều lần đọc sẽ hiểu đầy đủ hơn cái riêng tư của nó.
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Hoa. |
Ví như trong Thơ ngắn của Nguyễn Hoa, Muối là bài thơ ngắn nhất trong tập: Em là muối/ Ướp nỗi đau/ Tươi mãi! Toàn bài chỉ có 8 chữ và một dấu chấm than (!), được ngắt thành 3 dòng, nhưng đã gây một tiếng vang thâm trầm trong tôi khi đọc nó. Muối thì mặn, nỗi đau là vết thương, thông thường xát muối vào vết thương thì rát lắm; nhưng muối là em; em ướp muối lên nỗi đau của anh, thì nỗi đau hóa thành tình yêu, xanh tươi mãi mãi.
Nguyễn Hoa có được những người bạn tri kỷ, rất hiểu anh, chỉ ra được cái sở trường làm thơ ngắn của anh. Nguyễn Trọng Tạo nhận xét, Nguyễn Hoa là “nhà thơ trọng chữ, kiệm lời”. Trịnh Thanh Sơn thì bảo, Nguyễn Hoa có “ý thức dụng công tinh lọc chữ”. Trần Hoài Anh thì cho rằng, chữ trong thơ Nguyễn Hoa là “kiếp chữ”. Còn Nguyễn Hoa thì tự nhận, chữ là “những mảnh vụn của trái tim tôi”. Tất cả những điều vừa kể đều đúng với Nguyễn Hoa, hiểu nhau lắm và tự hiểu mình lắm mới nói ra được những điều như thế.
Với tôi, cái làm nên bản sắc những bài thơ ngắn của Nguyễn Hoa chính là sự gắn kết ba trong một: ý, tứ và chữ. Chữ trong thơ Nguyễn Hoa không làm kiếp phu chữ bình thường, không làm Osin của ý và tứ, mà hóa thân vào ý và tứ, đồng hành cùng ý và tứ, làm nên giá trị của câu thơ, bài thơ. Và dù là thơ ngắn, trong một số bài thơ, Nguyễn Hoa đã chạm được đến những suy nghĩ mang tính triết luận về thế giới và cõi người ta, như khi anh viết về những bông hoa Ưu Đàm, một loại hoa mà theo truyền thuyết nhà Phật phải 3.000 năm mới nở một lần: “trắng tinh khiết/ vía hồn/trổ bông” (Hoa Ưu Điềm); hay khi anh hỏi một người đang nằm trên phao bơi rằng: “Anh có nghe/ biển dưới lưng/ đang sóng/ réo gào nỗi đau chạm bờ!” (Trên biển); hay là khi anh viết về con chim sơn ca đang mải mê hót và người thợ săn giương súng rình mồi “Mà không hay biết/ Chim sơn ca vẫn hót/ Cả cho số phận mình!” (Chim sơn ca)...
![]() |
Tôi nhớ, khi dịch bài thơ số 219 trong Bầy chim lạc của Tagore, bài thơ chỉ một câu giản dị thế này thôi, mà sau nhiều năm chuyển ngữ từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt vẫn còn ám ảnh tôi: “Con người độc ác, nhưng nhân loại tốt bụng” (Men are cruel, but Man is kind ). Cùng niềm tin với nhà thơ được xem là “kỳ công thứ hai” trong lịch sử văn học Ấn Độ (kỳ công thứ nhất trong văn học Ấn Độ là nhà thơ Kalidasa), một số bài thơ trong Thơ ngắn của Nguyễn Hoa mang tính nhân loại, và mong ước rằng, thơ như những mảnh vụn trái tim của nhà thơ khi vỡ ra sẽ trở thành những hạt giống nhỏ được đặt vào bàn tay con người và được ngã nhào lên mặt đất...: “Khi những con chữ/ Mảnh vụn trái tim tôi/ Vỡ.../ Được đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ/ Và bạn ơi/ tôi làm sao không sung sướng/ Được ngã nhào thành mặt đất ươm cây!” (Mặt đất ươm cây). Cứ theo ý tại ngôn ngoại mà bàn, đây là nỗi khát khao của bản ngã con người muốn được hòa vào đại ngã vũ trụ, hay dùng từ ngữ của kinh Veda thì Atman muốn hòa vào Bhraman làm một.
Nguyễn Hoa yêu thương thế giới này và yêu thương đất nước. Hình ảnh đất nước, từ biên cương vào mùa hoa lau chín đến Hà Nội có mưa trong mùa hè, từ “Sấm nở”, “Mùa thu tự trong” đến “Trời xanh mây trắng nắng vàng”... của đất nước đều hiển hiện trong Thơ ngắn, nhưng với một sắc thái khác, ở góc nhìn khác, dịu dàng, thanh bình, khác với đất nước thời chiến tranh và những năm sau ngày hòa bình được phản ánh trong tập thơ Máy bay đang bay và những bài thơ khác của anh mà tôi đã có dịp giới thiệu. Và tất nhiên, Nguyễn Hoa của chúng ta vẫn yêu đấy, vẫn còn muốn hái những đóa hoa hồng để tặng cho tình nhân; và là nhà thơ, anh tiếp tục trăn trở với thơ: “Không viết được/ “Những câu thơ thật đẹp”/ Tôi bỏ tôi/ Như đêm tối lẩn vào/ Đêm tối/ Để không thấy bóng mình”.
Theo tôi biết, Nguyễn Hoa là nhà thơ có khá nhiều tập thơ đã xuất bản và hiện nay vẫn là nhà thơ viết khỏe, in nhiều. Làm gì có chuyện anh “không viết được” thơ nữa. “Những câu thơ thật đẹp” (câu thơ của Chính Hữu mà anh trích dẫn trong thơ mình) đang chờ anh. Thơ vẫn cứ như người tình, ướp nuối để nỗi đau của anh tươi mãi...
Bùi Xuân