Như sông Thao chảy mãi...

Thứ bảy, 19/08/2017 11:37

Quê gốc Hà Tĩnh, nhưng chẳng hiểu vì sao ông lại được đặt tên là Sông Thao - Trần Sông Thao, “là dòng sông chính của sông Hồng chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ” (theo Wikipedia - PV). Gặp ông, biết những việc ông làm, những gì ông đã cống hiến cho xã hội, tôi lại liên tưởng cuộc đời ông như dòng sông Thao chảy mãi...

Ngoài công việc xã hội, đi tìm mộ liệt sĩ...,
niềm vui của CCB Trần Sông Thao và vợ là được sum vầy bên con cháu.

Tàn nhưng không phế

Cựu chiến binh (CCB), thương binh Trần Sông Thao (1953) sinh ra và lớn lên tại xã Cẩm Thành, H. Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Sông Thao lên đường nhập ngũ. Vốn sức trẻ, lại dạn dày sông nước, ông được biên chế về huấn luyện tại đơn vị Đoàn đặc công nước 126 Hải quân. Năm 1972, ông hành quân vào Nam chiến đấu, được bổ sung về đơn vị Đại đội Đặc công nước C170, Mặt trận 44 Quảng Đà. Thời gian này, ông và đồng đội đã lập nên nhiều chiến công về đánh cầu, tàu, ngăn chặn đường vận chuyển của địch. Những trận đánh ấy đã được lưu vào sử sách và trở thành những bài học kinh nghiệm quý báu trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam… Trở về sau ngày đất nước hòa bình, ông mang trên mình tỷ lệ thương tật 65% nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác, kinh qua nhiều đơn vị, đến năm 1993, do sức khỏe giảm sút, thương tật tái phát phải đi điều trị dài ngày, ông mới nghỉ theo chế độ. Về đời thường với hai bàn tay trắng, đồng lương ít ỏi đã buộc ông phải trăn trở, dằn vặt. Nhiều đêm trằn trọc, tự vấn bản thân phải làm gì, làm như thế nào để vừa phù hợp với sức khỏe, vừa có thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học... Với tính cách của người lính từng kinh qua trận mạc, ông không quản ngại bất cứ việc gì, từ thu mua phế liệu, nấu rượu nuôi heo, xay xát chế biến thức ăn chăn nuôi, đến trồng rừng... Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông quyết định đầu tư chăn nuôi, sau đó tích lũy vốn để trồng cây gây rừng. Ban đầu, nhận canh tác khoảng 2ha đất trống đồi núi trọc tại xã Hòa Phú (H Hòa Vang, Đà Nẵng), dần dần vợ chồng ông mở rộng thêm lên 5ha, sau đó là hơn 10ha... Đến nay, kinh tế vườn rừng đã giúp gia đình CCB Trần Sông Thao từ chỗ khó khăn đến có của ăn của để, con cái có điều kiện học hành, thành đạt.

Không những chăm lo cho gia đình, CCB Trần Sông Thao còn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ tổ trưởng tổ dân phố, đến Chi hội trưởng CCB, Chi hội trưởng Người cao tuổi, Chi hội phó CLB Thái Phiên P. Khuê Trung (Q Cẩm Lệ)... Ở vị trí nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp các ngành từ Trung ương, thành phố đến quận, phường khen thưởng.

Nặng lòng với đồng đội

Một trong những công việc mà CCB Trần Sông Thao đóng góp cho xã hội, được nhiều người trân trọng, ghi nhận và tri ân, đó là trong nhiều năm qua, mặc dù thương tật tái phát, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn thường xuyên trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm phần mộ của các liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tính đến nay, ông đã tìm và cung cấp thông tin về 18 phần mộ liệt sĩ, trong đó có 15 phần mộ đã được thông báo cho gia đình và người thân đưa về quê các tỉnh phía Bắc, 3 phần mộ được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang) an táng, chăm sóc chu đáo. Gần đây nhất, vào ngày 2-6-2017, nhận được tin báo có mộ liệt sĩ nằm sâu trong núi Chúa Bà Nà, ông đã nhờ người dân dẫn đường và may mắn đã xác nhận được 4 phần mộ liệt sĩ thuộc đơn vị bộ đội chủ lực Quảng Đà, hy sinh tại cánh Trung Hòa Vang. Hiện thông tin này đã được ông chuyển Ban Chính sách của Bộ CHQS TP Đà Nẵng. Hỏi, nguyện vọng lớn nhất của ông hiện tại là gì? Ông thành thật chia sẻ, rằng bản thân không mong gì hơn ngoài sức khỏe, sự minh mẫn. “Có sức khỏe để có thể đi được nhiều hơn, xa hơn; sự minh mẫn để có thể nhớ lại những nơi đồng đội hy sinh, nơi được chôn cất để tìm về”, CCB Trần Sông Thao rưng rưng.

Cũng theo ông, trải qua chinh chiến trận mạc, được sống trở về là hạnh phúc lắm rồi, nên phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát của đồng chí đồng đội. “Thử nghĩ xem, nhiều đồng chí đồng đội tôi đến nay vẫn nằm đâu đó dưới lòng sông đáy bể, hay vùng rừng núi xa xôi, trong khi  mình được hưởng cuộc sống ấm no, thanh bình. Nếu không sống cho xứng đáng, cho tử tế thì liệu mình có thanh thản được không?”, CCB Trần Sông Thao tâm sự. Và cũng chính từ suy nghĩ nghĩa tình ấy, vợ chồng ông đã quyết chí làm ăn, tự vươn lên thoát nghèo mà không trông chờ ỷ lại để hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước… Hỏi, hành trình đi tìm đồng đội của ông liệu sẽ bị gián đoạn, ông bảo “khi đồng đội còn đang nằm đâu đó trong lòng đất Mẹ, là tôi còn tiếp tục tìm kiếm, trừ khi không còn đủ sức khỏe để đi nữa”. Và niềm tin ấy có cơ sở bởi sau lưng ông có rất nhiều điểm tựa, đặc biệt là vợ ông - bà Đoàn Thị Thanh Thùy. Cũng là thương binh nên bà hiểu, chia sẻ, cảm thông với ông. Và thực tế bao năm qua, bà chính là động lực tinh thần, là “đôi chân và con mắt” luôn hết lòng hỗ trợ chồng trên hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đồng đội...

D.HÙNG