Nhức đầu với cơ sở sản xuất bánh dừa!
Bức xúc vì cơ sở làm bánh dừa gây ô nhiễm môi trường và gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới cuộc sống, nhiều hộ dân P. An Sơn (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cơ sở sản xuất bánh dừa của ông Tiến nằm trong khu dân cư. |
Có mặt tại Văn phòng đại diện Báo Công an TP Đà Nẵng tại Tam Kỳ, bà Lý Thị Luật (trú 20-Hoàng Hoa Thám, Tam Kỳ) cho biết, bà vô cùng mệt mỏi bởi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng sinh hoạt lại bị xáo trộn chỉ vì hàng xóm gây tiếng ồn nặng nề. Bà Luật tâm sự: “Không ai mong muốn dính vào kiện tụng, nhất là tình làng nghĩa xóm, nhưng quả thật gia đình tôi và nhiều hộ khác trong khu phố quá bức xúc. Nguyên nhân là hộ ông Phan Văn Tiến (nhà số 22- Hoàng Hoa Thám) cũng đồng thời là cơ sở sản xuất bánh dừa từ năm 2007 đến nay gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng tôi. Cả ngày từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều tiếng máy móc làm dừa ầm ĩ cộng thêm nước thải từ việc rửa dừa chảy tràn ra bên ngoài lối thoát hiểm gây trơn trượt, ô nhiễm. Không dừng lại ở đó, khói nướng dừa tỏa lên trần nhà khiến quần áo của chúng tôi phơi cũng toàn mùi dừa”.
Theo bà Luật, trước khi gia đình bà có ý kiến khiếu nại thì bà Nguyễn Thị Thọ (1968, nhà số 109- Đỗ Thế Chấp, sau lưng nhà ông Tiến) cũng đã từng làm đơn khiếu nại lên chính quyền. Trong đơn khiếu nại, ngoài bà Thọ còn có 3 gia đình khác cũng đồng thời ký tên yêu cầu cơ sở của ông Tiến phải di dời đến địa điểm khác. Thời điểm đó P. An Sơn đã đến cơ sở ông Tiến làm việc và ông Tiến “đối phó” bằng cách xây bức tường ngăn cách nhưng trên thực tế tiếng ồn vẫn nghe rất rõ, khói bụi vẫn tràn sang nhà bên cạnh. Bất lực trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn bà Thọ đã dời đi nơi khác sinh sống. Chị Trang (cháu gái bà Luật) phân tích: “Nếu họ chỉ làm một thời gian ngắn thì chúng tôi cũng không nói làm gì đằng này việc ô nhiễm đã kéo dài suốt nhiều năm khiến gia đình tôi mất ăn mất ngủ. Trước đây khi còn làm thủ công thì việc ô nhiễm không quá nghiêm trọng nhưng sau này ông Tiến cải tiến máy móc thì hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm. Thiết nghĩ đây là khu dân cư, việc sản xuất quy mô như vậy không thể tiến hành ở đây mà là ở khu công nghiệp nhưng ông Tiến vẫn ngang nhiên hoạt động mà không thấy ai đả động gì”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc sản xuất bánh dừa cơ sở nhà ông Tiến đã được cấp phép sản xuất tuy nhiên quy mô của cơ sở này càng ngày càng mở rộng với nhiều máy móc thiết bị vì vậy mức độ ô nhiễm ngày càng tăng cao.
“Họ lợi dụng có giấy phép sản xuất nên không ngại khi chúng tôi ý kiến lên phường. Thậm chí sau khi đoàn kiểm tra xuống kiểm tra thì họ còn sang nhà tôi thách thức, nói những lời xúc phạm”, bà Luật cho biết.
Sau khi người dân phản ảnh, chủ cơ sở xây dựng bức tường chắn sau lối thoát hiểm để... cách âm! |
Tại hiện trường mà người dân phản ánh, chúng tôi nhận thấy ngôi nhà của ông Tiến nằm sát vách với các hộ dân khác trong khu dân cư nên tiếng ồn gây ra trong sản xuất là không nhỏ. Thông tin tìm hiểu của chúng tôi, sau khi tiếp nhận thông tin khiếu nại của các hộ dân, UBND TP Tam Kỳ đã chỉ đạo Phòng TN-MT và Công an TP Tam Kỳ kiểm tra xử lý. Gia đình ông Tiến hứa xong vụ Tết sẽ khắc phục tuy nhiên đến thời điểm này mọi việc vẫn tiếp diễn. Trao đổi với ông Dương Văn Chí- Trưởng phòng TN-MT TP Tam Kỳ, ông Chí xác nhận việc nhiều hộ dân P. An Sơn bức xúc với cơ sở làm bánh dừa này là có thật. “Ngay sau khi có đơn khiếu nại của người dân chúng tôi đã tiến hành kiểm tra cơ sở này và trong giấy phép kinh doanh ngành nghề của họ là phù hợp nên bước đầu chỉ nhắc nhở. Đối với việc ô nhiễm tiếng ồn, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và sẽ có thông tin trở lại cho báo chí được biết”.
Thiết nghĩ, sự bức xúc của gia đình bà Luật và các hộ dân đối với cơ sở làm bánh của ông Tiến là có cơ sở bởi để sản xuất bánh dừa phải trải qua rất nhiều công đoạn gây tiếng ồn mạnh. Đề nghị UBND TP Tam Kỳ và UBND P. An Sơn sớm có biện pháp khắc phục, nhất là khi tuyến đường Hoàng Hoa Thám vừa được công nhận là tuyến phố xanh- sạch- đẹp.
ĐỒNG DAO