Nhức nhối nạn lấn chiếm rừng để trồng cây keo
Do công tác quản lý rừng ở nhiều địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng rừng phòng hộ, khoanh nuôi bảo vệ bị người dân đốn hạ, xâm lấn để trồng cây keo trên diện rộng. Hơn lúc nào hết, chính quyền tỉnh Quảng Nam, các đơn vị chức năng liên quan cần triển khai nhiều giải pháp “căn cơ” hơn để giữ màu xanh của rừng tự nhiên.
Nhiều cây gỗ cổ thụ tại tiểu khu 543 bị đốn hạ. |
Chiếm rừng trồng cây keo
Nhiều năm qua, tình trạng người dân đốn hạ, lấn chiếm rừng phòng hộ, rừng được khoanh nuôi bảo vệ để trồng cây keo diễn ra rất phức tạp tại nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, đã được các cơ quan báo chí phản ánh.
Mới đây, người dân thôn Cẩm Đông (xã Tiên Cẩm, H. Tiên Phước) phản ánh đến Văn phòng Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng tại Quảng Nam việc tiểu khu 543 thuộc khu rừng được khoanh nuôi bảo vệ (thôn Cẩm Đông) đang bị “xẻ thịt” để lấy đất trồng cây keo. Theo đó, sáng 7-8, nhóm phóng viên đã về đây tìm hiểu sự việc. Gần 1 giờ lội bộ băng qua những đồi cây keo theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến khu vực tiểu khu 543 đang bị tàn phá.
Đến rìa khu rừng, phóng viên nhận thấy những triền cây keo cao hơn 1m mọc lên xen lẫn những cây rừng bị đốt cháy còn sót lại. Tiếp đến là khu vực đang bị đốn hạ cây gỗ nằm la liệt trên diện rộng. Tại khu vực Eo Rọ và Ruộng Rồng (thuộc tiểu khu 543), có hơn 2ha cây rừng mới bị triệt hạ nằm ngổn ngang, những bụi rậm cũng được phát dọn sạch sẽ. Những cây bị đốn hạ nhiều ngày lá và thân cây đã bắt ngả màu vàng khô héo. Còn những khu vực mới hạ cách đây vài ngày nhựa cây vẫn còn tươm ra. Quan sát chúng tôi nhận thấy, phần lớn cây gỗ ở đây đường kính từ 20-30cm, trong đó có cây gỗ lớn đường kính 0,8m. Tại khu vực giữa tiểu khu 543, chúng tôi ghi nhận có hơn 1ha rừng đã bị đốn hạ, đốt cháy để chuẩn bị trồng thay thế cây keo.
Trò chuyện với chúng tôi, anh T., người dân địa phương cho biết, khi phát hiện tình trạng phá rừng, người dân liền báo cho chính quyền địa phương xử lý. Nhưng do địa phương “làm ngơ” dẫn đến khu rừng bị tàn phá suốt nhiều năm qua. Những kẻ phá rừng cũng là người dân địa phương, nhưng họ có cán bộ địa phương “chống lưng” nên không sợ ai. Mấy năm nay, hơn 40ha rừng tại đây đã bị đốn hạ, xâm lấn để trồng cây keo.
“Khu rừng có chức năng giữ nguồn nước nên đa phần người dân ý thức không phá rừng. Tuy nhiên, nhiều kẻ vì lợi ích cá nhân đã nhẫn tân tàn phá khu rừng. Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, xử lý không nghiêm nên họ không sợ. Mất rừng, mất thảm thực vật dẫn đến nguồn nước ở đây cũng khô cạn dần. Mấy năm nay, cứ đến mùa khô là người dân địa phương lại lo lắng tình trạng thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này thì vài năm nữa khu rừng sẽ bị xóa sổ, cuộc sống người dân sẽ rất khó khăn”, anh T. chia sẻ.
Cây cối bị chặt phá nằm ngổn ngang khắp khu rừng. |
Quản lý lỏng lẻo
Về việc khu rừng tại tiểu khu 543 bị tàn phá, ông Bùi Ngọc Cẩm - Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm lý giải, người dân lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 để đốn hạ, xâm chiếm khu rừng để trồng cây keo. Sau khi nhận tin báo, chính quyền xã đã cử lực lượng dân quân, Công an xã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện đi tuần tra. Tuy nhiên, lên đến nơi thì phát hiện không có người. Năm 2018, thực hiện theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ khu rừng được khoanh nuôi bảo vệ với diện tích 86ha. Sau đó, khu rừng được giao cho 5 hộ dân bảo vệ. Do công tác quản lý không tốt, mấy năm qua, người dân lén lút xâm chiếm khu rừng, đến năm 2020 đo đạc lại thì khu rừng chỉ còn gần 40ha.
Tại địa bàn xã Tiên Ngọc (H. Tiên Phước), tình trạng xâm lấn rừng phòng hộ để trồng cây keo cũng diễn ra từ nhiều năm qua. Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc Võ Tấn Lạt thừa nhận, nhiều năm trước, do công tác quản lý của địa phương còn nhiều lỏng lẻo nên nhiều diện tích rừng phòng hộ bị người dân lấn chiếm để trồng cây keo. Nhằm bảo vệ khu rừng, địa phương đang tiến hành kiểm tra, đo đạc lại khu vực nằm trong rừng phòng hộ. Sau đó sẽ quy hoạch bảo vệ, không để tiếp diễn tình trạng lấn chiếm rừng để trồng cây keo. Đồng thời, địa phương cũng đang lập kế hoạch trình cấp trên xem xét cho trồng các loại cây bản địa như lim, chò... để giữ rừng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho rằng, công tác quản lý rừng tại xã Tiên Cẩm chưa chặt chẽ dẫn đến hàng chục héc-ta rừng tại thôn Cẩm Đông bị người dân xâm chiếm để trồng cây keo. Ngày mai (10-8), UBND huyện sẽ tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai công tác kiểm tra, đo đạc lại diện tích rừng bị tàn phá, đồng thời đề xuất các biện pháp siết chặt quản lý rừng.
Khu rừng tại tiểu khu 543 đang bị tàn phá. |
“Sau khi tiếp nhận báo cáo của UBND xã Tiên Cẩm, chiều 8-8, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra khu rừng bị tàn phá tại thôn Cẩm Đông. Trong chuyến kiểm tra phát hiện có người đàn ông dùng cưa máy đốn hạ cây rừng. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng kiểm tra người đàn ông đã bỏ chạy vào rừng nên không bắt được. Hiện các lực lượng chức năng đang tổ chức mật phục để bắt những kẻ phá rừng. Để bảo vệ khu rừng về lâu dài, địa phương sẽ tiến hành cắm mốc để dễ quản lý. Những diện tích rừng đã bị người dân xâm chiếm để trồng cây keo, địa phương sẽ quy hoạch lại, sau đó có phương án trồng các loại cây bản địa như lim xanh, sao đen, dõi... để phủ xanh khu rừng”, ông Anh chia sẻ.
Trước tình trạng rừng tại địa bàn bị “chảy máu”, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng. Thế nhưng, với thực trạng phá rừng vẫn đang tiếp diễn có thể nhận thấy công tác quản lý rừng tại nhiều địa phương hết sức lỏng lẻo. Thiết nghĩ, để bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ, vào cuộc giữ rừng với tất cả tinh thần và trách nhiệm.
LÊ VƯƠNG