Nhức nhối tranh chấp đất rừng
Nhiều năm qua, tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân địa phương và các công ty lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi diễn ra gay gắt và phức tạp. Người dân mất đất sản xuất, doanh nghiệp cũng gặp nhiều bất lợi, thậm chí xảy ra xô xát giữa hai bên gây mất ANTT. Một trong những nguyên nhân là bắt nguồn từ việc quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo, không rõ ràng và tồn tại nhiều bất cập của chính quyền địa phương.
Một khu vực đất lâm nghiệp của các gia đình tại xã Bình Khương, H. Bình Sơn (Quảng Ngãi) giao cho Công ty cao su Quảng Ngãi quản lý để trồng cao su. |
Là một trong những hộ giao đất cho Công ty cao su Quảng Ngãi quản lý để trồng cao su từ năm 1999, nhưng đến nay gia đình bà Võ Thị Sen ở thôn Thanh Trà, xã Bình Khương, H. Bình Sơn (Quảng Ngãi), vẫn không được hưởng lợi ích gì mà còn mất đất sản xuất, gây thiệt hại lớn về kinh tế. "Nhà tôi có 5 ha đất rừng. Bắt đầu tranh chấp với công ty cao su từ năm 2001. Từ đó đến nay đất nhà tôi bỏ trống, gây thất thoát rất nhiều. 5ha đất đó mỗi năm tôi trồng keo cũng thu lại được 70, 80 triệu đồng. Nhưng do tranh chấp khiến gia đình tôi không canh tác được, bỏ hoang mãi đến giờ", trong tâm trạng bức xúc, bà Võ Thị Sen nói.
Không chỉ gia đình bà Sen mà hàng trăm hộ gia đình khác tại xã Bình Khương cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Năm 1999, thực hiện chủ trương của Nhà nước, gần 300 hộ dân xã Bình Khương đã giao 350 ha đất lâm nghiệp của gia đình cho Công ty cao su Quảng Ngãi quản lý để trồng cao su đại điền trong thời hạn 49 năm. Đến năm 2009, khi cây cao su bắt đầu cho mủ thì bất ngờ gặp cơn bão số 9 khiến phần lớn diện tích cây cao su trên bị quật nát. Số cây cao su ngã đổ đã được Công ty cao su Quảng Ngãi khai thác theo kiểu "bán tháo" sau đó bàn giao toàn bộ diện tích đất được cấp phép lại cho UBND tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đến hiện tại, đất vẫn chưa được giao lại cho người dân khiến việc tranh chấp xảy ra từ đó đến nay. Ông Lê Văn Tân- Phó tổng Giám đốc Công ty cao su Quảng Ngãi cho biết thêm: "Đến hiện tại, hộ dân cũng không có quyền sử dụng đất mà công ty cũng không có quyền sử dụng. Nếu không giải quyết mà cứ để kéo dài thế này thì thiệt hại của đôi bên sẽ xảy ra liên tục".
Hiện tại, số đất được UBND tỉnh giao lại cho UBND xã Bình Khương quản lý và trồng cây kinh tế thay vì trả lại số đất này cho người dân. Điều này khiến người dân vô cũng bức xúc. "Lúc trước dân hợp đồng với công ty. Bây giờ công ty lấy cây cao su đi rồi thì trả đất lại cho dân chứ sao lại vòng vo trả lại cho tỉnh, rồi tỉnh trả lại cho huyện, huyện trả lại cho xã, rồi xã mới trả lại cho dân. Không khéo một lần nữa dân lại tranh chấp với xã", bà Võ Thị Sen nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết thêm: "Tỉnh giao lại đất cho xã để quản lý thì không phù hợp với nguyện vọng của người dân vì họ cho rằng trước kia họ giao đất cho công ty, bây giờ công ty làm ăn không đảm bảo thì yêu cầu trả lại diện tích đất này cho hộ dân, còn giao lại cho địa phương thì người dân không đồng tình".
Việc nhùng nhằng, không rõ ràng trong quản lý đất lâm nghiệp đã khiến phát sinh nhiều xung đột, tranh chấp tại địa phương, gây mất ANTT, thiệt hại về kinh tế. Điều người dân mong muốn là mau chóng được trả lại đất để yên tâm canh tác. "Công ty cau su cũng chưa trả lại đất cho dân. Nói trả nhưng chưa bàn giao giấy tờ làm nảy sinh tranh chấp. Tôi yêu cầu các cơ quan giải quyết dứt khoát để người dân không mâu thuẫn, tranh chấp nữa để yên tâm mà canh tác", ông Nguyễn Tài người dân xã Bình Khương cho biết thêm.
Ngoài xã Bình Khương, rất nhiều địa phương khác ở tỉnh Quảng Ngãi như Ba Tơ, Đức Phổ, Trà Bồng,... cũng xảy ra tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp từ nhiều năm nay. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần khẩn trương vào cuộc tìm hướng giải quyết để chấp dứt tình trạng tranh chấp, người dân được trả lại đất sản xuất.
Trung Thành