Những bất cập khi xây dựng cầu Phong Hồ

Thứ bảy, 03/04/2021 21:00

Đầu năm 2019, tin vui đến với người dân khối phố Phong Hồ, P. Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) khi được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ kinh phí xây cầu bê-tông theo dạng vĩnh cửu bắc qua sông Vĩnh Điện mang tên Phong Hồ. Khi cây cầu này hoàn thành sẽ chấm dứt cảnh đò giang cách trở khi người dân Phong Hồ, Cẩm Sa có nhu cầu đến cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, khi cầu Phong Hồ được khánh thành, đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, không thỏa mãn những kỳ vọng của người dân.

Cầu bê-tông vĩnh cửu nhưng cấm ô-tô lưu thông.

Ông Lê Hoàng (trú Cẩm Sa, P. Điện Nam Bắc), trao đổi: Cầu Phong Hồ là 1 trong 4 cây cầu bắc ngang sông Vĩnh Điện, nối QL1A và tuyến đường Đà Nẵng- Hội An. Đây sẽ là lối đi chính cho người dân địa phương và hàng ngàn công nhân tại các xã Điện An, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung… đang làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc. Thế nhưng, chiều rộng của cầu quá hẹp (rộng 4m), vừa đủ cho 1 ô-tô lưu thông. Ngoài ra, đường dẫn hai đầu từ QL1A hoặc tuyến Đà Nẵng- Hội An dài mỗi bên hơn 1km được thi công theo hình thức bê-tông nông thôn, rộng chưa đủ 4m, không có điểm quay đầu, tránh nhau… nên các loại ô-tô không thể lưu thông qua đây. Nên vậy, dù là cầu bê-tông vĩnh cửu nhưng chỉ có phương tiện “đặc hữu” là… xe máy mới có thể lưu thông qua lại. Theo nhiều người dân, do đầu tư thiếu đồng bộ như vậy nên không thể phát huy hết công năng của công trình, gây lãng phí…

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết cầu Phong Hồ có tổng kinh phí đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Cầu Phong Hồ bắc qua sông Vĩnh Điện được nhiều người kỳ vọng sẽ giảm tải cho một số cây cầu khác, như: Quảng Hậu, cầu sắt Điện Ngọc… để người dân Phong Hồ thoát cảnh ngăn sông, khó đến chợ và là động lực để người dân có điều kiện kết nối, giao lưu về kinh tế-xã hội với khu đô thị mới phía Đông thị xã Điện Bàn. Thế nhưng, do cơ sở hạ tầng không đồng bộ nên không thể phát huy hết công năng vốn có của công trình. Trao đổi cùng chúng tôi, một cán bộ có chức năng tại thị xã Điện Bàn cho biết: Địa phương xác định đây là cầu dân sinh, phục vụ nhu cầu đi lại, canh tác nông nghiệp của người dân khối phố Phong Hồ, P. Điện Nam Bắc nên không cần thiết phải đầu tư, mở rộng tuyến đường dẫn 2 bên.

Đường dẫn ngoằn ngoèo, giống đường bê-tông nông thôn.

Tuy nhiên, với việc không đầu tư, mở rộng tuyến đường dẫn 2 đầu cầu được nhiều người đánh giá đây là việc làm không khoa học, mang tính thời vụ. Lý do là khối phố Phong Hồ có vị trí khá thuận lợi, nằm ven sông Vĩnh Điện, giáp giới với khu đô thị mới thuộc P. Điện An, có QL1A đi ngang… nên việc đầu tư phải có chiều sâu, mang tính lâu dài, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Hơn nữa, việc cơ quan chức năng tại thị xã Điện Bàn không đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường dẫn qua cầu Phong Hồ nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông của người dân là quá bất cập. Bên cạnh đó, một số gia đình có kinh tế khá giả đã sắm các phương tiện hiện đại để đi lại, làm ăn nhưng với hạ tầng giao thông hiện tại đã trở thành trở ngại lớn đối với họ.

Hy vọng, chính quyền địa phương sẽ nhận biết những bất cập trên và có hướng khắc phục để công trình cầu Phong Hồ phát huy hết công năng nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và thỏa mãn sự kỳ vọng của người dân.

M.T