Những bất thường tại công ty Lâm nghiệp Đăk Tô

Thứ ba, 12/01/2021 22:14

Từ những kết luận thanh tra đến những vụ việc phá rừng diễn ra liên tục thể hiện nhiều bất thường trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và hoạt động kinh doanh – trồng và khai thác sâm Ngọc Linh của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (thuộc UBND tỉnh Kon Tum). Thậm chí, một số vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng đơn vị này chỉ xử lý không theo một quy định pháp luật nào. 

Liên tục xảy ra các vụ vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép, phá rừng tại lâm phần của Cty Đăk Tô.

Những sai sót, mập mờ

So với những Cty lâm nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, thì Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (gọi tắt là Cty Đăk Tô) được xem là “sống tốt”. Cty được giao quản lý, sử dụng khoảng 30.000ha rừng trên địa bàn các huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy (Kon Tum) với chức năng chăm sóc và trồng rừng, trồng cây dược liệu, khai thác gỗ và lâm sản… Ngoài việc được hưởng nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng cao thì đây là một trong số Cty lâm nghiệp ở khu vực Tây Nguyên “hoạt động thực” khi giao kinh doanh và phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện những sai phạm từ công tác quản lý tài chính, kế toán đến một số sai phạm khác. Cụ thể, vào năm 2019, cuối kỳ kế toán năm nhưng kế toán Cty đã không kiểm kê hàng tồn kho, tài sản cố định. Đặc biệt, năm 2018, việc phân bổ vốn hàng bán chưa phù hợp, dẫn đến việc thanh toán chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ chưa đúng theo hợp đồng đã ký. Vào thời điểm 31-12-2019, tài sản thiếu chờ xử lý của Cty là hơn 4,8 tỷ đồng (trong đó giá trị rừng trồng sản xuất là trên 4 tỷ đồng) theo Kết luận số 313 ngày 25-2-2014 của Sở Tài chính Kon Tum, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra Cty vẫn chưa xử lý số tài sản thiếu này.

Cũng trong năm 2018, Cty thực hiện trồng mới và chăm sóc 2,02ha các vườn sâm Ngọc Linh, năm 2019 trồng mới 2,8ha nhưng kế toán đơn vị chưa phản ánh, hạch toán trên sổ sách kế toán, chưa đưa vào báo cáo tài chính hồ sơ thanh toán của đơn vị thi công trồng mới đầy đủ (chưa có hóa đơn tài chính theo quy định). Điều đó trái với Luật kế toán hiện hành.

Chưa kể, việc khai thác các sản phẩm sâm Ngọc Linh được triển khai từ năm 2018, tuy nhiên, theo kết luận, công tác giám sát chỉ thực hiện với sâm củ, còn các sản phẩm liên quan khác, như: thân, lá và hạt vẫn chưa được giám sát, phản ánh. Dù những sản phẩm phụ này mang lại giá trị kinh tế cao (như năm 2019, doanh thu từ thân, lá sâm là 177 triệu đồng). Trong khi đó, từ nhiều năm trước, phía Cty đã giới thiệu ra thị trường những sản phẩm từ thân, lá sâm Ngọc Linh. Vậy nguồn thu từ những sản phẩm phụ này đã đi về đâu khi không được giám sát?

Với nhiều sai sót, thiếu kiểm tra thể hiện nhiều vấn đề mập mờ trong việc kinh doanh sâm Ngọc Linh và các sản phẩm phụ của sâm Ngọc Linh tại Cty Đăk Tô. 

Phá rừng phức tạp, xử theo “luật riêng”

Cùng với đó, thanh tra tỉnh Kon Tum phát hiện, diện tích quản lý, sử dụng rừng theo các quyết định của UBND tỉnh Kon Tum và theo kết quả kiểm kê rừng hàng năm của Cty có sự chênh lệch lớn. Thế nhưng, đơn vị này không có văn bản nào báo cáo để xử lý. Ngoài ra, Cty này chưa theo dõi, cập nhật đầy đủ đối với diện tích bị người dân phá rừng làm nương rẫy. Đáng lưu ý, mức giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư thôn quản lý hiện nay chưa tạo ra thu nhập ổn định từ rừng cho người dân nên tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép của chính những người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra.

Kết luận cũng chỉ rõ, các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng của Cty chưa được lập kế hoạch cụ thể về thời gian, lực lượng, kinh phí để tổ chức tuần tra, truy quét. Thậm chí, các lâm trường thuộc Cty không hề có báo cáo kết quả sau mỗi đợt tuần tra, truy quét. Nhiều “điểm nóng” về phá rừng khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy đều không hề được Cty nhắc đến.

Theo báo cáo kết luận Thanh tra, từ tháng 7 đến tháng 12-2018, trên lâm phần do Cty Đăk Tô quản lý phát hiện 1 vụ việc đưa trái phép các phương tiện, công cụ cơ giới vào rừng, 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng trên 5,7m3 và 3 vụ phá rừng trái phép với diện tích trên 6.300m2 . Riêng trong năm 2019, trên lâm phần đơn vị này quản lý đã xảy ra 7 vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng gần 90m3 , 2 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích trên 13.000m2 . Đặc biệt, vào thời điểm đầu năm 2020, những cánh rừng thuộc lâm phần quản lý của Cty Đăk Tô (thuộc khu vực xã Đăk Rơ Nga, H. Đăk Tô) trở thành “điểm nóng” về tình trạng phá rừng. Còn theo nguồn tin của P.V, trong năm 2020, đơn vị này đã để xảy ra 22 vụ khai thác lâm sản trái phép với tổng khối lượng vi phạm trên 159m3 gỗ, trong đó đã khởi tố 6 vụ.

Dù để mất rừng liên tục và số vụ vi phạm lâm luật năm sau cao hơn năm trước nhưng chủ rừng là Cty Đăk Tô vẫn chưa xử lý triệt để. Thậm chí, tự ý xử theo “luật riêng” khi phát hiện các vụ vi phạm phá rừng trái phép. Cụ thể, trong năm 2018 đã xảy ra 2 vụ phá rừng trái phép tại khoảnh 7, Tiểu khu 229 với diện tích trên 13.500m2 , thuộc rừng tự nhiên sản xuất và khoảnh 2, Tiểu khu 224 với diện tích trên 12.800m2 , thuộc rừng tự nhiên sản xuất. Trong năm 2019 xảy ra 1 vụ phá rừng trái phép khác tại khoảnh 2, Tiểu khu 224 với diện tích trên 4.500m2 thuộc rừng gỗ phục hồi, rừng tự nhiên sản xuất.

Thế nhưng, cả 3 vụ việc trên đều không được báo đến cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định pháp luật mà phía chủ rừng là Cty Đăk Tô đã tự ý “xử” theo cách của mình. Dù nắm rõ diện tích, rõ đối tượng vi phạm nhưng cả 3 vụ việc trên, phía Cty chỉ tổ chức họp thôn và cho ký cam kết (?).

Với “luật riêng” đó, phía Cty đã bất chấp các quy định tại Khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Theo đó, “Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm: b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2 ”.

Điều đó cho thấy, với cách thức quản lý và xử lý như hiện nay, rõ ràng tình trạng vi phạm lâm luật trên lâm phần quản lý của Cty Đăk Tô sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. 

M.T

Ngoài việc yêu cầu Giám đốc Cty Đăk Tô tổ chức kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế, thanh tra tỉnh Kon Tum đề nghị Giám đốc Cty thu hồi, nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền trên 380 triệu đồng.